Krông Pa: Nông dân buồn vui lẫn lộn

12/03/2013 07:26 AM


Dù mới chỉ bước vào thời kỳ đầu của nắng hạn, nhưng trên địa bàn tỉnh gần 5 ngàn ha cây trồng bị “đốt cháy”, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Tuy vậy, chuyện nắng hạn trên vùng đất khát Krông Pa lại khác, khi nông dân buồn vui lẫn lộn…

Dù mới chỉ bước vào thời kỳ đầu của nắng hạn, nhưng trên địa bàn tỉnh gần 5 ngàn ha cây trồng bị “đốt cháy”, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Tuy vậy, chuyện nắng hạn trên vùng đất khát Krông Pa lại khác, khi nông dân buồn vui lẫn lộn…

Người vui vì nắng…    

Với diện tích gần 9.500 ha mì gieo trồng trong vụ Đông Xuân, năng suất đạt được từ 20 tấn/ha đến 25 tấn/ha, Krông Pa là địa phương có diện tích và sản lượng mì lớn nhất tỉnh. Nếu vụ mì trước, nông dân đã chịu thiệt hại lớn vì không tìm được đầu ra cho sản phẩm, trong thời gian phơi khô gặp mưa kéo dài khiến hàng chục tấn mì mất trắng vì bị thối, thì đến thời điểm này, khi đã thu hoạch được hơn 70% diện tích, người dân trồng mì không còn chịu nỗi “ám ảnh” của thời tiết.

 

Ông Nguyễn Văn Thạc- xã Phú Cần cho biết: “Vụ mì trước, gia đình tôi mất trắng gần 10 tấn mì vì khi phơi gặp mưa, nhưng năm nay bước vào thu hoạch nhờ nắng kéo dài nên chỉ gần một tháng gia đình tôi đã phơi khô xong 40 tấn mì…”. Bên cạnh niềm vui không bị thiệt hại do ảnh hưởng của thời tiết, nông dân huyện Krông Pa cũng đã có vụ mì thắng lợi khi đầu ra ổn định.

Hiện nay, giá mì khô được thương lái mua tại địa phương từ 4.000 đồng/kg đến 4.300 đồng/kg và do có nhiều sự lựa chọn cho đầu ra của sản phẩm nên nông dân không bị cảnh ép giá và nợ kéo dài như những năm trước. Ngay cả 5 xã phía Tây của huyện, lâu nay vẫn gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm vì cầu Bung chưa hoàn thành thì vụ mì năm nay cũng được các thương lái đến mua tận nơi với giá cả ổn định.

Nắng nóng kéo dài, những người trồng thuốc lá cũng được hưởng niềm vui. Do từ đầu vụ, trước những khuyến cáo và hướng dẫn kỹ thuật canh tác của cơ quan chuyên môn huyện, nông dân đã chủ động được nguồn nước tưới nên độ ẩm của đất luôn được giữ ổn định giúp cây phát triển tốt, tích hợp đủ chất dinh dưỡng, cùng với đó thời tiết thích hợp giúp cây thuốc lá chín đúng vụ, thuận lợi trong việc phơi, sấy, chất lượng của vụ thuốc lá năm nay cao hơn những năm trước. Chính vì vậy, với diện tích hơn 2.000 ha, dù năng suất bình quân giảm chỉ còn hơn 1,8 tấn/ha, nhưng nhờ chất lượng tốt nên giá cả tăng từ 5% đến 7%, đạt 50.000 đồng/kg đến 55.000 đồng/kg, đảm bảo người dân thu lãi từ 20 triệu đồng/ha đến 30 triệu đồng/ha.

Kẻ buồn đợi mưa

Từ lâu, cánh đồng lúa nước 120 ha, tại xã Chư Gu là nguồn sống của hơn 100 hộ gia đình người dân tộc Jrai trong xã, nhưng vụ Đông Xuân năm nay, do nắng hạn kéo dài nguồn nước trên sông Ba cạn kiệt, nên dù có trạm bơm cùng hệ thống kênh mương vẫn không tìm ra nguồn nước phục vụ cho việc gieo trồng của người dân. Chính vì vậy, cánh đồng đã biến thành cánh đồng “chết”.

Ông Đinh Xuân Duyên- Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa cho biết: “Với năng suất bình quân 4 tấn/ha, hàng năm cánh đồng cung cấp cho người dân 480 tấn lúa, nhưng trong vụ này, do nắng hạn không có nguồn nước tưới, nên không thể gieo trồng, khiến đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn…”. Cùng với đó, địa hình của cánh đồng lúa xã Chư Gu khá phức tạp, nên khi không có nguồn nước phục vụ sản xuất, người dân ở đây cũng không thể xuống giống các loại cây trồng khác, nên từ đầu vụ, cả 120 ha này đành phải nằm phơi nắng trong sự thất vọng tràn trề của bà con nông dân.

Ngoài diện tích lúa nước tại xã Chư Gu, nắng hạn kéo dài từ đầu vụ cũng đã làm ảnh hưởng lớn đến năng suất của hơn 800 ha mía trên địa bàn huyện Krông Pa. Những vụ trước, năng suất mía tại những vùng thường gặp hạn đạt từ 65 tấn/ha đến 70 tấn/ha, thì vụ mía này, năng suất bình quân chỉ còn khoảng 45 tấn/ha đến 50 tấn/ha. Nếu thời gian tới không có mưa, sẽ còn ảnh hưởng rất lớn đến việc gieo trồng vụ mía mới của bà con nông dân. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ mía chậm, thời tiết nắng nóng kéo dài khiến cây mía bị khô cháy, nên trên địa bàn huyện đã bắt đầu xuất hiện tình trạng tranh chấp nguyên liệu khi người dân phá hợp đồng với nhà máy để bán mía cho thương lái.

Đánh giá về sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Krông Pa, ông Đinh Xuân Duyên cho biết thêm: “Ngoài thiệt hại của một số diện tích cây trồng do thời tiết nắng nóng kéo dài trong thời gian qua, nhìn chung trong vụ Đông Xuân việc sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện cũng khá ổn định. Nhờ có thêm một số công trình thủy lợi được đưa vào khai thác hiệu quả, người dân chủ động gieo trồng những loại cây trồng phù hợp với từng vùng, nên tránh được những thiệt hại do thời tiết. Bên cạnh đó, giá vật tư nông nghiệp không tăng đột biến, đầu ra và giá cả của các sản phẩm ổn định hơn những năm trước, giúp việc sản xuất của bà con nông dân gặp thuận lợi hơn…”.

Theo Báo Gia Lai