Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi heo theo hướng an toàn sinh học

11/03/2013 12:08 PM


Khoảng 2 năm trở lại đây, ngành chăn nuôi heo gặp không ít khó khăn do giá cả bấp bênh và dịch bệnh luôn rình rập. Tuy nhiên, đó cũng là cơ hội lớn đối với các hộ chăn nuôi heo theo phương pháp an toàn sinh học.

Khoảng 2 năm trở lại đây, ngành chăn nuôi heo gặp không ít khó khăn do giá cả bấp bênh và dịch bệnh luôn rình rập. Tuy nhiên, đó cũng là cơ hội lớn đối với các hộ chăn nuôi heo theo phương pháp an toàn sinh học.

Năm 2008, Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh là đơn vị tiên phong triển khai mô hình chăn nuôi heo theo hướng an toàn sinh học tại phường Yên Thế, TP. Pleiku và huyện Ia Grai. Đây là mô hình chăn nuôi đầu tiên trên địa bàn tỉnh triển khai theo quy trình khép kín từ cung ứng con giống, chăn nuôi và sản phẩm không có lượng thuốc kháng sinh, độc tố nấm móc, hóc môn tăng trưởng, nhiễm ký sinh trùng khi cung ứng đến người tiêu dùng.

 

Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay. Để cung cấp sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế thì phải giám sát chặt chẽ trong cả quy trình, từ khâu chăm sóc, giết mổ, chế biến, bảo quản, vận chuyển và phân phối. Đặc biệt là không được sử dụng thuốc quá liều cho phép, lạm dụng thuốc kháng sinh và tuyệt đối không được sử dụng các hóc môn.

Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp hiện đại, giảm tiêu tốn nguồn thức ăn. Vì trong quá trình chăn nuôi đã sử dụng men vi sinh vật có tác dụng kích thích quá trình tiêu hóa, tăng khả năng hấp thụ thức ăn và tăng quá trình trao đổi chất và năng lượng làm cho đàn heo tăng trọng nhanh. Với những ưu thế vượt trội đó, mô hình chăn nuôi heo hướng an toàn sinh học được các hộ chăn nuôi áp dụng.

Gia đình chị Nguyễn Hoàng Thắm-thôn 4, xã Biển Hồ, TP. Pleiku đang nuôi 4 con heo nái và 40 con heo thịt được Phòng Kinh tế thành phố chọn thực hiện thí điểm mô hình nuôi heo an toàn sinh học. Theo đó, gia đình chị được cấp giống heo theo dự án, thức ăn và thuốc phòng trừ dịch bệnh. Qua thời gian áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, đàn heo phát triển tốt và cho sản lượng cao.

Không riêng gì gia đình chị Thắm mà nhiều hộ chăn nuôi khác trên địa bàn thành phố Pleiku cũng đang áp dụng mô hình chăn nuôi heo theo phương pháp an toàn sinh học và đều mang lại hiệu quả cao. Gia đình chị Cai Thị Thanh Vân-tổ 5, phường Yên Thế là một trong những hộ được thành phố chọn làm thí điểm mô hình chăn nuôi heo an toàn sinh học. Ngoài việc thiết kế chuồng trại thông thoáng, tiêm vắc xin phòng bệnh định kỳ, gia đình chị còn xây dựng thêm hầm biogas để đảm bảo vệ sinh môi trường, đồng thời tận dụng khí gas để phục vụ sinh hoạt.

Mô hình nuôi heo theo hướng an toàn sinh học được Phòng Kinh tế TP. Pleiku triển khai từ năm 2012 ở xã Biển Hồ, xã An Phú, phường Đống Đa và Yên Thế, với tổng kinh phí thực hiện gần 300 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 155 triệu đồng chủ yếu hỗ trợ con giống, thức ăn, thuốc thú y, phương tiện sát trùng, thuốc sát trùng. Mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học giúp người chăn nuôi nâng cao ý thức áp dụng tiến bộ khoa học, nâng cao thu nhập.

Thời gian tới, thành phố Pleiku sẽ nhân rộng mô hình nuôi heo theo hướng an toàn sinh học, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh, giúp người chăn nuôi nâng cao thu nhập để cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ thị trường.

Theo Báo Gia Lai