Cây mía và vấn đề liên kết “4 nhà”

15/01/2013 07:33 AM


“Liên kết 4 nhà” là chủ trương đúng đắn của Chính phủ theo Quyết định 80/2002/QĐ-TTg nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, với sự tham gia của “4 nhà”: nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước. Tuy nhiên hiện nay “4 nhà” liên kết vẫn còn khá lỏng lẻo. Yêu cầu đặt ra là liên kết hiệu quả hơn, thúc đẩy khuyến khích thu hút đầu tư nông nghiệp công nghệ cao theo hướng đầu tư vốn

“Liên kết 4 nhà” là chủ trương đúng đắn của Chính phủ theo Quyết định 80/2002/QĐ-TTg nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, với sự tham gia của “4 nhà”: nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước. Tuy nhiên hiện nay “4 nhà” liên kết vẫn còn khá lỏng lẻo. Yêu cầu đặt ra là liên kết hiệu quả hơn, thúc đẩy khuyến khích thu hút đầu tư nông nghiệp công nghệ cao theo hướng đầu tư vốn, chuyển giao công nghệ và bao tiêu sản phẩm cho nông dân, hình thành vùng sản xuất nguyên liệu theo chuỗi giá trị.

Để tạo ra một nền nông nghiệp cân đối, bền vững, trên cơ sở điều tra, khảo sát, tỉnh Gia Lai đã quy hoạch hoàn chỉnh nền sản xuất nông nghiệp theo từng ngành, vùng, địa phương. Điều quan trọng là với từng vùng khác nhau ứng với mỗi loại cây trồng chủ lực, tỉnh đều có chính sách đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, gắn vùng nguyên liệu với nhà máy. Với chủ trương đó, hàng loạt cây trồng phát triển mạnh cả về diện tích, năng suất, sản lượng.
 

Đánh giá thật đầy đủ sau 10 năm thực hiện Quyết định 80 có một ý nghĩa rất quan trọng. Thông qua đó sẽ có một cái nhìn toàn diện hơn về chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đi vào cuộc sống, về những mặt được, chưa được, kinh nghiệm rút ra để chỉ đạo sản xuất thắng lợi.    

Vẫn là cây mía

Hiện nay giá đường thế giới đang xuống thấp, mía đang tiêu thụ rất chậm và giá rẻ. Mía của huyện Kbang, Đak Pơ mới chỉ tiêu thụ khoảng 20%. Các địa phương, người trồng mía, nhà máy đã “ngồi lại” với nhau thỏa thuận giá mua mía đảm bảo có lợi cho nông dân và đẩy nhanh tiêu thụ.

Tuy nhiên nhìn xa hơn, không thể phủ nhận ý nghĩa của mối liên kết giữa người trồng mía với doanh nghiệp. Cây mía đã làm đổi đời nhiều nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập. Vụ vừa rồi, ông Vũ Văn Định ở thôn Pi Dông, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa thu hoạch 800 tấn mía, giá bán 930 ngàn đồng/tấn, thu về gần 750 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 350 triệu đồng. Ông Định cho biết cây mía phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, giá cả và đầu ra ổn định. Ông Phạm Văn Ninh-thị xã Ayun Pa trồng hơn 10 ha mía, tuy không phải trên vùng đất tốt nhưng năng suất cũng hơn 60 tấn/ha, trừ chi phí, mỗi ha ông lãi 25 triệu đồng. “So với các cây trồng khác, mía vẫn là cây trồng sinh lợi khá hơn”-ông Ninh đúc kết.

Chính vì hiệu quả mang lại mà diện tích mía phát triển mạnh, vụ ép 2012-2013, toàn tỉnh có khoảng 31,5 ngàn ha mía, năng suất bình quân trên 65 tấn/ha, sản lượng chừng 2,2 triệu tấn. Trong đó, khu vực phía Đông có 23.135 ha, sản lượng vào khoảng 1,5 triệu tấn; khu vực phía Đông Nam có khoảng 8.300 ha, sản lượng trên 530 ngàn tấn.Các nhà máy đường chú trọng nâng công suất sản xuất với phát triển vùng nguyên liệu, đầu tư chiều sâu. Mới đây, Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai đã ký hợp đồng với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tỉnh với khoản tín dụng 1.100 tỷ đồng cũng với mục tiêu đó, thể hiện sự gắn bó lâu dài với bà con nông dân.

Cho một liên kết chiều sâu

“4 nhà” tuy có vai trò, chức năng khác nhau nhưng lại hỗ trợ, dựa vào nhau phát triển, đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhất là trong sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Song như đã nói trên thực tế, vai trò của từng “nhà” trong mối liên kết này còn chưa thể hiện rõ, mối liên kết lỏng lẻo, doanh nghiệp ép giá nông dân mỗi khi nông sản được mùa, còn nông dân thì bội ước với doanh nghiệp khi bán nông sản cho thương lái với giá cao hơn.

Vì lợi nhuận và phát triển bền vững, các nhà máy đã dành kinh phí đầu tư nghiên cứu khoa học hay đặt hàng cho nhà khoa học tìm ra những giống mía mới, xây dựng mô hình, quy trình sản xuất tiên tiến, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hay những thành công trong công tác phòng-chống sâu bệnh hại, sản xuất an toàn. Điều này rất đáng trân trọng nhưng nhiều nhiệm vụ, các nhà khoa học còn chưa “giải mã”. Lãnh đạo tỉnh từng kêu gọi các nhà khoa học trong tỉnh, trong nước nghiên cứu giúp tỉnh khắc phục một số dịch bệnh thường hay xảy ra trên cây trồng, vật nuôi như: bệnh chết nhanh chết chậm trên cây tiêu, bệnh xén tóc phá hoại mía, bệnh lở mồm long móng trên gia súc... nhưng đến nay vẫn chưa có công trình, kết quả nào “trả lời”. Năng suất mía Thái Lan với Việt Nam hiện nay chênh lệch đến hàng trăm tấn cho ta thấy vai trò quan trọng của nền sản xuất tiên tiến khi có sự tham gia chuyên sâu của các nhà khoa học.

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh (Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh) cho rằng, khi những vấn đề vừa có tính căn cơ vừa có tính đột phá nói trên được chú trọng đúng mức, chắc chắn liên kết 4 nhà sẽ bền vững. Còn trước mắt mối liên kết này chủ yếu vẫn là “cuộc chơi” giữa doanh nghiệp với nông dân mà sự tin tưởng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

Theo Báo Gia Lai