Triển vọng từ mô hình nuôi cá nước ngọt ở thị xã Ayun Pa

11/01/2013 01:46 PM


Bên cạnh gần 1.000 ha đất ruộng lúa, thị xã Ayun Pa có 40 ha mặt nước gắn với đó là hệ thống kênh mương của công trình đại thủy nông Ayun Hạ, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân sản xuất mỗi năm 2 vụ lúa nước ăn chắc, kết hợp phát triển nuôi cá nước ngọt cho thu nhập cao gấp 3 lần trồng lúa.

Bên cạnh gần 1.000 ha đất ruộng lúa, thị xã Ayun Pa có 40 ha mặt nước gắn với đó là hệ thống kênh mương của công trình đại thủy nông Ayun Hạ, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân sản xuất mỗi năm 2 vụ lúa nước ăn chắc, kết hợp phát triển nuôi cá nước ngọt cho thu nhập cao gấp 3 lần trồng lúa.
 

Mô hình ao cá của gia đình chị Huỳnh Thị Hưng ở tổ 2, phường Đoàn Kết (Ayun Pa) cho thu nhập gấp 3 lần trồng lúa. Ảnh: Đức Phương
Mô hình ao cá của gia đình chị Huỳnh Thị Hưng ở tổ 2, phường Đoàn Kết (Ayun Pa) cho thu nhập gấp 3 lần trồng lúa. Ảnh: Đức Phương

Dù vậy, từ trước đến nay người dân Ayun Pa vẫn chỉ gieo trồng mỗi năm 2 vụ lúa nước đơn thuần mà ít người quan tâm đến việc tận dụng mặt nước để nuôi cá hoặc kết hợp nuôi trồng một vụ cá, một vụ lúa. Chính vì thế hiệu quả trong sản xuất và giá trị đem lại từ cùng một đơn vị diện tích chưa thực sự cao (chỉ xấp xỉ 30 triệu/ha); nhiều diện tích mặt nước còn bị bỏ hoang hoặc sử dụng ít hiệu quả.  

Để khắc phục tình trạng đó, trong vụ mùa 2012, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã đầu tư mô hình nuôi cá ao cho 11 hộ dân ở 4 phường và 4 xã trên địa bàn. Tổng kinh phí của mô hình là 73,7 triệu đồng từ nguồn vốn khuyến nông tỉnh. Nhà nước hỗ trợ 100% cá giống và 50% định mức thức ăn. Trạm Khuyến nông thị xã đã mua 18.000 con cá giống chép, trắm, mè cấp cho nông dân thả nuôi diện tích 0,9 ha ao hồ.

Ngay từ đầu vụ, Trạm Khuyến nông tổ chức 2 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật xử lý ao hồ nuôi, chăm sóc cá theo đúng quy trình kỹ thuật cho các hộ tham gia mô hình. Trong suốt thời gian sinh trưởng của cá, Trạm cử cán bộ kỹ thuật theo sát nông dân để hướng dẫn cách thức chăm sóc, phòng trừ bệnh cho cá. Nhờ đó, sau 5 tháng nuôi thả, đến nay hầu hết cá nuôi đã tăng trưởng tốt, bà con bắt đầu bước vào thu hoạch. Tỷ lệ cá sống đạt 80%, trọng lượng bình quân 0,5kg/con; năng suất bình quân đạt 6,7 tấn/ha.

Không chỉ người Kinh mà nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số qua tập huấn thấy trước được hiệu quả của mô hình cũng tự nguyện tham gia đào ao nuôi cá. Nay Phem ở buôn Phu Ma Nhe 2 xã Ia Rtô cho hay: Giống cá trắm, chép, mè được cấp không đỡ tốn tiền mua lại đảm bảo nguồn cá giống khỏe, sạch bệnh, đạt tỉ lệ cá nuôi sống trên 80%. Áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi cá 2 con/m2 mặt nước, độ sâu hồ 1,2 m, kết hợp mở cống để lấy nước từ kênh mương thủy lợi Ayun Hạ ra vào ao hồ lý nên cá nhanh lớn. Trước đây cũng nuôi cá hồ nước tù đọng, tỉ lệ cá thả cao 8-10 con/m2 nên cá không lớn được; mặt khác vì nguồn giống không đảm bảo, nhiều khi mới thả cá ngày trước, ngày sau đã thấy cá chết trắng mặt ao nên đến kỳ thu hoạch chẳng được bao; còn bây giờ chỉ sau 5 tháng nuôi, cho thu hoạch 7 tạ cá/sào.

Thấy được hiệu quả từ nuôi cá, một số gia đình kết hợp phát triển mô hình cá-lúa cho thu nhập cao hơn. Chị Huỳnh Thị Hưng ở tổ 2, phường Đoàn Kết có 2 ha lúa nước, trong đó 1 ha trồng 3 vụ/năm, còn 1 ha kết hợp 1 vụ cá, 2 vụ lúa. Tầm tháng 2, tháng 3 khi thời tiết nắng ấm chị Hưng bắt đầu thả cá hương vào hồ, chăm sóc khoảng 1 tháng, khi cá to bằng 2 ngón tay thì lúc này cây lúa ngoài ruộng đã cao tầm ba gang tay. Lúc đó, chị Hưng tháo nước vào ruộng rồi san cá từ hồ qua ruộng lúa. Ngoài chuyện phải be bờ, giăng lưới bao quanh ruộng để cá không bơi đi mất, giữa ruộng lúa rộng 1 sào phải dành ra 100m2 đất trống để đào sâu chừng 1m làm chỗ cho cá trú ẩn. “Nuôi cá kết hợp với trồng lúa sẽ cho năng suất cao hơn vì cá ăn mùn dưới ruộng đỡ tốn thức ăn mà lúa cũng đỡ phải bón phân, đỡ công làm cỏ vì có cá sục bùn thường xuyên nên lúa tốt hơn, cá nhanh lớn hơn so với cách nuôi trồng đơn thuần trước đây. Tầm tháng 8-9 là có thể thu hoạch cá đạt 0,8kg/con; nếu nuôi thêm đến tết cá trên 1kg/con bán được giá hơn. Năng suất lúa đạt 8 tạ/sào cao hơn cách cũ 2 tạ; cá bán được 9 triệu đồng/sào cao hơn cách cũ 3 triệu đồng vì không tốn tiền thức ăn.”-chị Hưng nói.

Còn ông Ksor Yeng-Trưởng Trạm Khuyến nông thì cho biết: “Nuôi cá ao theo quy trình kỹ thuật mới sẽ cho thu nhập 90 triệu đồng/ha, cao gấp 3 lần trồng lúa. Sắp tới chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND thị xã và phối hợp với các xã, phường vận động, hướng dẫn người dân tận dụng diện tích mặt nước gần 40 ha lâu nay chưa được sử dụng hiệu quả để làm ao hồ nuôi cá; đồng thời, nhân rộng mô hình cá-lúa sẽ đem lại nguồn thu nhập cao cho nông dân.”

Theo Báo Gia Lai