Làm gì để phát triển nghề truyền thống?

09/01/2013 07:24 AM


Toàn tỉnh hiện có 9 làng nghề truyền thống đang hoạt động, chủ yếu do các hợp tác xã quản lý. Song, có một thực tế là các sản phẩm nghề truyền thống này lại chưa thực sự giúp lao động nông thôn có thêm việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Toàn tỉnh hiện có 9 làng nghề truyền thống đang hoạt động, chủ yếu do các hợp tác xã quản lý. Song, có một thực tế là các sản phẩm nghề truyền thống này lại chưa thực sự giúp lao động nông thôn có thêm việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
 

Nghệ nhân Nguyễn Văn Lân, xã viên HTX Thảo Nguyên tạo ra những sản phẩm từ những cây cà phê già cỗi. Ảnh: Đ.Y
Nghệ nhân Nguyễn Văn Lân, xã viên HTX Thảo Nguyên tạo ra những sản phẩm từ những cây cà phê già cỗi. Ảnh: Đ.Y

Có rất nhiều nguyên nhân khiến nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh chưa phát triển. Đó là kiểu phát triển tự phát, manh mún, quy mô nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm. Kế đó là sản phẩm không tìm được đầu ra, giá thành sản phẩm cao, mẫu mã kém, không thu hút được khách hàng và nhu cầu thị trường. Vì vậy, hầu hết các nghề này chỉ tồn tại được một thời gian ngắn rồi tự… “phá sản”.

Trong giai đoạn 2006-2012, tỉnh đã đầu tư 9 làng nghề từ nguồn vốn có mục tiêu của Chính phủ và nguồn ngân sách địa phương, với tổng kinh phí gần 9 tỷ đồng. Cụ thể là xây dựng cơ sở hạ tầng cho làng nghề truyền thống của Hợp tác xã (HTX) Nhạc cụ dân tộc Thắng Lợi (TP. Pleiku), HTX Thảo Nguyên (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) sản xuất bẹ chuối, mây, tre, đan; HTX Nông nghiệp và Dệt thổ cẩm xã Glar (huyện Đak Đoa)… Song, qua một thời gian, các HTX này chỉ hoạt động cầm chừng hoặc chuyển sang hướng làm ăn khác.

Bà Trần Thị Anh Đào-phụ trách khối thủ công mỹ nghệ HTX Thảo Nguyên cho biết: Mấy năm trước, nghề mây tre đan bằng bẹ chuối được HTX Ba Nhất (TP. Hồ Chí Minh) ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên HTX làm ăn rất thịnh. Nhưng từ năm 2010 HTX Ba Nhất không ký kết hợp đồng được với nước ngoài nên HTX Thảo Nguyên cũng không còn đầu ra, do đó xã viên phải chuyển hướng sang làm việc khác.

HTX Nông nghiệp và Dệt thổ cẩm xã Glar được đánh giá là hoạt động có hiệu quả do sự năng động và yêu nghề của chị M’lop-Chủ nhiệm Hợp tác xã. Song điều khó khăn nhất hiện nay của HTX cũng là đầu ra cho sản phẩm. Chị M’lop trăn trở: Hiện nay, nghề dệt thổ cẩm truyền thống ít còn được đồng bào dân tộc thiểu số chú trọng. Bởi các sản phẩm này không còn được người dân dùng thường xuyên trong đời sống sinh hoạt gia đình nữa. Do vậy, các sản phẩm dệt truyền thống cũng dần dần bị mai một, có chăng người dân mua về dùng như là một món quà làm kỷ niệm mà thôi.  

Trong những năm qua, tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện Nghị định 66/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn. Tuy vậy, việc triển khai thực hiện của các ngành, địa phương còn quá chậm và thiếu sâu sát. Ông Nguyễn Văn Nông-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, nhìn nhận: Muốn phát triển nghề truyền thống thì phải tìm được đầu ra cho sản phẩm. Muốn sản phẩm có đầu ra thì chỉ có cách là tiếp cận bằng con đường du lịch, thông qua trung tâm khuyến công và thành lập các website để quảng bá sản phẩm.

Tại Hội nghị sơ kết việc thực hiện Nghị định 66 của Chính phủ được tổ chức mới đây, lãnh đạo tỉnh kiến nghị với Trung ương cần tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí hơn nữa cho việc bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống. Có cơ chế chính sách cụ thể để cho các làng nghề vay vốn dài hạn theo chính sách ưu đãi của Nhà nước. Cần được kết nối với thị trường toàn quốc, có giải pháp xuất khẩu sản phẩm, hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm từ làng nghề ở nông thôn.

 

Cũng cần lập dự án khôi phục các làng nghề truyền thống đang hoạt động kém và có kế hoạch mở rộng làng nghề truyền thống đang hoạt động tốt. Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, làng nghề trong việc thu mua nguyên liệu, tiếp cận thị trường trong và ngoài nước bằng cách ưu tiên quảng cáo, triển lãm, cung cấp thông tin thị trường. Hỗ trợ các cơ sở trong việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm thông qua các chương trình kinh tế xã hội, các trung tâm chuyển giao công nghệ.     

Theo Báo Gia Lai