Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

09/01/2013 01:30 PM


Số thu ngân sách năm 2012 của tỉnh vượt ngưỡng 3.521 tỷ đồng vào những ngày cuối cùng của năm. Đây được xem là cú “lội ngược dòng” ngoạn mục của tỉnh, khi tình hình kinh tế-xã hội địa phương trong thời gian qua đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức.

Số thu ngân sách năm 2012 của tỉnh vượt ngưỡng 3.521 tỷ đồng vào những ngày cuối cùng của năm. Đây được xem là cú “lội ngược dòng” ngoạn mục của tỉnh, khi tình hình kinh tế-xã hội địa phương trong thời gian qua đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức. Nhân dịp năm mới 2013, Gia Lai online đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Dũng-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính xung quanh những giải pháp liên quan đến công tác thu ngân sách năm qua và định hướng cho năm 2013.  

- Với cương vị lãnh đạo ngành Tài chính tỉnh, ông đánh giá, nhân định như thế nào về những kết quả đạt được qua việc thực hiện các giải pháp tài chính trong năm qua?

 

Ông Nguyễn Dũng: Thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-CP và các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh đã làm việc với Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh yêu cầu chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời hạn trả nợ, mở rộng đầu tư tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển nông nghiệp-nông thôn, cho vay sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ.  

Đến cuối tháng 9-2012, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 70 doanh nghiệp, với dư nợ 976 tỷ đồng; cho vay mới đối với 4 nhóm lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên theo Thông tư số 14/2012/TT-NHNN cho 3.673 khách hàng, với dư nợ 1.106 tỷ đồng; thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất các khoản vay cũ về mức tối đa 15%/năm cho 44.826 khách hàng với dư nợ được điều chỉnh là 14.507 tỷ đồng (trong đó có 1.052 doanh nghiệp với dư nợ được điều chỉnh là 8.188 tỷ đồng, chiếm 92% tổng dư nợ lãi suất trên 15% của các doanh nghiệp).  

Trên lĩnh vực thuế, đã thực hiện gia hạn 6 tháng thuế GTGT của các tháng 4, 5, 6-2012 cho 4.802 đối tượng nộp thuế, với số thuế được gia hạn khoảng 205,3 tỷ đồng (trong đó thuế GTGT tháng 4, 5-2012 được gia hạn đến tháng 11, 12-2012 là 137,2 tỷ đồng; thuế GTGT tháng 6-2012 được gia hạn đến tháng 1- 2013 là 68,1 tỷ đồng.  Giảm 50% tiền thuê đất phải nộp năm 2012 cho 96 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại-dịch vụ, số tiền gần 1 tỷ đồng. Giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2012 cho 1.276 doanh nghiệp vừa và nhỏ với số thuế được giảm là 63 tỷ đồng.

Miễn thuế khoán, thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và kinh doanh đến mức phải chịu thuế thu nhập cá nhân bậc 1 cho 6 tháng cuối năm 2012, cho khoảng 13.000 đối tượng là 6 tỷ đồng. Thông qua việc thực hiện các giải pháp tài chính-thuế đã góp phần quan trọng tạo sự chuyển biến bước đầu trong nền kinh tế địa phương, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tạo điều kiện để doanh nghiệp duy trì-phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, tăng trưởng kinh tế vẫn duy trì được tốc độ khá cao (12,9%), cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đặc biệt năm 2012 cũng là năm kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt mức cao nhất từ trước đến nay 380 triệu USD (126,7% kế hoạch).

- Năm 2013 được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Vậy ngành Tài chính sẽ triển khai những giải pháp, cơ bản nào để hỗ trợ doanh nghiệp, tác động tích cực vào sự phục hồi tăng trưởng kinh tế, thưa ông?

Ông Nguyễn Dũng: Theo tôi, giải pháp tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất cho vay, ưu tiên tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp- nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho vay sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ  vẫn là cơ bản và quan trọng nhất. Ngoài ra, muốn triển khai hiệu quả Nghị quyết 13/NQ-CP rất cần sự năng động từ cơ quan Thuế, vì hiện nay doanh nghiệp muốn được hưởng ưu đãi phải làm đủ mọi thủ tục để đến với cơ quan thuế. Năm 2013, căn cứ tình hình thực tế của địa phương, ngành Tài chính đề xuất thực hiện một số giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.  

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, các địa phương, các ngành tăng cường triển khai công tác đền bù-giải phóng mặt bằng đảm bảo đúng quy định và kịp thời, tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án. Xem xét điều chỉnh quy hoạch, thu hẹp dự án đối với các dự án gặp khó khăn hoặc không thực hiện được công tác giải phóng mặt bằng theo tổng thể dự án được duyệt, tùy theo mức độ cụ thể của từng dự án để xem xét giải quyết tháo gỡ. Trình Thường trực HĐND tỉnh cho phép gia hạn thời gian nộp tiền sử dụng đất (tối đa là 12 tháng) đối với các chủ dự án có khó khăn về tài chính theo Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ.

Đối với các doanh nghiệp xây dựng cơ bản đang triển khai các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, bên cạnh việc kiểm tra, kiên quyết xử lý các nhà thầu không đủ năng lực thì đề xuất một số giải pháp hỗ trợ sau: xem xét gia hạn hợp đồng các công trình thật sự gặp khó khăn do vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng; đối với doanh nghiệp trúng thầu các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước năm 2011, 2012, đề nghị các ngân hàng thương mại tạm giãn việc thu hồi các khoản nợ cũ khi nguồn vốn thanh toán chuyển về tài khoản của doanh nghiệp, để doanh nghiệp có vốn triển khai thi công các công trình mới.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuộc 4 nhóm, lĩnh vực kinh tế ưu tiên, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại tạo điều kiện để các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp, đơn giản hóa tối đa các thủ tục cho vay. Đồng thời tăng hạn mức tín dụng,  xem xét nâng tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản thế chấp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm nguồn vốn đưa vào sản xuất, kinh doanh.

- Xin cảm ơn ông!

 

Theo Báo Gia Lai