Hành trình trên vùng đất mới

09/01/2013 07:21 AM


Những năm qua, Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang đã từng bước xây dựng thương hiệu cho riêng mình bằng cách ổn định diện tích cao su trong nước, đầu tư mở rộng diện tích sang nước bạn Campuchia.

Những năm qua, Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang đã từng bước xây dựng thương hiệu cho riêng mình bằng cách ổn định diện tích cao su trong nước, đầu tư mở rộng diện tích sang nước bạn Campuchia.

Có dịp theo chân những người làm “vàng trắng” của Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang, tận mắt thấy những vườn cao su bạt ngàn của Công ty trồng mới từ năm 2009 đến nay trên địa bàn huyện Van Say-tỉnh Rattanakiri (Vương quốc Campuchia) mới thấy hết những khó khăn khi mở rộng diện tích cao su trên nước bạn.

 

Ảnh: Nguyễn Diệp
Ảnh: Nguyễn Diệp

Qua khỏi Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh chưa đến 2 giờ đồng hồ đã có mặt tại trụ sở Công ty cổ phần Cao su Mang Yang-Rattanakiri thành phố Ban Lung-Rattanakiri. Đây là Công ty mới được thành lập vào năm 2009. Sau khi được Bộ thương mại Campuchia đồng ý cho thuê  6.891 ha đất trồng cao su với thời hạn 70 năm tại xã Phnom Kok, Công ty đã cử cán bộ khảo sát và quyết định đầu tư. Khu vực trồng mới cao su ở vùng rừng núi xa xôi hẻo lánh, cơ sở hạ tầng còn yếu, dân cư thưa thớt, lạc hậu, trình độ dân trí thấp.

Vượt qua những khó khăn thử thách này, từ năm 2009 đến nay, Công ty đã khai hoang, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ người dân đi lại và trồng mới cao su. Bắt đầu trồng từ năm 2010 với 847 ha, qua năm 2011 diện tích đã gần gấp đôi 1.611 ha và sang năm 2012 trồng được 1.594 ha, nâng tổng diện tích của Công ty tại đây lên 4.052 ha. Nhìn những vườn cao su bạt ngàn liền vùng liền thửa qua 3 năm trồng, ít ai nghĩ độ tuổi đó mà xanh tốt vụt lớn. Theo ông Trương Ly-Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Mang Yang-Rattanakiri, “với tốc độ phát triển nhanh, chừng 3 năm nữa, toàn bộ diện tích cao su nơi đây sẽ đưa vào khai thác sớm hơn so với kế hoạch”.

 

Ảnh: Nguyễn Diệp
Ảnh: Nguyễn Diệp

Nói về dự án này, ông Lê Đình Bửu- Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Cao su Mang Yang-Rattanakiri cho biết: “Thực hiện chủ trương đầu tư phát triển cây cao su ra nước ngoài của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang đã mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích cao su tại tỉnh Rattanakiri. Dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng Công ty đã cơ bản hoàn thành mục tiêu khai hoang trồng mới, xây dựng kết cấu hạ tầng sản xuất và xã hội theo cam kết.

Đến nay, tổng vốn đầu tư tại Rattanakiri là trên 28 triệu USD. Hai, ba năm nữa, những dòng nhựa trắng đầu tiên tại đây sẽ cho khai thác. Đây là bước ngoặt lớn để Công ty xây dựng thương hiệu trên vùng đất mới này”.

 

Ảnh: Nguyễn Diệp
Ảnh: Nguyễn Diệp

Cùng với khai hoang trồng cao su, công tác đầu tư cơ sở hạ tầng giúp địa phương phát triển kinh tế-an sinh xã hội cũng được Công ty quan tâm đầy đủ. 250 công nhân là người bản địa đã được nhận vào làm việc với mức lương bình quân 150-200 USD người/tháng. Công ty còn xây dựng thư viện, phòng họp tặng cho trường cấp III của huyện. Đặc biệt đã xây dựng 250 căn nhà ở cho công nhân với diện tích mỗi căn 42 m2 theo kiểu nhà truyền thống của người Khơme giúp họ yên tâm công tác.

Trong thời gian tới, Công ty sẽ xây dựng thêm nhà ở, trường học, trạm y tế khám-chữa bệnh và một ngôi chùa để công nhân có nơi hành lễ sinh hoạt.

 

Bên cạnh việc trồng, chăm sóc diện tích cao su hiện có, Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang cũng đang đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến mủ với công suất 5.000 tấn/năm tại huyện Ozađav phục vụ nhu cầu người dân trong vùng cũng như của đơn vị. Ngoài ra, còn khảo sát xây dựng một số thủy điện nhỏ phục vụ điện sinh hoạt cho người dân nơi đây.

Đã qua 4 năm phát triển diện tích cao su trên nước bạn Campuchia, mùa xuân mới lại về và Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang đang dệt những mầm xuân trên vùng đất mới góp phần thắt chặt tình cảm thân thiện và thắm tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam-Campuchia.

Theo Báo Gia Lai