Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

07/01/2013 07:41 AM


Trong năm 2012, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và UBND cấp huyện, thị xã, thành phố chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác cải cách hành chính (CCHC), trong đó có lĩnh vực thủ tục hành chính (TTHC), gắn với nâng cao chất lượng cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” tại cơ quan hành chính.

Trong năm 2012, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và UBND cấp huyện, thị xã, thành phố chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác cải cách hành chính (CCHC), trong đó có lĩnh vực thủ tục hành chính (TTHC), gắn với nâng cao chất lượng cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” tại cơ quan hành chính.

Cùng với việc tổ chức đoàn liên ngành tỉnh và huyện, thị xã, thành phố đi học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác CCHC tại một số tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát TTHC, đặt mục tiêu rà soát các thủ tục và nhóm thủ tục, quy định hành chính có liên quan trực tiếp đến tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, tập trung rà soát các quy định TTHC thuộc lĩnh vực còn nhiều dư luận, bức xúc đối với các tổ chức và cá nhân như đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, đầu tư, xây dựng, đất đai. Phân công trách nhiệm thực hiện kế hoạch rà soát cho các sở, ban ngành, địa phương chủ động phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tiến hành rà soát các quy định và TTHC đã được phê duyệt. 

 

Bộ phận “một cửa hiện đại” tại UBND TP. Pleiku. Ảnh: T.N
Bộ phận “một cửa hiện đại” tại UBND TP. Pleiku. Ảnh: T.N

Mục tiêu được xác định là phát hiện, sửa đổi, bãi bỏ quy định, TTHC theo thẩm quyền hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, thay thế, bãi bỏ các quy định, TTHC không phù hợp, không cần thiết, cắt giảm chi phí, thời gian thực hiện TTHC cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh còn chỉ đạo giải quyết một số tồn tại, vướng mắc trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các địa phương khẩn trương hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cải cách TTHC trong lĩnh vực đất đai. Công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật được tăng cường, có cơ chế lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân có liên quan trước khi ban hành văn bản.

Trong năm, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định công bố 667 TTHC thuộc các lĩnh vực khác nhau-trong đó, công bố mới 510 thủ tục, công bố sửa đổi 54 thủ tục, công bố bãi bỏ 401 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành tỉnh và UBND cấp huyện, thị xã, thành phố tiếp nhận và xử lý 19 phản ánh và kiến nghị liên quan đến quy định hành chính.

Các sở, ngành đã chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp tổ chức kiểm tra công tác CCHC theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong đó, đã thành lập Đoàn kiểm tra công tác cải cách TTHC tại 4 sở: Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, cùng 4 địa phương gồm: Chư Pah, Chư Sê, Chư Prông và TP. Pleiku. Qua đó những tồn tại trong công tác cải cách TTHC và kiểm soát TTHC đã được chấn chỉnh kịp thời, các nội dung và nhiệm vụ cải cách TTHC, kiểm soát TTHC được các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện theo mục tiêu và kế hoạch đề ra.

Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ISO hành chính tỉnh là Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức 3 đợt kiểm tra kết quả tổ chức triển khai xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001: 2008 tại 16 đơn vị, địa phương. Sở Thông tin và Truyền thông chủ động tổ chức kiểm tra hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin tại 11 đơn vị và địa phương.

Đến nay, có 50/56 cơ quan, đơn vị đang triển khai xây dựng và áp dụng ISO hành chính, trong đó có 8 đơn vị đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp giấy chứng nhận (Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP. Pleiku, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và Truyền thông, Chi cục Quản lý Thị trường và Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum). Sở Nội vụ phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tổ chức 11 lớp bồi dưỡng kỹ năng CCHC cho 648 cán bộ công chức làm nhiệm vụ CCHC ở 3 cấp và một lớp tập huấn về công tác điều tra, khảo sát mức độ hài lòng của công dân về dịch vụ hành chính công cho Phòng Nội vụ cấp huyện.

Đến nay, có 16/18 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và 17/17 đơn vị hành chính cấp huyện, thị xã, thành phố thực hiện cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông”, tất cả các xã, phường, thị trấn đã thực hiện cơ chế “một cửa”. Riêng mô hình “một cửa hiện đại” đang được triển khai tại TP. Pleiku, đã nhận được nhiều đánh giá tích cực và nhân dân đồng tình ủng hộ. Hoạt động các mô hình trên đã có nhiều chuyển biến tích cực, thay đổi thái độ phục vụ của công chức, tạo cơ chế giám sát hoạt động của cơ quan hành chính. Quá trình triển khai thực hiện đã đạt được những kết quả tích cực, nhất là trong việc cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công. Công tác chỉ đạo, điều hành từ tỉnh đến huyện, xã được quan tâm, phát huy vai trò người đứng đầu.

Ông Dương Tráng- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ, Cơ quan thường trực của tỉnh về CCHC cho biết: “Năm 2013, Sở sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông”, nâng cao tính chuyên nghiệp trong quy trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ. Tiếp tục thực hiện kế hoạch kiểm soát TTHC, công bố kịp thời, đầy đủ chính xác các TTHC được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ theo đúng quy định. Tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh đầu tư trang-thiết bị và điều kiện làm việc, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy chế làm việc và quy tắc ứng xử của các cơ quan hành chính nhà nước. Chú trọng giám sát thực hiện CCHC, gắn với phòng-chống tiêu cực trong thực thi công vụ theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy. Tiếp tục tổ chức điều tra, khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp, công dân về dịch vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh...”.

Theo Báo Gia Lai