Một phụ nữ nghị lực vươn lên trong cuộc sống vì sự học của con
20/11/2012 07:11 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Hình ảnh một phụ nữ có dáng người thấp, khuôn mặt hiện rõ sự khắc khổ, ngày qua ngày tần tảo làm thuê từ sáng sớm đến tối mịt, dường như đã quá quen thuộc với người dân thôn 5, xã Thành An, thị xã An Khê gần 8 năm nay. Chị là Lê Thị Thu, một người đã có nhiều nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Hình ảnh một phụ nữ có dáng người thấp, khuôn mặt hiện rõ sự khắc khổ, ngày qua ngày tần tảo làm thuê từ sáng sớm đến tối mịt, dường như đã quá quen thuộc với người dân thôn 5, xã Thành An, thị xã An Khê gần 8 năm nay. Chị là Lê Thị Thu, một người đã có nhiều nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Cái ngày định mệnh…
Là vợ, là mẹ của một người chồng chăm chỉ, giỏi dang và ba đứa con ngoan, chị Thu đã từng có những tháng ngày rất hạnh phúc. Hai vợ chồng đều là nông dân, không giàu có, ngày ngày chỉ biết làm bạn với cái cày, con trâu. Thế nhưng, nơi ngôi nhà cấp 4 ấy luôn có những bữa cơm ấm cúng và tràn ngập tiếng cười.
Và rồi một chuyện không may đã đổ ập xuống gia đình. Cuối năm 2003, do một số mâu thuẫn liên quan đến vấn đề đất đai, trong cơn say, anh Phạm Thế Mỹ - chồng chị - đã lỡ tay đánh chết ông Lê Văn Tạo, vốn là trưởng thôn thôn 5, xã Thành An lúc bấy giờ. Anh nông dân thật thà, chất phát vì một phút nông nổi mà phải lãnh án tù chung thân, để lại cho vợ ba đứa con thơ cùng gánh nặng nợ nần. Khoảng tiền 13 triệu đồng mà hai vợ chồng vay để phát triển kinh tế vào năm 2002, cùng với chi phí thi hành án, chi phí bồi thường, khiến chị Thu phải bán hết tất cả nhà cửa, đất đai mới may trả đủ.
Vừa mất đi trụ cột trong gia đình, giờ lại trở thành người không nhà cửa, chị Thu tưởng chừng như gục ngã. Bốn mẹ con sống nhờ trong một ngôi nhà nhỏ 18m2, xây dựng tạm trên đất của người chị thứ hai. Vì không có đất đai nên ngày ngày, chị Thu phải đi làm thuê làm mướn, kiếm tiền trang trải cuộc sống, vừa nuôi ba đứa con ăn học vừa lo chi phí cho những chuyến đi thăm chồng. Lay lắt qua ngày, mẹ con bữa đói bữa no nhưng chị vẫn cố gắng vượt qua nghịch cảnh.
Việc gì chị cũng có thể làm, nơi nào cần người làm thuê, làm mướn là nơi đó có chị. Chị Thu tâm sự: “Từ ngày xảy ra chuyện, một mình tôi ở nhà nuôi ba cháu nhỏ, ai mướn gì làm nấy. Đất đai giờ cũng chẳng có nên chỉ đi làm thuê làm mướn, tới mùa mía thì chặt mía, gặp mùa cỏ thì cuốc cỏ, rồi phụ hồ, bất cứ người ta thuê cái gì cũng làm hết. Thậm chí có những lúc ốm đau, tối uống thuốc sáng đi làm cũng phải đi”.
Mẹ - con cùng vượt khó
Hoàn cảnh đâu cho phép người phụ nữ này được ngơi tay dù chỉ là một ngày, khi nào đau nặng không thể dậy nổi chị mới chịu nằm nhà. Bởi lẽ, nghỉ một ngày là mất đi một khoản thu nhập. Tuy chỉ mấy chục nghìn đồng, nhưng đối với gia đình chị, số tiền đó quả thật rất lớn lao. Chị Trần Thị Thanh Huyền, hàng xóm của chị Thu cho biết thêm: “Chị Thu khổ lắm, mía bó bữa nay một bó cỡ 20 cây chỉ 1.000 đồng, một ngày chị làm được 100 bó. Ba mẹ chị ấy cho nửa sào ruộng, một mùa cắt được có 4, 5 bao lúa, mẹ con chẳng đủ ăn. Thế nhưng tinh thần của chị Thu thì lạc quan lắm”.
Các con của chị Thu cũng sớm phải dãi dầu gió sương làm mướn làm thuê đỡ đần cho mẹ. Sớm thiếu đi tình thương của cha, lại thấy mẹ sớm tối vất vả vì mình, ba chị em Phạm Thị Trà My (17 tuổi), Phạm Thị Thanh Mai (14 tuổi) và Phạm Thế Ming (11 tuổi) vô cùng thương mẹ. Ngoài thời gian đến trường, các em luôn tìm cách cùng mẹ mưu sinh. Trà My chia sẻ: “Tụi em thương mẹ nhiều lắm. Em hay thưa với mẹ là không có ba ở nhà thì mẹ cũng cố gắng nhưng đừng có lo nhiều rồi đau ốm. Mấy chị em thì người ta mướn gì mình đủ sức mình làm để phụ giúp cho mẹ bớt khổ”.
Nhìn dáng ba đứa trẻ ngoài đồng dưới cái nắng chói chang của mùa hè hay cái lạnh run người của mùa đông, lượm từng mảnh phân bò khô hay nhặt từng miếng sắt vụn, không ai không thương cảm. Bà con trong thôn vẫn trầm trồ thán phục vì có khi mình là người lớn mà còn không cuốc cỏ, hái ớt hơn bọn trẻ nhà chị Thu. Còn riêng người mẹ ấy thì không tránh khỏi nghẹn ngào: “Tôi vất vả đã đành nhưng mà nghĩ tội mấy đứa nhỏ đang tuổi ăn học. Con người ta thì được vui được chơi còn con mình đi học về là lao vào nấu cơm nấu nước, rảnh thì người ta thuê gì cũng làm hết”.
Ý thức được hoàn cảnh của mình, ba đứa trẻ luôn cố gắng học tập thật tốt. Năm nào mỗi em cũng mang về khoe mẹ hai tấm bằng khen với thành tích khá, giỏi. Thế nhưng đối với chị Thu, việc con ham học vừa là niềm vui cũng vừa là nỗi lo lớn khi mà điều kiện kinh tế quá khó khăn. Năm 2011, khi đứa con gái lớn Trà My chuẩn bị bước sang lớp 10, chị đã định cho con nghỉ học. Thế rồi thấy con ham học quá, ngày nào cũng theo năn nỉ mẹ cho đi học tiếp, chị Thu lại cố gắng vì tương lai của con. Những gánh nặng mưu sinh với bao nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền ngày một oằn lên đôi vai của người phụ nữ hết lòng vì chồng vì con ấy. Nay, Trà My đã sắp học hết cấp 3, nhưng ước mơ bước tiếp vào giảng đường Đại học của em thì dường như quá đỗi mong manh.
Là một trong số ít hộ nghèo của thôn được chính quyền hỗ trợ 7 triệu đồng để xây dựng nhà ở tình thương. Thế nhưng chị Thu đành ngậm ngùi khi mình không có đất đai để xây dựng. Tài sản của chị giờ này là 2 con heo và 1 con bò cái (trị giá 10 triệu đồng) vừa được Ban quản lý Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới xã Thành An trao tặng vào tháng 6-2012.
Trong không khí còn đặc quánh mùi sương sớm, trên cánh đồng mía rộng lớn, người phụ nữ này lại cần mẫn với công việc quen thuộc của mình. Nụ cười và niềm lạc quan không vì thế mà tắt đi trên gương mặt đầy rám nắng của chị. Và có lẽ đằng sau nụ cười ấy chính là niềm mong ước giản đơn: làm sao hôm nay đốn được nhiều mía hơn hôm qua, để các con có được bữa ăn ngon, có thêm quyển vở, cây bút mà tiếp tục học hành…
Theo Báo Gia Lai
Hướng dẫn tham gia ý kiến góp ý dự thảo Nghị ...
Quản lý, đầu tư Quỹ BHXH an toàn, hiệu quả, đảm ...
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM 30 NĂM HÀNH TRÌNH AN ...