Quảng trường Đại Đoàn Kết hài hòa về tổng thể và đạt tính mỹ thuật cao
14/11/2012 07:37 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đó là nhận xét của họa sĩ TRẦN KHÁNH CHƯƠNG- Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông cũng là người được mời tham gia Hội đồng nghệ thuật công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên với tư cách Phó Chủ tịch.
Đó là nhận xét của họa sĩ TRẦN KHÁNH CHƯƠNG- Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông cũng là người được mời tham gia Hội đồng nghệ thuật công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên với tư cách Phó Chủ tịch. Nhân dịp vào Gia Lai nghiệm thu công trình, ông đã dành cho Gia Lai online cuộc trao đổi thú vị về công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này.
- Thưa ông, đẹp và hài hòa là cụm từ mà họa sĩ thường dùng khi công trình ở vào giai đoạn sắp hoàn thành. Xin ông cho biết đâu là nguyên nhân có được sự thành công về mặt mỹ thuật?
Họa sĩ TRẦN KHÁNH CHƯƠNG: Trước hết, tôi đánh giá rất cao sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Gia Lai. Là người được mời tham gia Hội đồng nghệ thuật rất nhiều công trình, tôi có nhận xét chung thế này: Thường là chủ đầu tư họ khoán trắng cho đơn vị thi công, còn Hội đồng nghệ thuật chỉ là cái tên để báo lên trên chứ không phải mời để dùng chất xám. Bởi vậy thành công trước hết của công trình này là đã tin tưởng các nhà chuyên môn nên tập hợp được các nhà khoa học đầu ngành. Ngành điêu khắc chúng ta không thua kém nước ngoài nhưng cái hạn chế thường thấy là không gian đặt tượng đài thường rất kém, hầu như chỉ nhăm nhăm vào phần tượng mà quên đi cảnh quan xung quanh! Quảng trường không chỉ là cây xanh và tượng mà phải là một quần thể văn hóa vừa thiêng liêng vừa có tính văn hóa cao! Người dân không chỉ đến để xem tượng và chụp vài tấm ảnh mà còn có thể đi dạo cả ngày. Sang trái xem Thư Bác Hồ khắc trên đá, qua phải xem trụ đá bazan tượng trưng cho hình ảnh 54 dân tộc anh em, rồi đi thăm ao sen được trồng bằng sen Hồ Tây, thăm bảo tàng cổ vật...
- Ông nhận xét gì về bức phù điêu được chế tác bằng đá? Họa sĩ TRẦN KHÁNH CHƯƠNG: Đây là bức phù điêu lớn nhất được ghép bằng đá tảng. Riêng kỹ thuật ghép đá để hình thành bức phù điêu thì tôi rất khâm phục những nghệ nhân. Quá trình thi công đã tính đến việc không để xì ra vệt lem của xi măng thường thấy khi ghép đá vào nhau. Nội dung trên bức phù điêu rất tốt và cụ thể. Ở giữa là văn hóa Tây Nguyên bởi văn hóa là trường tồn, chiến đấu cũng vì văn hóa, sản xuất cũng là văn hóa. Trên phù điêu thể hiện rất rõ: một bên là Tây Nguyên chiến đấu, bên còn lại là Tây Nguyên sản xuất. Nói chung hình ảnh Tây Nguyên đã được khắc họa rõ nét. Tôi khẳng định đây là bức phù điêu đẹp, hoành tráng và được thi công rất công phu.
Cá nhân tôi rất tâm huyết với công trình này và mỗi tháng tôi đều vào một lần và mỗi lần tôi đều góp ý. Rất mừng là góp ý của tôi được lắng nghe bởi những người dám làm. - Một năm trước, quảng trường còn là một khuôn viên lộn xộn và thiếu hẳn màu xanh, giờ thì đã khác? Họa sĩ TRẦN KHÁNH CHƯƠNG: Đúng là cây xanh và cỏ được trồng rất đẹp. Hơn một năm nay, các anh ở đây liên tục trồng cây và như vậy tôi rất hài lòng với bố cục chung. Qua theo dõi, tôi cũng đánh giá rất cao năng lực của đơn vị thi công vì mục đích chất lượng được đặt lên hàng đầu. Đã làm thì phải có lãi nhưng tôi có cảm giác là đơn vị thi công không bằng mọi giá để đạt lợi nhuận.
Một cái hay nữa là các anh ở đây đều lo làm và đã làm là làm đến cùng chứ không thích tuyên truyền. Các công trình khác khi đắp ít cỏ là tuyên truyền, lát xong đá lại tuyên truyền, đưa tượng về là tuyên truyền… Cho đến giờ phút này tôi rất hài lòng toàn bộ quần thể quảng trường. Chỉ vài ba năm nữa thôi khi mà cây xanh phía sau bức phù điêu vươn cao xanh tốt làm phông thì coi như công trình đạt đến độ hoàn mỹ. - Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Theo Báo Gia Lai
Hướng dẫn tham gia ý kiến góp ý dự thảo Nghị ...
Quản lý, đầu tư Quỹ BHXH an toàn, hiệu quả, đảm ...
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM 30 NĂM HÀNH TRÌNH AN ...