Tấm gương người thầy Bài 1: Gặp những người thầy “được yêu quý nhất”
16/11/2012 07:18 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Cuộc vận động “Mỗi thầy-cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đến nay đã qua chặng đường 5 năm triển khai. Nhân kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), phóng viên Gia Lai online đã tìm gặp một số tấm gương tiêu biểu, điển hình của cuộc vận động nói riêng và ngành Giáo dục-Đào tạo nói chung, như một sự tri ân
Cuộc vận động “Mỗi thầy-cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đến nay đã qua chặng đường 5 năm triển khai. Nhân kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), phóng viên Gia Lai online đã tìm gặp một số tấm gương tiêu biểu, điển hình của cuộc vận động nói riêng và ngành Giáo dục-Đào tạo nói chung, như một sự tri ân đối với những người đã luôn giữ ngọn lửa nhiệt tình, trong sáng với nghề dạy học. Năm học 2010-2011, qua cuộc bình chọn và tôn vinh “Nhà giáo được học sinh yêu quý nhất” do Ban Giám hiệu và Công đoàn trường THPT Trần Phú (huyện Chư Prông) tổ chức, có 2 giáo viên được học sinh bình chọn nhiều nhất với tỷ lệ 82,7% số phiếu. Đó là thầy giáo Nguyễn Khắc Tính và Lê Anh Quốc-đều là giáo viên môn Toán. “Tôi ngạc nhiên lắm! Cứ tưởng giáo viên được học sinh yêu quý nhất sẽ là các cô giáo hoặc giáo viên dạy các môn xã hội, ai ngờ cả hai đều là thầy giáo dạy Toán. Học trò trường huyện lại thường yếu những môn tự nhiên. Mà mấy anh tự nhiên là hay nóng lắm, ra bài tập mà học sinh làm không xong là hay la mắng”-thầy Nguyễn Đình Trung-nguyên Hiệu trưởng nhà trường, hiện là Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở Giáo dục-Đào tạo) nói về những bất ngờ sau khi tổng kết cuộc bình chọn.
Dạy tốt, kiến thức vững vàng, nắm bắt được tâm lý học sinh thì sẽ được học trò mến-đó là những đúc rút của nhà trường sau cuộc bình chọn hết sức ý nghĩa này. Theo sát học sinh yếu kém “Lúc đầu được bình chọn mình rất bất ngờ và vui. Học sinh thi lại và ở lại lớp rất nhiều vì môn Toán, không hiểu sao các em không ghét mà lại bình chọn cho mình. Chắc học sinh thấy mình nhiệt tình, chu đáo nên bỏ phiếu, trong khi mình không chủ nhiệm lớp nào”-thầy Nguyễn Khắc Tính nở một nụ cười hiền từ và điềm đạm đúng như tính cách của mình. Tốt nghiệp khoa Toán-Đại học Sư phạm Quy Nhơn năm 1998, thầy Tính về công tác tại Trường THPT Lê Quý Đôn (huyện Chư Prông); đến năm 2004 thì chuyển về Trường THPT Trần Phú ngay khi ngôi trường này mới được thành lập. “Nghề giáo là nghề do cha mẹ định hướng từ nhỏ, càng dạy càng thích, càng thấy nhiều cái hay”-thầy Tính chia sẻ. Nói về bí quyết khiến học trò yêu quý, thầy Tính cho biết, không có bí quyết gì, phương pháp dạy vẫn theo quy định chung của ngành. Tuy nhiên, trong quá trình dạy, thầy thường khuyến khích học sinh mạnh dạn trao đổi, không rõ chỗ nào cứ hỏi thoải mái, có thể hỏi kiến thức từ… lớp 1 đến lớp 12. “Thầy không đảm bảo sẽ trả lời được hết 100 câu hỏi, nhưng biết đến đâu trả lời đến đó, câu nào chưa biết sẽ trả lời sau”-đó là câu “slogan” (khẩu hiệu) thường trực của thầy Tính. Một khi đã cho phép học trò hỏi thì sẵn sàng trả lời, dù đó là câu hỏi dễ hay khó. Cũng có lúc học trò hỏi cắc cớ: “Thầy ơi, học tích phân, học véc-tơ để làm gì? Em thấy chỉ cần học đủ cộng trừ nhân chia để ra chợ biết mua bán, tính toán là được”. Câu trả lời của thầy: “Học Toán giúp cho con người khả năng tư duy tốt, tư duy logic để học tốt hơn các môn khác” đã làm hài lòng nhiều học sinh. Theo sát học sinh yếu, kém cũng là mối quan tâm của thầy giáo dạy Toán lâu năm này. Khi học sinh than bài toán khó, thầy sẽ tìm hiểu để biết vì sao khó. “Không thể nói khó chung chung. Tìm hiểu học sinh vướng chỗ nào để tháo gỡ chứ không thể nói là khó rồi không làm. Khi nhận được một lượng kiến thức sau khi hỏi thì các em sẽ ham học”. Những học sinh hổng kiến thức, mất căn bản cũng thường được thầy động viên mạnh dạn trao đổi trong tiết phụ đạo. Ngoài ra, trong một số giờ học thầy cũng tổ chức chia nhóm thảo luận, sau đó chọn bất kỳ một học sinh trong nhóm lên thuyết trình, do đó bắt buộc học sinh yếu cũng phải cố gắng để hiểu và trình bày trước lớp, đồng thời tạo sự hỗ trợ giữa học sinh giỏi và yếu. Chính vì thế, tuy môn Toán khá… khô khan nhưng hầu hết các giờ dạy của thầy Tính đều khiến học sinh thấy không quá khó nuốt. “Một tiết học mà học sinh thấy nhanh hết giờ là thành công. Không để học sinh ngán, chờ mong hết giờ”- đó là phương châm thầy Tính theo đuổi trong nghề. Em Bùi Công Chính-lớp 12E, học ở trường đến 4 năm vì lưu ban, kể lại một kỷ niệm: Thầy Tính ít khi la mắng học trò, chỉ nhắc nhở, khi nào nhắc nhở nhiều lần mà không nghe thì mời ra khỏi lớp. “Em từng bị thầy… đuổi ra khỏi lớp vì nói chuyện riêng. Lúc đó cũng hơi tức. Nhưng sau đó thì thầy gặp riêng, hỏi han vì sao không chú ý bài giảng. Em nói do không hiểu bài, thầy hỏi em không hiểu chỗ nào và giảng lại cặn kẽ”. Nhiều học sinh khác cũng rất hào hứng khi nói về những ưu điểm khác của thầy: Điềm đạm nhưng vui tính, giảng bài tận tình, dễ hiểu, là thầy giáo dạy toán nhưng chữ đẹp như… chữ thư pháp. Hòa đồng, gần gũi với học sinh Cũng như thầy Tính, thầy giáo trẻ Lê Anh Quốc cũng tốt nghiệp khoa Toán-Đại học Sư phạm Quy Nhơn, nhưng về trường nhận công tác muộn hơn (năm 2007). Với ưu điểm trẻ, dễ hòa đồng, hài hước, biết tạo không khí thoải mái trong giờ học, thầy Quốc nhanh chóng được rất nhiều học sinh yêu mến.
Cũng như các đồng nghiệp, những học sinh yếu kém là đối tượng mà thầy Quốc hết sức để tâm. Dạy học sinh giỏi không khó, nhưng dạy sao cho học sinh yếu khá lên mới là thử thách đối với thầy cô. “Với học sinh yếu kém, mình phải có cách quan tâm riêng để giúp các em hiểu bài. Hiểu được bài thì các em sẽ hứng thú với việc học”-thầy Quốc nói. Quan tâm động viên học sinh trong từng giờ học, từng tiết phụ đạo, tháo gỡ giúp các em những vướng mắc về kiến thức… là phương pháp của giáo viên trẻ, nhiệt tình này. Cũng có lần bắt gặp học sinh… ngủ gật trong giờ học của mình, song cách xử lý tình huống của thầy Quốc khá nhẹ nhàng: Cho phép học sinh đi rửa mặt, tìm hiểu lý do vì sao ngủ gật, giúp học sinh theo kịp bài giảng… Cũng như các môn tự nhiên khác, môn Toán vốn khó với học trò trường huyện, do đó để giúp học sinh dễ hiểu hơn, thầy Quốc thường tìm cách đưa kiến thức đời sống phù hợp vào trong tiết học để minh họa cho những khái niệm, định nghĩa Toán học. “Nếu giờ học căng thẳng quá thì mình sẽ dành ra khoảng 5 phút để trò chuyện với các em. Nhiều bài giảng được thiết kế với thời gian khá rộng rãi nên cũng không sợ cháy giáo án”-thầy Quốc chia sẻ. Trong khoảng thời gian này, học sinh có thể trao đổi với thầy nhiều chuyện ngoài lề: tư vấn nghề nghiệp, tư vấn tâm lý… Thầy Quốc cũng là người chịu khó sưu tầm truyện cười làm vốn để mỗi khi học sinh nói: “Thầy ơi, kể chuyện cười đi thầy” thì sẽ có vài câu chuyện vui giúp các em thư giãn, qua đó tiếp thu bài học tốt hơn. Với sự hòa đồng, gần gũi, dễ chia sẻ, thầy cũng được mời tham gia vào trang facebook của tập thể các lớp. Nhờ đó, giáo viên nhanh chóng nắm bắt được nhiều thông tin cũng như tâm tư, suy nghĩ của học sinh; có khi học sinh còn trò chuyện, góp ý cho thầy về tiết dạy ngay trên… facebook. Em Mai Thi-lớp 11A, lớp do thầy Quốc chủ nhiệm, hào hứng cho hay: “Thầy Quốc rất vui tính, hòa đồng, tâm lý, nghiêm khắc đúng lúc. 20-10 vừa rồi thầy còn tổ chức liên hoan ở lớp và tặng bánh kem cho các bạn nữ. Mẹ bạn Nhựt bị tai nạn giao thông thầy cũng trích quỹ thăm hỏi gia đình bạn”. Trong khi đó, em Bùi Thị Thu Thủy-học sinh lớp 12D, cũng dành cho thầy những lời hết sức ưu ái: “Thầy Quốc nhiệt tình, vui tính lắm. Công tác chủ nhiệm của thầy cũng rất tốt. Lớp nào do thầy chủ nhiệm cũng đạt thành tích cao”.
Theo Báo Gia Lai
Hướng dẫn tham gia ý kiến góp ý dự thảo Nghị ...
Quản lý, đầu tư Quỹ BHXH an toàn, hiệu quả, đảm ...
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM 30 NĂM HÀNH TRÌNH AN ...