Báo động tình trạng trẻ vị thành niên phạm tội
19/11/2012 07:05 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Theo thống kê của ngành chức năng, từ năm 2006 đến 6-2012, toàn tỉnh xảy ra 1.187 vụ vi phạm pháp luật do người trong lứa tuổi vị thành niên thực hiện, chiếm 16,1% tổng số vụ vi phạm pháp luật với 1.725 đối tượng vi phạm. Đáng chú ý, tính chất, mức độ phạm tội có xu hướng ngày càng gia tăng.
Theo thống kê của ngành chức năng, từ năm 2006 đến 6-2012, toàn tỉnh xảy ra 1.187 vụ vi phạm pháp luật do người trong lứa tuổi vị thành niên thực hiện, chiếm 16,1% tổng số vụ vi phạm pháp luật với 1.725 đối tượng vi phạm. Đáng chú ý, tính chất, mức độ phạm tội có xu hướng ngày càng gia tăng. Tính chất, mức độ ngày càng tăng Đã hơn một năm trôi qua nhưng nhiều người dân ở thị trấn Chư Ty - huyện Đức Cơ - Gia Lai vẫn chưa thể quên vụ giết người dã man mà thủ phạm là một cậu học sinh lớp 10. Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ trong khi đi hát tại quán karaoke, Nguyễn Thanh Long (sinh năm 1995, hiện học sinh lớp 10 - trường THPT Lê Hoàn), thường trú tại xã Ia Krêl - huyện Đức Cơ - Gia Lai đã rút dao đâm chết anh Hồ Đình Tân (1989), thường trú tại thị trấn Chư Ty. Anh Tân mất đi để lại vợ và 2 đứa con thơ, còn Long nhận mức án 7 năm tù.
Chỉ sau một phút nông nổi, Tân đã cướp đi mạng sống của một người bạn, một người chồng và một người cha; để lại gánh nặng và nỗi đau khôn cùng cho người thân và gia đình nạn nhân. Không những thế, chính Long đã tự tay khép chặt cánh cửa cuộc đời mình, tạo nên nỗi đau không thể xóa bỏ trong lòng người mẹ, người cha đã tốn bao công sức sinh thành, dưỡng dục để có Long ngày hôm nay. Chưa kể đến, nhà trường, thầy cô, bè bạn cũng đeo một nỗi buồn không nhỏ bởi sự việc đau lòng này. Do có mâu thuẫn với nhau từ trước nên ngày 15-6, khi phát hiện thấy Siu Phong (SN 1997) đang có mặt tại đám cưới tổ chức tại nhà ông Ksor Hinh (cùng ở làng Lang - phường Chi Lăng - TP. Pleiku) nên Cham (SN 1996), là người cùng làng đã nảy sinh ý định trả thù. Cham lẳng lặng quay về nhà xách rựa đến đứng bên ngoài rạp đám cưới, chém thẳng vào đầu Phong. Nạn nhân ngay lập tức được mọi người đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai nhưng do vết thương quá nặng, Phong đã tử vong ngay sau đó ít ngày. Ngoài những vụ án đặc biệt nghiêm trọng như giết người, thời gian qua, ở địa bàn các khu vực như TP, thị xã, thị trấn, hiện tượng các nhóm thanh thiếu niên chơi bời, lêu lổng, hay tụ tập, quậy phá gây ra không ít vụ án cướp tài sản, trấn lột, trộm cắp… xuất hiện với mật độ ngày càng nhiều, tính chất ngày càng phức tạp, liều lĩnh và táo tợn, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng không tốt tới tình hình an ninh - trật tự địa phương. Mới đây nhất, vào 16-11, bằng các biện pháp nghiệp vụ, qua sàng lọc và xác minh đối tượng, lực lượng CA TP. Pleiku đã bắt giữ 3 đối tượng, gồm: Trần Sang (SN 1997), Nguyễn Ngọc Điệp (SN 1995) cùng trú tại tổ 12 - phường Hội Phú - TP. Pleiku; Nguyễn Sông Hà (SN 1998), thường trú tại tổ 15 - phường Yên Thế - TP. Pleiku. Qua đấu tranh khai thác, các đối tượng khai nhận, trong khoảng thời gian tháng 10 và 11, chỉ dọc trên tuyến đường Lê Duẩn, 3 đối tượng này cùng với một vài đối tượng khác (cơ quan CA hiện đang tiếp tục điều tra làm rõ thêm) đã liên tiếp gây ra 3 vụ cướp tài sản táo tợn, tài sản cướp được là 2 chiếc xe máy và 1 điện thoại di động. Thủ đoạn của nhóm cướp tuổi “teen” này là lợi dụng đêm tối, đường vắng vẻ, dùng dao khống chế, đe dọa và cướp tài sản của người đi đường. Cũng với thủ đoạn tương tự, 21 giờ ngày 3-3, Lê Văn Linh (SN 1995) và Nguyễn Văn Phong (SN 1994), đều trú tại xã Nghĩa Bình - Tân Kỳ - Nghệ An rủ nhau chạy xe máy ra đoạn đường vắng trên đường Tô Vĩnh Diện - TP. Pleiku với mục đích tìm những đôi nam nữ đến đây tâm sự để cướp tài sản bán lấy tiền tiêu xài. Khi gặp một đôi nam nữ chạy xe gắn máy đi tới, Linh và Phong dừng xe, cầm nhị khúc và dao ra chặn xe và cướp của cặp đôi này 2 chiếc điện thoại và một sợi dây chuyền bạc, tổng trị giá ước tính khoảng 1.650 ngàn đồng. Đang thực hiện hành vi thì bất ngờ lực lượng bảo vệ dân phố phường Hoa Lư đi tuần tra phát hiện và tóm gọn. Nâng cao trách nhiệm mỗi gia đình Tuổi trẻ nông nổi và khó kìm chế được bản thân nên nguy cơ phạm tội ở lứa tuổi này càng cao. Nhiều vụ án mạng đau lòng xảy ra xuất phát từ những mâu thuẫn rất nhỏ trong cuộc sống. Chỉ sau phút nóng giận và nổi máu “oai hùng” nhất thời, mạng sống của người khác đã bị tước đoạt bởi bàn tay của những cô, cậu nhỏ đang trong độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Hầu hết các đối tượng tham gia đều là thành phần thanh thiếu niên hư hỏng, bỏ học, thích ăn chơi, quậy phá. Để có tiền phục vụ nhu cầu ăn chơi của mình, các đối tượng đã tụ họp với nhau, thực hiện các vụ trộm cắp hoặc cướp tài sản để có tiền tiêu xài. Với thủ đoạn manh động và liều lĩnh, khi gặp phải sự kháng cự của nạn nhân, các đối tượng sẵn sàng ra tay tấn công nạn nhân để tẩu thoát. Điều này dễ dẫn đến những hậu quả khó lường, cực kỳ nguy hiểm. Theo thống kê của ngành chức năng, trong khoảng thời gian từ 2006 đến 6-2012, trên địa bàn tỉnh, số vụ phạm pháp hình sự do người trong lứa tuổi vị thành niên thực hiện là 612 vụ, chiếm 51,56% tổng số vụ vi phạm pháp luật. Trung bình, cứ 2 vụ vi phạm pháp luật thì có 1 vụ là vi phạm hình sự. Truy tố 795 đối tượng trước pháp luật, chiếm tỷ lệ 46,09%. Điều đó cho thấy, tính chất và mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng ở tội phạm lứa tuổi này. Nếu như năm 2006, toàn tỉnh có 82 em bị truy tố trước pháp luật thì đến năm 2011, con số này là 169, tăng hơn 200%! Đáng lưu ý có xu hướng gia tăng đối với hành vi phạm tội giết người (27 vụ), cướp tài sản (90 vụ), cố ý gây thương tích (189 vụ), hiếp dâm (32 vụ), cưỡng đoạt tài sản (17 vụ), cướp giật tài sản (84 vụ), trộm cắp tài sản (691 vụ), gây rối trật tự công cộng (47 vụ), đánh bạc (6 vụ), ma túy (2 vụ), những hành vi vi phạm khác (104 vụ). Những con số trên đã phần nào cho thấy tình trạng đáng báo động về trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình trật tự an toàn xã hội, tương lai thế hệ con em chúng ta; phản ánh sự xuống cấp của đạo đức, lối sống trong một bộ phận thanh thiếu niên, sự thiếu quan tâm, giáo dục của một số gia đình dành cho con em mình… Các em trong lứa tuổi vị thành niên vi phạm pháp luật thường có trình độ văn hóa thấp, không có nền tảng đạo đức, lối sống tốt, nhận thức, đánh giá sai lệch các chuẩn mực về giá trị xã hội và pháp luật nên dẫn đến những hành động trái pháp luật. Theo Thiếu tá Lê Đình Thắng - Đội phó Đội Cảnh sát Điều tra - CA TP. Pleiku, thì: Nguyên nhân vi phạm pháp luật trong lứa tuổi vị thành niên là do công tác quản lý, giáo dục của gia đình, nhà trường cũng như chịu tác động bởi môi trường sống chưa thực sự tốt. Gia đình là yếu tố cơ bản quyết định đến sự hình thành, phát triển về suy nghĩ, việc làm của thanh thiếu niên. Do đó, để hạn chế tình trạng này, hơn ai hết, bản thân mỗi gia đình phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình trong việc giáo dục con em. Ngoài ra, cũng cần có sự tăng cường hơn nữa trong việc chung tay tuyên truyền, giáo dục của nhà trường, các tổ chức đoàn thể cũng như cộng đồng xã hội.
Theo Báo Gia Lai
Hướng dẫn tham gia ý kiến góp ý dự thảo Nghị ...
Quản lý, đầu tư Quỹ BHXH an toàn, hiệu quả, đảm ...
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM 30 NĂM HÀNH TRÌNH AN ...