Xây dựng nông thôn mới ở Gia Lai Bài 2: Vướng mắc trong xây dựng nông thôn mới

11/06/2014 07:12 AM


Quá trình xây dựng nông thôn mới ở Gia Lai đáng chú ý là bên cạnh một số tiêu chí có tỷ lệ xã đạt chuẩn cao như: quy hoạch chung, bưu điện, hệ thống tổ chức chính trị-xã hội, điện...; một số tiêu chí tỷ lệ đạt chuẩn rất thấp và gần như khó đạt được như: giao thông, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, hình thức sản xuất…

Quá trình xây dựng nông thôn mới ở Gia Lai đáng chú ý là bên cạnh một số tiêu chí có tỷ lệ xã đạt chuẩn cao như: quy hoạch chung, bưu điện, hệ thống tổ chức chính trị-xã hội, điện...; một số tiêu chí tỷ lệ đạt chuẩn rất thấp và gần như khó đạt được như: giao thông, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, hình thức sản xuất…

 

 

Ảnh: Lê Nam
Ảnh: Lê Nam

Nguyên nhân chủ yếu do Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới với nhiều nội dung, nhiều lĩnh vực, trong khi đó cấp thực hiện (cấp xã) năng lực triển khai còn hạn chế, lúng túng, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều xã có diện tích đất tự nhiên rộng, dân cư thưa thớt nên gặp khó khăn trong công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn và phát triển sản xuất. Các xã vùng sâu, vùng xa phần lớn là người dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; công tác tuyên truyền còn hạn chế; người dân còn ỷ lại, trông chờ Nhà nước đầu tư… Ông Phan Văn Trung-Chủ tịch UBND huyện Kông Chro cho biết: Vấn đề có tính cấp bách hàng đầu trong xây dựng nông thôn mới hiện nay của huyện là phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là với bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số địa phương. Nhà nước cần có cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, nhất là đầu tư công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp để chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn còn rất cao, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, do đó sự đóng góp còn hạn chế, dẫn đến các tiêu chí về thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, nhà ở, giao thông nông thôn trên địa bàn rất khó thực hiện.

Cũng như huyện Kông Chro, các xã vùng sâu, các địa phương trong tỉnh có địa hình hết sức phức tạp, dân cư sinh sống phân tán, không tập trung, đời sống của bà con vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, trình độ dân trí thấp, kinh tế chậm phát triển. Đây chính là những rào cản trên lộ trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là với tiêu chí giao thông nông thôn, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo... Ví như xã Ia Kreng (huyện Chư Pah) là địa phương mới thực hiện được 4/19 tiêu chí. Đây là xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm hơn 70% nên khó huy động sự đóng góp của người dân.

Ngoài ra, theo báo cáo của UBND tỉnh, sau 3 năm triển khai mặc dù một số tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia đã được sửa đổi, song vẫn còn có những tiêu chí chưa phù hợp với địa phương như thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, hình thức sản xuất; nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp của Trung ương cho địa phương còn ít so với nhu cầu; nội dung xây dựng nông thôn mới triển khai còn lúng túng do các bộ, ngành ban hành văn bản hướng dẫn chưa kịp thời, thiếu đồng bộ, nhất là cơ chế, nguyên tắc hỗ trợ vốn…

Năm 2014, UBND tỉnh đã quyết định chọn 25 xã đạt trên 9 tiêu chí để đầu tư và phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới, nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh đến cuối năm 2014 là 30 xã. Mục tiêu cao hơn đó là kết thúc giai đoạn I (2010-2015) tỉnh Gia Lai có 45 xã đạt chuẩn nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết số 03/NQ-TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới. Theo đó, năm 2014, huyện Kbang có 4 xã (Nghĩa An, Sơn Lang, xã Đông, Tơ Tung), huyện Chư Prông 4 xã (Ia Phìn, Ia Drăng, Ia Boòng, Bàu Cạn), huyện Chư Pưh 3 xã (Ia Le, Ia Phang, Ia Blứ), huyện Đak Pơ 3 xã (Phú An, Hà Tam, Cư An), TP. Pleiku 2 xã (Trà Đa, Chư Hdrông), thị xã An Khê 2 xã (Cửu An, Thành An), Chư Pah 2 xã (Nghĩa Hưng, Ia Nhin), Ia Grai 2 xã (Ia Sao, Ia Dêr) và các huyện 1 xã gồm Đak Đoa (xã Tân Bình), Mang Yang (Đak Yă), Krông Pa (Ia Mlah).

 

  Mô hình nuôi cá nước ngọt ở huyện Kbang. Ảnh: Lê Nam
Mô hình nuôi cá nước ngọt ở huyện Kbang. Ảnh: Lê Nam

Tiêu chí các xã này cần phải xây dựng để đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2014 đều tập trung vào tiêu chí trường học có 23/25 xã, cơ sở văn hóa có 21/25 xã, nhà ở dân cư có 18/25 xã, hộ nghèo 17/25 xã, hệ thống tổ chức chính trị-xã hội vững mạnh có 15/25 xã và tiêu chí giao thông 13/15 xã… Đây là những tiêu chí khó và cần đầu tư kinh phí nhiều. Ông Trần Vĩnh Hương-Chủ tịch UBND huyện Kbang cho biết: Kbang là một trong 7 huyện điểm của cả nước về xây dựng nông thôn mới và đến cuối năm 2015 chỉ tiêu của huyện có 10/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới và trở thành huyện nông thôn mới, do đó nhiệm vụ của địa phương trong thời gian tới rất nặng nề. Huyện đang tập trung nguồn lực đầu tư cho công tác xây dựng nông thôn mới như: xây dựng các mô hình kinh tế, huy động đóng góp của người dân… Tuy nhiên, để địa phương sớm hoàn thành nông thôn mới, cần sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Trung ương, tỉnh và có chính sách ưu tiên đối với huyện. Từ đó cần có chiến lược đầu tư phù hợp, nhất là kế hoạch phân khai vốn ưu tiên cho các xã được chọn làm điểm, chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; phát huy tối đa vai trò làm chủ của nhân dân.

Ông Nguyễn Quốc Minh-Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn kiêm Phó Chánh văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh cho biết: Để cuối năm 2014 có thêm 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới, cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, vận dụng từ mô hình thành công để có hướng đầu tư phát triển tiếp. Rà soát lại công tác quy hoạch nông-lâm-thủy sản và công khai quy hoạch; chỉ đạo các xã xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả tạo động lực phát triển kinh tế trong nhân dân. Tuyên truyền cho nhân dân hiểu và thực hiện phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”… Năm 2014, Trung ương phân bổ cho tỉnh 110 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ bản, tập trung lồng ghép tất cả các chương trình mục tiêu quốc gia vào xây dựng nông thôn mới.

Tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, ông Phạm Thế Dũng-Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia thực hiện. Rà soát, đánh giá khách quan các tiêu chí để đầu tư phù hợp với từng giai đoạn. Ưu tiên quy hoạch chi tiết sản xuất nông-lâm nghiệp-thủy sản. Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến. Ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất và đào tạo nghề phù hợp cho người dân. Huy động các nguồn lực tập trung đầu tư các tiêu chí chưa đạt chuẩn, tránh dàn trải… Đặc biệt, ưu tiên vốn đầu tư cho các xã điểm để sớm hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Cùng với nỗ lực của các địa phương, cơ quan chức năng tăng cường phối hợp với Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh, có giải pháp tập trung nguồn lực đầu tư cho 25 xã được chọn để hoàn thành mục tiêu đề ra.

Theo Báo Gia Lai