Điệu chiêng mãi ngân ở Plei Djriêk

11/06/2014 07:05 AM


Cũng như các dân tộc khác trên mảnh đất Tây Nguyên, người dân Plei Djriêk không còn nhớ nổi cồng chiêng ra đời từ bao giờ. Nhưng đến ngày nay, con cháu Plei Djriêk vẫn yêu nó, say nó và miệt mài học hỏi để lưu giữ nét văn hóa đã thấm vào máu thịt qua bao thế hệ.

Cũng như các dân tộc khác trên mảnh đất Tây Nguyên, người dân Plei Djriêk không còn nhớ nổi cồng chiêng ra đời từ bao giờ. Nhưng đến ngày nay,  con cháu Plei Djriêk vẫn yêu nó, say nó và miệt mài học hỏi để lưu giữ nét văn hóa đã thấm vào máu thịt qua bao thế hệ.

Giữ kho báu văn hóa

Ông Rơ Mah Nam-Đội trưởng đội cồng chiêng Plei Djriêk (thị trấn Nhơn Hòa-huyện Chư Pưh) kể lại rằng, ngay từ khi còn rất nhỏ ông đã được nghe bố đánh chiêng và say mê từ lúc nào không biết. Mỗi khi theo bố lên rừng đốn củi, lắng nghe tiếng chim hót, lắng nghe từng nhịp tiếng đập cây lồ ô của bố đã truyền cho ông Nam bí kíp cảm thụ âm nhạc theo cách không đâu có và cũng chẳng có sách vở nào dạy cách đánh chiêng. Nhưng bản sắc đó vẫn được lưu truyền lại theo cách riêng của mình.

 

Đội chiêng làng Djriêk tham gia lễ hội trong làng. Ảnh: Đoàn Hằng
Đội chiêng làng Djriêk tham gia lễ hội trong làng. Ảnh: Đoàn Hằng

Ông Nam chia sẻ: “12 tuổi mình đã học đánh cồng chiêng từ bố và những người lớn trong làng. Khi già Kleh mất, mình thay cụ duy trì đội chiêng, cố gắng để văn hóa của dân tộc mình không bị mất đi”. Bây giờ là cậu con trai là Ksor Sia cũng thích đánh chiêng khi còn rất nhỏ. 4 tuổi cậu bé đã biết say sưa biểu diễn bằng những vật dụng như nắp xoong, thanh gỗ. Giờ Sia đã là một nghệ sĩ tài năng của đội chiêng nhí.

Già Siu Kleh là người đầu tiên có công tập hợp những đứa con ưu tú, tài năng của làng Djriêk lại thành một đội chiêng. Ở làng Djriêk này, từ người già đến đứa trẻ lên 3, lên 4 đều hào hứng tập luyện, biểu diễn những bài chiêng truyền thống của dân tộc mình. Khi già Kleh mất đi, những thế hệ sau như ông Nam cứ thế tiếp nối. Đội chiêng làng Djriêk không chỉ đánh hay nức tiếng của huyện mà còn thường xuyên được đi biểu diễn ở nhiều nơi, đạt nhiều thành tích cao trong các hội thi cồng chiêng do huyện, tỉnh tổ chức. Đây cũng là động lực góp phần duy trì và phát triển các đội chiêng đang dần tan rã và mất đi, để âm thanh núi rừng, của cuộc sống còn vang mãi.

Đội chiêng làng Djriêk tự hào là một trong những đội chiêng hiếm hoi hiện còn được duy trì ở huyện Chư Pưh. Mặc dù cuộc sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, nhưng cồng chiêng luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu trong những sự kiện trọng đại của làng như: lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh, lễ mừng cơm mới, lễ bỏ mả (pơ thi), lễ đâm trâu... Cồng chiêng không chỉ là công cụ truyền đạt cảm xúc, tâm tư, tình cảm con người mà còn là sợi dây vô hình gắn kết những con người trong cùng một cộng đồng, là cầu nối giữa con người đang sống và cõi tâm linh trong quan niệm của người dân tộc… Tiếng chiêng ấy, khi thì réo rắt vui mừng, khi thì trầm lắng, đau đớn chia xa, khi lại bay bổng lãng mạn.

Cồng chiêng là máu thịt


Đội chiêng của làng từ lâu đã gắn bó như một phần máu thịt trong người mỗi người dân nơi đây. Cuộc sống có thể thiếu cái ăn, thiếu cái mặc, nhưng không thể để thiếu đi tiếng chiêng ngân vang được coi như một nghi lễ trong những ngày trọng đại. Không chỉ là nhạc cụ nghi lễ, chiêng còn là gia sản lớn về mặt truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Ông Rơ Mah Nam nói: “Bài nhạc để đánh chiêng không nhiều, đều do những người chơi chiêng sáng tác. Đội mình bây giờ cũng chỉ có 5-10 bài. Chiêng giờ trong làng cũng còn ít lắm. Chiêng là một tài sản lớn của làng. Nếu đội thiếu chiêng, thiếu cồng người dân trong làng lại tự nguyện cùng nhau góp tiền từ 50 ngàn đồng đến 100 ngàn đồng để mua”.  

Ông Nam chia sẻ thêm, không phải ai cũng có thể học được cách đánh chiêng, người muốn đánh chiêng hay phải có năng khiếu và niềm đam mê, chăm chỉ tập luyện đến mức điêu luyện, nhuần nhuyễn, nhịp nhàng cùng với 15 người khác trong đội thì mới được cho là thành công. Ngoài ra, người sáng tác bài hát cho đội cũng quan trọng không kém. Người này phải có trình độ, am hiểu cồng chiêng, đánh chiêng giỏi thì mới diễn đạt được cảm xúc của bài nhạc, cũng như thanh sắc của từng chiếc chiêng.

Ngoài đội chiêng chính có 16 người đánh ở 16 vị trí khác nhau, thì điều đặc biệt hơn nữa làng còn có 1 đội chiêng nhí. Nói về đội chiêng nhí, ông Nam giọng tự hào khoe: “Đội chiêng nhí được lập vào năm 2009 đến nay, do những người lớn trong đội chọn và hướng dẫn. Đứa bé nhất khi ấy chỉ có 3 tuổi giờ đã chơi khá lắm rồi, ấy là thằng Sia đấy. Nó và một đứa nữa, suốt ngày chỉ mê mẩn cồng với chiêng. Cồng chiêng thấm vào máu thịt dân làng rồi”. Đội chiêng nhí của làng cũng thường xuyên được tham gia các ngày lễ lớn, các cuộc thi biểu diễn cồng chiêng trong huyện, trong tỉnh.

Sau mỗi ngày làm việc vất vả, những đôi tay cầm cuốc ấy lại đánh vang lên những âm thanh tuyệt vời. Nó giúp mọi người quên đi mệt nhọc, nhún nhảy theo những nốt nhạc vui. Không có chỗ tập rộng rãi nhưng ai trong đội chiêng cũng đều đặn tập luyện 2 lần/tuần ngay trên nền sân đất đỏ của nhà người đội trưởng. Tuy khó khăn là vậy nhưng ai cũng hăng say, hào hứng tập luyện, nhiệt huyết và đam mê không vì khó mà giảm đi. Gìn giữ và phát triển đội chiêng được coi là việc hệ trọng của cả làng, là trách nhiệm giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc mình.

Theo Báo Gia Lai