Một góc bức tranh ngày hè
10/06/2014 08:57 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Hè đến cũng là lúc nhiều em nhỏ ở vùng sâu, vùng xa theo cha mẹ lên rẫy, tự làm ra trò chơi hoặc quanh quẩn hết ở nhà rông lại đến giọt nước đầu làng. Bức tranh ngày hè của các em nhỏ vùng sâu có nhiều gam màu trong sáng, hồn nhiên.
Theo mẹ ra đồng Mặt trời đã lên tới đỉnh đầu, cái nắng gắt giữa hè xộc lên cánh mũi một mùi hăng hắc. Trên con đường nhỏ, cô bé Đinh Nghui-làng Tnùng 1 (xã Ya Ma, huyện Kông Chro) lũn cũn theo sau mẹ, tay dắt đứa em nhỏ đang học mẫu giáo. Người mẹ đi trước, trên lưng cõng một gùi nặng đựng đầy nước và những thứ rau quả rừng hái được trong lúc đi làm. Thỉnh thoảng chị quay lại chờ hai con nhỏ. Đường về nhà không còn xa. Chị Đinh Inh-mẹ Nghui, giải thích: “Nó mới nghỉ hè, mình phải đưa hai đứa lên rẫy để nó trông chừng em, còn mình trông chừng cả hai đứa”. Còn Nghui được theo chân mẹ lên rẫy, em vui lắm: “Lên rẫy có nhiều trò chơi hơn ở nhà”.
Cũng lên rẫy nhưng không phải để chơi, cậu bé Đinh Ven-làng Byang, thị trấn Kông Chro giúp bố mẹ thu hái đậu xanh đầu mùa. Cậu bé lớp 5 đen nhẻm, đầu trần giữa cái nắng bỏng rát, chăm chỉ làm theo mẹ. Em cười khoe hàm răng trắng bóc: “Hái đậu không mệt gì đâu. Em thích công việc này nên muốn giúp bố mẹ”. Anh Đinh Vuối-cha của Ven cho hay: “Mình nói nó ở nhà chơi với mấy đứa hàng xóm, lên rẫy mùa này nắng quá, nhưng nó không chịu. Nhìn xem, hai đứa em họ của nó là thằng Hlun và Hlec ham chơi cũng theo Ven lên đây vừa hái đậu vừa chơi”. Hai anh em ruột Hlun (10 tuổi) và Hlec (9 tuổi) cho hay, nghỉ hè các em không có chỗ để chơi, lên rẫy cùng người thân các em rất thích thú. “Khi nào chán hái đậu em dẫn thằng Hlec về nhà rông của làng chơi với lũ trẻ con”-Hlun hồn nhiên nói. Khác với những cậu bé ham vui, em Nguyễn Thanh Ngọc-xã Kông Yang giúp bố mẹ vào ngày hè còn gắn với cả gánh nặng mưu sinh. “Dịp hè là mùa thu hoạch ớt, đậu xanh, năm nào em cũng giúp bố mẹ những việc nhà nông”-Ngọc cho biết. Bóng hai cha con bị “nuốt chửng” trên ruộng đậu xanh rộng 7-8 sào đang chín rộ. Ngọc có vẻ rất thành thạo với công việc. Nhưng có lẽ bao đậu xanh quá nặng so vóc dáng nhỏ bé của một cô bé lớp 7. Anh Nguyễn Xuân Tình-cha của Ngọc, lau những giọt mồ hôi rơi giọt xuống ruộng đậu, nói về con đầy tự hào: “Ngọc biết bố mẹ vất vả nên muốn phụ giúp, chứ tôi biết cháu thích ở nhà học bài hơn. Năm vừa rồi Ngọc đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện của trường Trung học cơ sở Nguyễn Bỉnh Khiêm, cũng là 7 năm liên tục cháu đạt danh hiệu này”.
Trò chơi tự chế Trên cung đường qua xã Kông Yang để vào trung tâm huyện Kông Chro, hai cậu bé vừa chạy, vừa đẩy chiếc xe tự chế, cười khanh khách. Mồ hôi nhễ nhại dưới nắng hè, xe cộ thỉnh thoảng lao qua ầm ầm để lại một lớp bụi mỏng trên đường, nhưng những điều ấy không có nghĩa lý gì với trò chơi mà hai cậu đang say mê. “Trò đẩy xe” gồm những chiếc “bánh xe” được cắt ra từ chiếc dép xốp hỏng, gắn lại với nhau, ở giữa gắn một đoạn lồ ô dài có thể đẩy cho “xe” chạy. Hỏi ai làm ra trò chơi này, cậu bé Đinh Đu-làng Bah Băh, xã Kông Yang trả lời một cách dõng dạc, có chút tự hào: “Em”. Bóng hai cậu bé đã khuất trên đường nhưng tiếng cười dường như còn đọng lại. Hình ảnh ấy khiến người ta bỗng chốc thấy tâm hồn dịu mát và nhớ về một thời tuổi thơ của mình.
Bí thư Huyện đoàn Kông Chro, chị Đinh Thị Thắm, chia sẻ: “Ở một huyện vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn như Kông Chro, thiếu sân chơi cho thiếu nhi là câu chuyện chưa có hồi kết. Chúng tôi cố gắng hết sức trong khả năng có thể và tùy thuộc vào sự năng động của các đoàn xã để tạo cho các em những sân chơi thiết thực. Tuy chưa có điều kiện để mở các lớp dạy kỹ năng như dạy bơi, dạy cách tự vệ trước các hành vi xâm hại… song đoàn các cấp tăng cường công tác tuyên truyền cả thiếu nhi và người lớn về cách bảo vệ, chăm sóc trẻ, nhất là vào dịp hè”.
Ở một nơi xa xôi như làng Nhang Lớn-xã Đak Kơ Ning, ngày hè cũng được đón nhận theo cách riêng của từng đứa trẻ. Mới sáng sớm nhưng dường như tất cả trẻ em đã ra giọt nước cạnh nhà rông vọc nước. Dòng nước mát lạnh khiến chúng thích thú và cười như nắc nẻ mỗi khi bị ai đó dội vào người bất ngờ. Chơi chán, chúng để nguyên quần áo ướt sũng chạy lên nhà rông. Cô bé Đinh Điêm sau khi chơi nước với đám trẻ trong làng bắt đầu ngồi giặt chậu quần áo. Bàn tay nhỏ bé, đen đúa của cô bé lớp 3 dường như quá sức với những chiếc quần, áo lao động của người lớn. “Em phải giặt đồ, nấu cơm cho em ăn để bố mẹ đi rẫy. Làm xong mới được chơi”-Điêm nói. Chúng tôi đã bắt gặp rất nhiều những cảnh giống nhau như thế suốt dọc đường với những nụ cười, trong trẻo, vô tư. Cuộc sống của những đứa trẻ ở làng từ ngàn đời nay đã như vậy, tuân theo một nhịp điệu riêng, trong không gian quen thuộc, gắn bó. Chúng không có khái niệm về sự vất vả, thua thiệt. Về làng với trẻ, vui lây cả những niềm vui thơ trẻ, giản dị.
Theo Báo Gia Lai
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...