Nữ nhà nông thức thời

23/04/2014 07:19 AM


Chưa bao giờ, giá rau xanh lại rẻ trong một thời gian dài như năm nay. Kể từ thời điểm sau Tết Nguyên đán trở về đây, đại đa số nhà vườn trồng rau đều lâm vào tình cảnh khó khăn, thậm chí là lỗ cả công lẫn vốn bởi giá rau xanh quá rẻ, không đủ bù vào phần chi phí. Vậy nhưng, vẫn có những nhà nông thức thời, nhờ sự nhạy bén điều chỉnh hướng đi, họ vẫn bảo đảm thu nhập từ nghề trồng rau và cải thiện đời sống.

Chưa bao giờ, giá rau xanh lại rẻ trong một thời gian dài như năm nay. Kể từ thời điểm sau Tết Nguyên đán trở về đây, đại đa số nhà vườn trồng rau đều lâm vào tình cảnh khó khăn, thậm chí là lỗ cả công lẫn vốn bởi giá rau xanh quá rẻ, không đủ bù vào phần chi phí. Vậy nhưng, vẫn có những nhà nông thức thời, nhờ sự nhạy bén điều chỉnh hướng đi, họ vẫn bảo đảm thu nhập từ nghề trồng rau và cải thiện đời sống.
 

Chị Luyện đang gieo hạt cải lấy mầm. Ảnh: Lê Hòa
Chị Luyện đang gieo hạt cải lấy mầm. Ảnh: Lê Hòa

Chỉ với gần một sào đất trồng rau xanh, chị Nguyễn Thị Luyện, ở tổ dân phố 8 (phường Ia Kring-TP. Pleiku) vẫn kiếm được thu nhập từ 400 ngàn đồng đến 500 ngàn đồng mỗi ngày sau khi trừ chi phí. Đó là thu nhập đáng mơ ước của nhà vườn trồng rau hiện nay trước cảnh giá rau quá rẻ, thậm chí nhiều nơi rau đến kỳ thu hoạch nhà vườn còn không buồn cắt, rau để cho bò, nấu heo… Không phải chịu cảnh chua chát đó chính là nhờ chị đã nhạy bén nắm bắt nhu cầu và thay đổi cây trồng phù hợp.

Áp lực nuôi 3 đứa con ăn học đã khiến chị chịu khó mày mò, suy nghĩ tìm một hướng đi hiệu quả nhất trong quỹ đất có hạn. “Trước đây tôi trồng rau hẹ và bồ ngót cũng được lắm. Sau đó thấy bồ ngót trồng “hời” quá, người ta đua nhau trồng, đến kỳ cây ngót già cỗi, tôi chặt bỏ quay qua trồng thứ khác. Thấy đài báo nói đến trồng rau mầm cũng khá hay, lạ mà chưa thấy ai làm nên tôi quyết định thử. Lôi vốn kinh nghiệm hơn chục năm làm rau, tôi mày mò làm rồi đưa cho mối rau ở chợ bán thử xem, ai dè người ta chuộng quá, chủ hàng quay qua đặt nhiều. Từ đó tôi chính thức chuyển qua trồng rau cải mầm”-chị Luyện tâm sự.

 

Cải mầm xanh tốt dù không cần bất cứ loại thuốc kích thích nào. Ảnh: Lê Hòa
Cải mầm xanh tốt dù không cần bất cứ loại thuốc kích thích nào. Ảnh: Lê Hòa

Thay vì trồng trên thùng xốp như sách báo hướng dẫn, chị lên luống đất và trồng như rau bình thường vẫn cho năng suất cao. Hơn 200 m2 đất chị chia nhỏ thành 12 luống, trồng luân phiên nhau để đảm bảo ngày nào cũng có rau cho thu. “Đất xới lên chừng vài ba ngày cho hả hơi đất, rồi trộn một ít phân NPK, sau đó dùng tay tạo thành hàng nhỏ và thả hạt cải đã được ngâm chừng 3-4 tiếng trong nước ấm. Vì lấy rau mầm nên tỉa hạt thật dày. Dùng phân chuồng được ủ kỹ với vôi cho hoai, rắc phủ lên phía trên hạt cải và giữ ẩm thường xuyên bằng cách tưới phun sương chừng 40-45 phút mỗi ngày. Nên dùng hạt cải cay để rau cải mầm có mùi thơm hấp dẫn hơn”-chị Luyện, chia sẻ kinh nghiệm trồng rau cải mầm.

Rau mầm chỉ cần trồng khoảng 10 ngày là được thu và không tốn nhiều công chăm sóc và đặc biệt là không cần phun thêm bất cứ thứ thuốc kích thích hay hóa chất nào mà chỉ cần giữ ẩm là đủ. Trung bình mỗi ngày, chị Luyện thu chừng 15-20 kg cải mầm. Với mức giá nhập sỉ dao động từ 20 ngàn đồng đến 25 ngàn đồng, trừ chi phí công cán, chị thu lời trên dưới 300 ngàn đồng/ngày. Bạn hàng của chị ngoài vài sạp rau ở Trung tâm Thương mại Pleiku thì một số nhà hàng, quán nhậu trên địa bàn thành phố cũng tới đặt hàng.

Ngoài vườn rau mầm khá kinh tế, chị còn dành đất duy trì vườn rau hẹ. Từ năm 1998, chị có mua được 1 kg giống cây hẹ ở thôn Phú Thọ (xã An Phú-TP. Pleiku) đem về trồng rồi nhân giống thành nửa sào rau hẹ như hiện nay. Không nhiều người làm hẹ nên vườn hẹ nhà chị đều đặn duy trì một lượng khách hàng ổn định. Ngoài một số cơ sở làm bánh hỏi đặt mua hàng ngày, số còn lại chị nhập cho mối chợ. “Mỗi ngày riêng tiền từ rau hẹ cũng được 150 ngàn đồng, không nhiều nhưng bù lại chi phí trồng rau rất thấp, chỉ cần lót một lớp phân vi sinh mỏng lên luống hẹ sau khi cắt rồi tưới nước hàng ngày. Nếu cần thiết thì bổ sung thêm một ít đạm ure. Cứ khoảng 20 ngày rau hẹ được cắt một lần”-chị Luyện chia sẻ.

 

Chị Luyện đang thu rau hẹ. Ảnh: Lê Hòa
Chị Luyện đang thu rau hẹ. Ảnh: Lê Hòa

Không đua nhau trồng những loại rau theo phong trào, chị Luyện tìm cho mình một hướng đi riêng và kiếm được thu nhập ổn định nhờ vào sự sáng suốt đó. “Ba đứa con đều đi học hành, chồng làm công trình nên chỉ có một mình, tôi phải tính toán chọn loại rau vừa sức nhất mà vẫn đảm bảo hiệu quả kinh tế. Điều đáng mừng là các loại rau này luôn giữ mức giá và nhu cầu ổn định, không sợ gặp cảnh nay được mùa, mai mất giá”-chị Luyện tâm sự.

Từ bài học kinh nghiệm của chị Luyện cho thấy, để có thể sản xuất hiệu quả nhà nông không chỉ thụ động trông chờ, hy vọng may rủi nào đó từ giá cả, thị trường mà cần phải có sự nhạy bén thích nghi, nắm bắt nhu cầu để tìm ra hướng đi hiệu quả, càng nên tránh bệnh ồ ạt trồng theo phong trào-căn bệnh khó chữa từng khiến nhiều nhà nông lao đao.

Theo Báo Gia Lai