Đồng khát bên sông

21/04/2014 01:29 PM


Bên dòng sông Ba hiền hòa, ăm ắp nước, cánh đồng 500 ha của xã Ia Kdăm (huyện Ia Pa) luôn trong tình trạng khô hạn vì thiếu nước.

Bên dòng sông Ba hiền hòa, ăm ắp nước, cánh đồng 500 ha của xã Ia Kdăm (huyện Ia Pa) luôn trong tình trạng khô hạn vì thiếu nước.

Lạy trời mưa xuống…

 

Cánh đồng 500 ha trồng hoa màu cầm chừng vì thiếu nước. Ảnh: Nguyễn Tú
Cánh đồng 500 ha trồng hoa màu cầm chừng vì thiếu nước. Ảnh: Nguyễn Tú

Ia Pa cuối mùa khô. Cơn mưa giông đầu mùa không đủ làm vơi đi cái nóng hầm hập như muốn thiêu đốt da thịt. Cánh đồng Ia Kdăm đang trong thời kỳ khô hạn. Đồng ruộng thưa bóng người. Đi lâu mới gặp cảnh một vài người ngồi tránh nắng dưới gốc cây, chăn bò gặm cỏ khô. Cỏ cây khô quắt vì nắng hạn. Ruộng đất nứt nẻ, khô khốc vì thiếu nước. Già Ksor Nhót (làng Plei Toan 1) kể, từ khi dân làng biết bắt cây lúa rẫy xuống nước, cây lúa nước được người dân chọn lựa là loại cây trồng chính nhưng chủ yếu là gieo trồng được một vụ lúa mùa, thường bắt đầu từ tháng 7 và kết thúc vào tháng 11 hàng năm, phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời. Mưa xuống dân làng tập trung làm đất cho vụ mùa mới, thu hoạch xong bỏ không đất đai chờ năm tới. Mùa khô đến, nhà nào gần trạm bơm có đủ nước tổ chức gieo trồng vụ Đông Xuân, nhà nào không có thì phát rẫy trồng mì, nhà không có rẫy thì đi làm thuê nơi khác hoặc ở nhà chơi. “Nhà già có 2 sào trồng lúa vụ mùa, muốn trồng lúa vụ Đông Xuân mà không được, nước máy bơm không thể chảy đến ruộng. Già bỏ ruộng đi chăn bò thuê. Họp miết, nói miết rồi nhưng không ăn thua đâu”-già Nhót nói.

Đường liên xã từ Ia Kdăm đến Ia Broăi song song với sông Ba, chia cắt cánh đồng xã Ia Kdăm làm hai nửa. Những thửa ruộng liền sông Ba vừa qua mùa gặt trơ gốc rạ, dấu bánh xe máy gặt in đậm trên những thửa ruộng xâm xấp nước. Nửa bên kia đường đất đai khô khốc, nứt nẻ. Ước tính từ bờ sông Ba đến đất ruộng bỏ hoang có chiều dài khoảng 700 mét hoặc 1 km, tùy theo địa hình. Cuối chân núi tiếp giáp cánh đồng, hai con suối Ia Toan và suối Ia Kdăm đoạn chạy qua khu vực xã có lưu lượng nước tương đối cao. Mùa khô đạt đỉnh, suối không cạn nước. Liên tiếp nhiều năm qua dư luận xã Ia Kdăm nói riêng, huyện Ia Pa nói chung tỏ thái độ không đồng tình trước việc cánh đồng liền kề với sông suối nhưng phải bỏ hoang vụ Đông Xuân nhiều năm vì thiếu nước. Trong số 85 ha đất có thể triển khai gieo trồng vụ lúa Đông Xuân niên vụ 2013-2014 thì có 3 ha lúa bị cháy vì nắng hạn.

Bí thư Đảng ủy xã Ia Kdăm-Huỳnh Văn Trường cho biết: Toàn xã có 701 hộ dân, hộ nghèo là 446 hộ, chiếm 63,2%. Dân cư chủ yếu là người Jrai chiếm khoảng 90%, 10% còn lại là người Bahnar và người Kinh. Ia Kdăm là xã thuần nông. Tổng diện tích đất trồng cây nông nghiệp là 2.802 ha. Lúa nước là loại cây trồng chủ đạo. Thu nhập chính của người dân phụ thuộc vào cây lúa. Các loại cây trồng như mì, đậu, điều… mới được đưa vào trồng, năng suất không cao. Cánh đồng chuyên canh cây lúa nước của xã có diện tích khoảng 500 ha nhưng diện tích đất trồng được lúa nước hai vụ khoảng 85 ha, phần đất còn lại phải bỏ không vào mùa khô.

Trăn trở vùng đất khát

 

    Đất đai nứt nẻ, khô khốc. Ảnh: Nguyễn Tú
Đất đai nứt nẻ, khô khốc. Ảnh: Nguyễn Tú

Trên thực tế, xã Ia Kdăm có hai trạm bơm đặt tại 2 làng Plei Toan và Ia Kdăm, mục đích bơm nước tưới phục vụ gieo trồng. Các máy bơm đặt tại hai trạm bơm này có công suất nhỏ, không thể bơm đủ nước phục vụ cho cánh đồng, do đó, chỉ có 85 ha trồng lúa gần khu vực đặt hai trạm bơm có đủ nước phục vụ gieo trồng lúa hai vụ trong năm. Ngoài ra, hàng năm đến mùa mưa, hai trạm bơm thường bị nước vùi lấp hoặc bị cuốn trôi, tốn kém kinh phí Nhà nước, khoảng thời gian sửa chữa khắc phục thường kéo dài.

Cũng theo ông Trường, trước tình trạng thiếu nước, UBND huyện Ia Pa nhiều lần tổ chức khảo sát, xây dựng phương án, lập hồ sơ gửi cấp trên phê duyệt phương án theo dự kiến chặn dòng suối Ia Toan xây dựng hồ chứa, kinh phí khoảng 50 tỷ đồng; hoặc phê duyệt phương án xây dựng đập tràn ở suối Ia Kdăm, dự kiến kinh phí 1 tỷ đồng. Theo thiết kế dự kiến khi hoàn thành 2 công trình trên sẽ cung cấp nước tưới cho 200 ha tại các thôn Plei Kdăm 1 và 2, thôn Plei Toan, thôn Bầu… Tuy vậy hai dự án trên vẫn chưa được phê duyệt.

Khắc phục tình trạng này, những năm qua, Đảng ủy, HĐND, UBND xã tập trung mọi nguồn lực, huy động sức dân, vận động cấp trên hỗ trợ vốn, vật nuôi và giống cây trồng mới có khả năng chịu hạn cao, nhằm nâng cao đời sống nhân dân. “Dự kiến thời gian tới chúng tôi sẽ chuyển đổi 100 ha đất có thổ nhưỡng phù hợp tại một vài khu vực trên cánh đồng của xã sang trồng cây mía và cây đậu, mè. Nếu đạt hiệu quả tốt, chúng tôi có kế hoạch mở rộng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng”-ông Trường cho hay.

Theo Báo Gia Lai