Thành phố Pleiku: Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số

18/04/2014 07:36 AM


Theo Ban Tổ chức Thành ủy Pleiku, hầu hết các cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số (DTTS) có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao, nhiệt tình công tác, luôn cố gắng khắc phục những khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên so với yêu cầu, đội ngũ cán bộ người DTTS hiện nay vẫn còn thiếu và yếu, đặc biệt là tại các xã, phường.

Theo Ban Tổ chức Thành ủy Pleiku, hầu hết các cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số (DTTS) có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao, nhiệt tình công tác, luôn cố gắng khắc phục những khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên so với yêu cầu, đội ngũ cán bộ người DTTS hiện nay vẫn còn thiếu và yếu, đặc biệt là tại các xã, phường. Một bộ phận cán bộ người DTTS vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chế độ và chính sách ưu đãi, năng lực và hiệu quả làm việc còn thấp. Những bất cập và hạn chế trên tập trung vào hai nhóm nguyên nhân chủ yếu là công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ vẫn còn chắp vá; cấp ủy, chính quyền các cấp và các cơ quan tham mưu về công tác nhân sự chưa nhận thức hết tầm quan trọng của việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ là người DTTS tại địa phương, cơ quan, đơn vị...
 

Cán bộ người dân tộc thiểu số  trong hệ thống chính trị ở cơ sở của TP. Pleiku. Ảnh: Thanh Nhật
Cán bộ người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị ở cơ sở của TP. Pleiku. Ảnh: Thanh Nhật

Trao đổi với chúng tôi, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Pleiku Võ Văn Dương cho biết: “Để từng bước khắc phục những tồn tại hạn chế trên, Ban Thường vụ Thành ủy Pleiku đã ban hành Đề án số 02-ĐA/TU về đào tạo, bồi dưỡng và tạo nguồn cán bộ người DTTS giai đoạn 2013-2015 và đến năm 2020. Đây chính là cơ sở nhằm tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, đảm bảo theo cơ cấu và có sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ, ngày một tăng về số lượng và chất lượng. Cán bộ người DTTS được đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng theo quy hoạch, phù hợp với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo và năng lực sở trường công tác”.

Để thực hiện Đề án nêu trên, UBND thành phố đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và tạo nguồn cán bộ DTTS thuộc thành phố giai đoạn 2013-2015 và đến năm 2020. Đồng thời, đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, phường tổ chức triển khai thực hiện có lộ trình và kế hoạch cụ thể. Từ quý III-2013 đến nay, thành phố đã hợp đồng 5 sinh viên là người DTTS đã tốt nghiệp đại học, trung cấp có chuyên ngành phù hợp bố trí về công tác tại 2 cơ quan (Hội Liên hiệp Phụ nữ và Thành đoàn Pleiku) và 3 xã, phường (Thắng Lợi, Trà Bá và Chư Á). Bên cạnh đó, Đảng bộ các xã, phường đã quan tâm công tác tạo nguồn cán bộ người DTTS với phương châm lâu dài và mang tính kế thừa, từng bước chuẩn bị nguồn cán bộ trong thời gian đến. Các xã, phường đã tích cực phối hợp với các phòng chuyên môn của thành phố lựa chọn số học sinh đủ điều kiện là con em cán bộ, đảng viên, gia đình chính sách cử đi đào tạo từ bậc trung học phổ thông. Trong năm học 2013-2014, thành phố đã chọn 10 em học sinh gửi đi học tại các trường THPT trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, thành phố cũng đã chọn cử 15 cán bộ, công chức học tập, bồi dưỡng chuyên môn và lý luận chính trị do thành phố và tỉnh tổ chức.

 

Ủy ban Nhân dân thành phố Pleiku khen thưởng người uy tín các làng dân tộc thiểu số. Ảnh: Thanh Nhật
Ủy ban Nhân dân thành phố Pleiku khen thưởng người uy tín các làng dân tộc thiểu số. Ảnh: Thanh Nhật

Với việc triển khai thực hiện đề án trên, Đảng bộ TP. Pleiku phấn đấu tăng tỷ lệ cán bộ công chức người DTTS công tác tại các cơ quan thành phố vào năm 2015 là trên 8%, đến năm 2020 là 10%; lãnh đạo quản lý trưởng, phó phòng ban của thành phố vào năm 2015 trên 3%, đến năm 2020  trên 4%. Tỷ lệ cán bộ người DTTS tham gia vào Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015-2020 là 8%. Tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đương chức là người DTTS hiện đang công tác tại các xã, phường và cơ quan thành phố chưa đạt chuẩn về văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị.

Cùng với đó, thành phố thực hiện tốt công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ người DTTS. Mạnh dạn bố trí giao việc hợp lý, rèn luyện thực tế để cán bộ trưởng thành, sử dụng cán bộ người DTTS hợp lý và có hiệu quả. Đối với các xã, phường có đông người DTTS sẽ chú ý nâng cao tỷ lệ cán bộ người DTTS và chủ động lựa chọn những nhân tố là người DTTS có khả năng, đủ điều kiện để đề nghị cử đi đào tạo, bồi dưỡng. Tuyên truyền vận động đồng bào DTTS nhận thức rõ những chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước, từ đó quan tâm tạo điều kiện cho con em học hành, có trình độ chuyên môn để có cơ hội tham gia công tác trong bộ máy các cơ quan, đơn vị, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS trong hệ thống chính trị ở địa phương, cơ sở.

Bên cạnh đó, tăng tỷ lệ cán bộ chuyên trách, công chức và cán bộ bán chuyên trách là người DTTS công tác tại các xã, phường vào năm 2015 khoảng 9% đến năm 2020 là từ 10% trở lên. Cán bộ lãnh đạo chủ chốt xã, phường là người DTTS vào năm 2015 trên 10% và đến năm 2020 là 13%,  tỷ lệ cán bộ người DTTS tham gia vào Ban Chấp hành Đảng bộ xã, phường (đối với những xã, phường có làng đồng bào DTTS) nhiệm kỳ 2015-2020 từ 10% trở lên...

Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, hy vọng đề án về công tác đào tạo, bồi dưỡng và tạo nguồn cán bộ là người DTTS giai đoạn 2013-2015 và đến năm 2020 của Ban Thường vụ Thành ủy sẽ đạt hiệu quả; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, chuẩn hóa về chuyên môn nghiệp vụ và năng lực quản lý đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển thành phố trong những năm tới.

Theo Báo Gia Lai