Hiệu quả từ mô hình cải tạo vườn tạp

14/04/2014 07:25 AM


Để giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nhận thức, thay đổi tập quán sản xuất và nâng cao đời sống, phát triển kinh tế gia đình, huyện Đức Cơ đã triển khai mô hình cải tạo vườn tạp và bước đầu đã mang lại hiệu quả.

Để giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nhận thức, thay đổi tập quán sản xuất và nâng cao đời sống, phát triển kinh tế gia đình, huyện Đức Cơ đã triển khai mô hình cải tạo vườn tạp và bước đầu đã mang lại hiệu quả.
 

  Cải tạo vườn tạp để trồng hồ tiêu. Ảnh: Lê Nam
Cải tạo vườn tạp để trồng hồ tiêu. Ảnh: Lê Nam

Mô hình trồng cây tiêu và mít nghệ thay thế vườn tạp cho 5 làng đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ia Kriêng và 3 làng ở xã Ia Krêl, được triển khai từ tháng 1-2011 đến tháng 12-2013 với tổng kinh phí hơn 1,97 tỷ đồng (vốn ngân sách nhà nước 1,06 tỷ đồng, dân đóng góp hơn 900 triệu đồng). Dự án có 41 hộ với 5.544 trụ tiêu (3,09 ha) và 28 hộ trồng cây mít nghệ với 1.680 cây (7 ha) do Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện chủ trì. Trong đó, người dân được hỗ trợ 50% trụ tiêu và hỗ trợ 100% giống cây trồng, phân bón, vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn kỹ thuật theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Giống được chọn đưa vào cải tạo vườn tạp gồm tiêu Ấn Độ, Vĩnh Linh và giống mít nghệ M99-I, TJF.

Sau 3 năm triển khai, bước đầu mô hình đã mang lại hiệu quả. Diện tích hồ tiêu đã cho thu hoạch bói, năng suất đạt bình quân 1-1,2 kg hạt khô/trụ. Chị Rơ Châm Chanh (làng Ngol Le 1, xã Ia Krêl) một trong những hộ được chọn thực hiện mô hình trồng tiêu, cho biết: Gia đình có hơn 1,5 sào đất vườn trước đây chỉ trồng vài cây cà phê mít và bỏ đất trống, hàng năm chẳng có thu nhập được gì. Thấy nhiều hộ trồng tiêu hiệu quả kinh tế cao cũng muốn chuyển đổi nhưng không có vốn và thiếu kỹ thuật đành thôi. Khi được Nhà nước hỗ trợ trồng 120 trụ tiêu, gia đình vay mượn thêm để trồng 80 trụ tiêu nữa. Sau 3 năm được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, cây tiêu của gia đình phát triển rất tốt, năm vừa rồi đã cho thu bói, gia đình thu được gần 80 kg tiêu khô.

Mô hình trồng cây mít nghệ được triển khai với 60 cây/hộ, giúp người dân cải tạo vườn tạp, sử dụng hiệu quả đất vườn. Anh Kpuih Hyut (làng Lung 2, xã Ia Kriêng) cho hay: Trước đây, vườn nhà chỉ trồng một ít bời lời. Giờ được Nhà nước hỗ trợ trồng mít tôi thấy cây mít phát triển rất nhanh, không sâu bệnh và chăm sóc đơn giản. Gia đình hy vọng sau khi mít ra trái có thể tiêu thụ được, giúp có thêm thu nhập, phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Quốc Tư-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ cho biết: Ban đầu, việc chọn giống cây trồng để thực hiện mô hình rất khó khăn, bởi với cây trồng dài ngày như cà phê, cao su thì diện tích đất vườn của người dân ít, khó thực hiện, không hiệu quả. Cơ quan chuyên môn đã chọn cây tiêu và cây mít nghệ. Với cây mít nghệ, tính khả thi và hiệu quả rất cao, có khả năng nhân rộng trong thời gian tới, bởi phù hợp với trình độ canh tác của người dân. Cây tiêu là loại cây trồng yêu cầu kỹ thuật chăm sóc cao, sâu bệnh trên cây tiêu phức tạp, khó xử lý nên rất khó nhân rộng mô hình. Định hướng cho người dân trong thời gian tới là mở rộng mô hình trồng mít nghệ, mở rộng thị trường và thu hút nhà đầu tư trong công tác thu mua mít nghệ trên địa bàn huyện. Trước mắt, mô hình đã góp phần thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Hiện nay, phần lớn diện tích đất vườn của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn hoang hóa, hoặc sử dụng chưa hiệu quả. Việc đưa các loại cây trồng vào canh tác nhằm phát huy tiềm năng, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình và giảm nghèo bền vững.

Theo Báo Gia Lai