Máy tính cho cộng đồng

14/04/2014 07:03 AM


Gia Lai là một trong những tỉnh được thụ hưởng dự án nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập internet công cộng do Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai từ năm 2011 đến 2016. Các điểm đặt máy tính công cộng đến nay đang phát huy hiệu quả tích cực, đem lại lợi ích thiết thực cho người sử dụng.

Gia Lai là một trong những tỉnh được thụ hưởng dự án nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập internet công cộng do Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai từ năm 2011 đến 2016. Các điểm đặt máy tính công cộng đến nay đang phát huy hiệu quả tích cực, đem lại lợi ích thiết thực cho người sử dụng.

Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập internet công cộng tại Việt Nam” được Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai trong thời gian 5 năm (2011-2016) với tổng giá trị hơn 50,5 triệu USD (trong đó hơn 36 triệu USD do Quỹ Bill & Melinda Gates (BMGF) và Công ty Microsoft Mỹ tài trợ). Dự án sẽ lập hơn 2.000 điểm truy cập internet công cộng tại các điểm thư viện và bưu điện văn hóa xã tại 40 tỉnh trong cả nước.

 

  Dự án được thực hiện nhằm giúp người dân tiếp cận với công nghệ thông tin. Ảnh: Phương Linh
Dự án được thực hiện nhằm giúp người dân tiếp cận với công nghệ thông tin. Ảnh: Phương Linh

Gia Lai có 63 điểm (trong đó 33 thư viện và 30 bưu điện văn hóa xã) tại 17 huyện, thị xã, thành phố được thụ hưởng dự án. Mỗi điểm thư viện và bưu điện văn hóa xã được đặt 5 máy tính có cấu hình mạnh, kết nối internet. Riêng tại Thư viện tỉnh đặt 40 máy (20 máy phục vụ người dân, 20 máy phục vụ công tác tập huấn, đào tạo), các điểm thư viện huyện đặt 10 máy. Hầu hết các điểm đặt máy tính đều phục vụ miễn phí. Mục tiêu của dự án là tạo điều kiện cho người dân nông thôn được hưởng lợi từ dịch vụ do công nghệ và truyền thông mang lại; tạo cơ hội cho họ được tiếp cận với công nghệ thông tin, giúp rút ngắn khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn. Từ đó người dân có thể biết cách khai thác thông tin, tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm sản xuất bằng con đường công nghệ thông tin, phục vụ cuộc sống.

Có lượng truy nhập khá ổn định với 30-40 lượt/ngày, điểm truy cập internet công cộng tại Thư viện tỉnh đang hoạt động ngày càng hiệu quả. Đối tượng tham gia truy cập khá đa dạng từ học sinh, sinh viên đến cán bộ, công nhân, viên chức. Để thu hút nhiều người sử dụng dịch vụ này, Thư viện tỉnh đã khuyến khích bạn đọc sử dụng thư mục số hóa trên máy tính để tìm tên sách, tài liệu cần thiết. Bà Nguyễn Thị Thủy-Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: “Từ tháng 9-2013 đến nay, chúng tôi đã mở 4 lớp tập huấn cho 62 học viên là cán bộ bưu điện văn hóa xã, thư viện huyện, tỉnh và lớp nâng cao cho cán bộ Thư viện tỉnh. Hiện nay ngày nào cũng có người sử dụng dịch vụ internet công cộng để phục vụ nhu cầu tìm kiếm thông tin, tài liệu. Đây là một hình thức đọc hấp dẫn bạn đọc, giúp bạn đọc tìm kiếm thông tin nhanh hơn, đặc biệt là tìm từ thư mục số hóa, từ đó thấy được sự đa dạng, phong phú của thư viện”.

Điểm Thư viện huyện Kbang cũng tiếp nhận 10 máy tính có kết nối mạng internet, mỗi ngày cũng có trung bình từ 30 đến 35 lượt truy cập, phần lớn là các em học sinh. Chị Ngô Thị Loan-nhân viên thủ thư Thư viện huyện-Trung tâm Văn hóa huyện Kbang cho biết: “Dự án máy tính công cộng này thu hút các em học sinh đến thư viện nhiều hơn. Vào các dịp hè, chúng tôi cũng vẫn mở dịch vụ để mọi người đến truy cập”.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên thì điểm truy cập đặt tại bưu điện văn hóa xã có lượng truy cập không cao, trung bình 4-5 lượt/ngày và chủ yếu là cán bộ, nhân viên tại nơi đặt máy. Anh Lê Anh Dũng-cán bộ phụ trách Văn hóa-Xã hội xã Đông (huyện Kbang) chia sẻ: “Dự án  đặt 5 máy tính tại điểm bưu điện nằm trong UBND xã. Cũng vì thế, phòng máy chỉ mở cửa vào giờ hành chính trong khi giờ đó người dân thường ở ngoài đồng, trên rẫy nên ít tới truy cập”. Cô Vũ Thị Ngân-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đông cũng khá trăn trở: “Có máy tính, tôi cũng thường xuyên vận động chị em phụ nữ đến để truy cập, tìm hiểu các cách làm hay, kỹ thuật nuôi trồng,… để áp dụng cho cuộc sống của mình. Nhưng hầu hết các chị vì chưa hoặc ít được tiếp xúc với máy tính nên có tâm lý ngại ngùng, e dè khi đến tại điểm bưu điện để sử dụng dịch vụ. Bên cạnh đó, một vài thôn làng ở cách xa trung tâm nên số lượt truy cập cũng bị hạn chế”.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Minh-Phó Trưởng phòng Bưu chính Viễn thông, Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: “Hiện tại dự án đang đi vào hoạt động ổn định. Sắp tới chúng tôi sẽ tổ chức khảo sát toàn diện tình hình sử dụng tại 63 điểm máy; sau đó, sẽ cùng phối hợp với nhà tài trợ BMGF thực hiện các buổi truyền thông, vận động trực tiếp tận các điểm máy theo nhiều hình thức đa dạng như tổ chức hội thi, sân khấu hóa, thăm nhà, tổ chức câu lạc bộ,… Từ đó giúp người dân biết đến và tham gia sử dụng máy tính nhiều hơn, rút ngắn khoảng cách công nghệ cho nhân dân lao động”.

Theo Báo Gia Lai