Người phụ nữ của các phong trào ở khu phố

08/04/2014 09:02 AM


Lần nào tham dự tổng kết công tác Hội Phụ nữ chị Võ Thị Quảng-Tổ dân phố 2, thị trấn Kbang, huyện Kbang-cũng thấy trăn trở cho hoạt động phụ nữ ở tổ dân phố mình.

Lần nào tham dự tổng kết công tác Hội Phụ nữ chị Võ Thị Quảng-Tổ dân phố 2, thị trấn Kbang, huyện Kbang-cũng thấy trăn trở cho hoạt động phụ nữ ở tổ dân phố mình. Nhìn thấy các chi hội bạn, người thì được biểu dương, người nhận phần thưởng, giấy khen là trong suy nghĩ của chị như thúc giục chị phải làm cách nào gây dựng phong trào, làm thế nào để giúp chị em tham gia làm kinh tế giỏi, vươn lên thoát khỏi đói nghèo cho “bằng chị bằng em”.

Chính từ những suy nghĩ đó mà phong trào “Phụ nữ giúp nhau” của chi hội Phụ nữ tổ dân phố 2 (thị trấn Kbang) đã và đang lan tỏa, phát triển mạnh mẽ, thu hút số đông chị em trong khu phố hăng hái tham gia.

 

Chị Võ Thị Quảng. Ảnh: Minh Nguyễn
Chị Võ Thị Quảng. Ảnh: Minh Nguyễn

Hiệu quả lớn từ nguồn quỹ nhỏ

Mở đầu câu chuyện, chị Quảng chia sẻ: Điều khó nhất để những suy nghĩ của mình trở thành hiện thực là phải tìm cách tập hợp được chị em phụ nữ tham gia và bằng cách gì giúp các chị em thoát khỏi cái đói, cái nghèo cải thiện cuộc sống trong khi trong tay các chị không có một đồng vốn để sản xuất.

Năm 2002, chị đứng ra vận động các chị em tham gia góp vốn, mỗi người 50.000 đồng. Với suy nghĩ “ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, chị bắt đầu phân tích cho các chị em nhận thấy rằng mỗi chị em chỉ với 50.000 đồng thì không làm được gì nhưng nhiều người góp lại thì sẽ giúp được nhiều chị em. Thế nhưng, kết quả không như chị mong muốn khi chỉ có 10 chị em tham gia với số vốn ban đầu là 500.000 đồng.

Chính điều này càng thôi thúc chị phải nỗ lực hơn nữa, phải chứng minh cho các chị em thấy bằng hiệu quả từ những đồng tiền của nguồn vốn góp này. Chị Nguyễn Thị Hường là người được chọn “thử nghiệm” ban đầu cho sự thành bại của cả một phong trào. Từ vốn vay 400.000 đồng của chi hội phụ nữ, chị Hường mua một con heo mẹ để phát triển kinh tế gia đình. Sau những tháng ngày vất vả chăm sóc, từ một con heo mẹ ban đầu chị đã phát triển được thành đàn heo, cuộc sống gia đình của chị dần ổn định, kinh tế ngày càng vững, trở thành một trong những điển hình sản xuất giỏi của địa phương.

Thấy được việc sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả của chị Hường, ngày càng có nhiều chị em trong tổ dân phố tích cực tham gia cùng với Hội, tự nguyện nộp tiền vào quỹ. Càng thuyết phục hơn khi hội viên Nguyễn Thị Kim, từ nguồn vốn vay 4 triệu đồng, đã mua được một con bò mẹ và phát triển thành đàn bò, mua thêm được rẫy, kinh tế phát triển, xây được nhà, con cái học hành tử tế.

 

Chính từ những kết quả đó mà chỉ trong một thời gian ngắn, từ 10 hội viên ban đầu với số vốn góp không đáng kể, đến nay chi hội phụ nữ tổ dân phố 2, thị trấn Kbang đã có đến 220 hội viên tham gia với số vốn góp gần 500 triệu đồng. Mức vay cũng được nâng lên 5 triệu đồng/người/năm. Hàng tháng có 16 hội viên trong 8 tổ hội được vay vốn, mỗi tổ hội là 2 người, hiện tại có trên 80 chị em đang tham gia vay vốn. Nhờ đó, phong trào phụ nữ làm kinh tế giỏi được duy trì, điển hình như mô hình kinh doanh của các chị Thuyết, Tâm, Nhàng, Đồng; mô hình nông nghiệp của chị Tâm, Dung… và còn nhiều chị khác với thu nhập bình quân hàng năm từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng trở lên.
 

Trao đổi với cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Kbang. Ảnh: Minh Nguyễn
Trao đổi với cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Kbang. Ảnh: Minh Nguyễn

Xây dựng nhiều phong trào lớn

Nhận xét về Chi hội trưởng chi hội phụ nữ tổ dân phố 2, chị Trương Thị Diễm Trinh-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Kbang-hết lời khen ngợi: “Chị Quảng là cán bộ Hội đầy nhiệt huyết, có kinh nghiệm trong hoạt động công tác Hội nên thu hút được đông đảo hội viên tham gia thực hiện tốt các phong trào thi đua. Đồng thời chị cũng xây dựng được nhiều mô hình giúp đỡ phụ nữ nghèo trên địa bàn Tổ dân phố 2 từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, là tấm gương sáng để các chi hội khác học hỏi và noi theo”. Những lời nhận xét của chị Trinh hãy còn “khiêm tốn”, khi các phong trào mà người phụ nữ tuổi xấp xỉ 60 này đã xây dựng còn nhiều hơn thế nữa.

Chị Quảng tâm sự: Khó khăn nhất trong công tác phụ nữ ở đây là địa bàn thì rộng, đời sống của các chị em lúc bấy giờ ai nấy cũng đều khó khăn, ngày ngày các chị phải bám rẫy, bám đồng, buôn bán ngược xuôi, vì vậy nhiều lúc đến 21 giờ mà chị vẫn còn lặn lội đến từng nhà hội viên để vận động. Vất vả là vậy nhưng chị rất vui và có thêm động lực khi được chồng và các con chia sẻ công việc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” này.

Cùng với việc vận động góp vốn giúp nhau làm kinh tế, với vai trò “đầu tàu” là Chi hội trưởng, chị Quảng cũng đã đứng ra vận động các hội viên tham gia xây dựng được 170 “Hũ gạo tình thương” và 130 “Hũ tiền tiền tiết kiệm”. Kết quả là trút được 160 kg gạo, giúp cho 16 gia đình khó khăn ở 2 tổ hội làng Chre và làng Chiêng, giúp 1 hội viên bị bệnh hiểm nghèo với số tiền trên 2 triệu đồng, hỗ trợ 60 cuốn tập cho học sinh của hai làng. Trong cuộc vận động xây dựng gương điển hình “Người tốt, việc tốt làm theo Bác”, chi hội đã chủ động tổ chức vận động quyên góp gạo, thực phẩm giúp cho 9 hộ nghèo, cận nghèo trong tổ dân phố được 130 kg gạo và 7 thùng mì tôm.

Ngoài ra, vào các ngày 8-3, 20-10 chi hội cũng đứng ra tổ chức tọa đàm, qua đó có sự chia sẻ, quan tâm đến đời sống tinh thần của các chị em; tổ chức giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao, tham quan một số danh lam thắng cảnh trong nước và tham gia các hội thi do các cấp tổ chức… Những phong trào như thế ngày càng thu hút đông đảo phụ nữ tham gia vào tổ chức Hội. Do vậy, năm 2013, chi hội phụ nữ tổ dân phố 2 đã phát triển thêm 35 hội viên, nâng tổng số hội viên lên 262 người. Trong 8 tổ hội thì có 5 tổ được xét phân loại chất lượng hoạt động vững mạnh, 3 tổ khá; riêng chi hội phụ nữ tổ dân phố 2 được bình xét là đơn vị vững mạnh xuất sắc, đề nghị UBND huyện Kbang tặng giấy khen.

Nhìn lại các phong trào đã gây dựng trong những năm qua, chị Quảng không khỏi cảm thấy tự hào, nhưng càng tự hào hơn là: Cũng như các chị em khác, chị cũng đi lên từ bàn tay trắng, nhưng giờ đây 5 người con của chị đều đã thành đạt, người là bác sĩ, người là giảng viên, chuyên viên… Thu nhập hàng năm từ 2 chiếc máy đào và dãy phòng trọ cho thu nhập hơn 600 triệu đồng cũng đủ để chị an tâm và có thêm thời gian góp sức cho chi hội phụ nữ tổ dân phố 2-thị trấn Kbang-ngày càng thêm vững mạnh hơn.

Theo Báo Gia Lai