Theo cánh ong mật

08/02/2014 09:00 AM


Dù phải tới tháng 3 mới là mùa mật chính trong năm, nhưng trong nhà già Đinh Văn Toe (người làng gọi ông là Bă Khách) ở làng Hà Nừng, xã Sơn Lang (huyện Kbang) vẫn còn những giọt mật quý giữ lại từ mùa trước. Bă Khách lý giải: “Người Tây Nguyên thường trữ một ít mật ong trong nhà, phòng khi trúng độc, hoặc say rượu, chỉ cần pha loãng với nước ấm uống để giải độc, giải say.

Dù phải tới tháng 3 mới là mùa mật chính trong năm, nhưng trong nhà già Đinh Văn Toe (người làng gọi ông là Bă Khách) ở làng Hà Nừng, xã Sơn Lang (huyện Kbang) vẫn còn những giọt mật quý giữ lại từ mùa trước. Bă Khách lý giải: “Người Tây Nguyên thường trữ một ít mật ong trong nhà, phòng khi trúng độc, hoặc say rượu, chỉ cần pha loãng với nước ấm uống để giải độc, giải say. Đau dạ dày, đau họng, đau mắt đều có thể dùng mật ong. Bị đứt tay, đứt chân chỉ cần bôi chút mật ong cũng rất nhanh lành”. Theo ông, mật ong từ xưa đã được ông bà xem như tủ thuốc trong gia đình bởi có rất nhiều công dụng. Vì thế, người Bahnar vùng này vẫn dõi theo từng cánh ong vào độ hoa rừng nở để tìm được những tổ mật ngon giữa chốn núi rừng.

Mùa ong mật

Bă Khách giải thích: “Mỗi năm có tới ba đợt lấy mật rải đều các tháng: tháng 3, tháng 5, 6 và đợt cuối vào tháng 8. Nhưng chỉ có đợt mật tháng 3 là ngon nhất. Lúc này, cây rừng đồng loạt nở hoa, ong tha hồ kiếm ăn. Mật tháng 3 đặc và ngon nhất bởi có hương thơm của vô số hoa rừng. Lấy mật mùa này để quanh năm không bị chua, giữ nguyên hương vị, màu vàng sánh đặc trưng. Nhưng lấy mật tháng này cũng khó khổ nhất vì những đàn ong làm mật tháng 3 thường ở tít những cây cao giữa rừng. Đến tháng 5, tháng 6 bắt đầu có mưa nên mật bị loãng. Tháng 8 cũng vậy. Nhưng mật tháng 8 là mật của cây hoa dẻ nên rất thơm”.

 

Bă Khách đem những giọt mật ong rừng vàng sánh, lấy từ tháng 3 năm trước ra đãi khách. Ảnh: Hoàng Ngọc
Bă Khách đem những giọt mật ong rừng vàng sánh, lấy từ tháng 3 năm trước ra đãi khách. Ảnh: Hoàng Ngọc

Những người kinh nghiệm, sống lâu ở vùng rừng núi như Bă Khách thường chỉ lấy mật vào “tháng ba Tây Nguyên”. Biết lấy mật ong từ khi mới 13-14 tuổi, ông tỏ tường thói quen của từng loại ong. Đặc biệt, chỉ cần nhìn đường bay, ông có thể xác định được tổ ong nằm ở vị trí nào giữa mênh mông đại ngàn. Bă Khách đúc rút kinh nghiệm của gần 40 năm theo cánh ong tìm mật: “Nếu sau khi no mật, ong bay thẳng lên trời rồi cả đàn mới bay theo một hướng nhất định, tức là tổ ở rất xa. Còn nếu ăn xong, ong bay theo một đường chéo, tức là tổ ong ở rất gần nơi lấy mật. Muốn quan sát ong, mắt phải rất tinh”.

Bă Khách cho hay, ông chỉ vẽ kinh nghiệm này cho vài người nhưng vẫn có người xác định sai vị trí. Có người mất cả ngày rừng theo cánh ong nhưng vẫn ra về tay trắng. Ông cho rằng, rất khó để lý giải tình cảm của con người với loài ong mật, nó gần như một thông ngôn giữa con người với loài ong. “Con ong nó hiểu người đấy. Mình đi rừng nhiều chục năm, hồi xưa không có quần áo mặc, chỉ mặc độc cái khố mà bị cả ngàn con ong đốt vẫn không sao. Loài ong rất hung dữ, nhất là những tổ mật lớn, ong giữ tổ rất kỹ, chống trả quyết liệt khi bị xâm phạm. Bây giờ có đầy đủ dụng cụ, phương tiện trèo ong, nhưng có người chỉ mới qua vài mùa mật đã gặp nạn. Đã vào tới rừng phải biết tôn trọng rừng. Bây giờ nhiều người không hiểu cái luật ấy”-ông cho biết.

Quà của rừng

 

Bà Cao Thị Hồng (ở làng Điện Biên, xã Sơn Lang) có gần 15 năm bán mật ong rừng ở vùng Sơn Lang cho biết: “Mỗi năm tôi mua được khoảng 300 lít mật của người đi rừng. Có năm mật nhiều, mua được tới 500 lít. Mật chủ yếu được người Bahnar lấy từ rừng Kon Chơ Răng, Kon Hà Nừng. Mỗi năm rừng ở đây ban tặng cho con người cả ngàn lít mật. Tuy nhiên, ở vùng rừng núi heo hút này, chỉ khách quen mới biết chỗ chúng tôi có sản vật của rừng”.

Bă Khách nói rằng, mật ong giống như một món quà của rừng, dùng được trong nhiều việc. Trước đây khi buôn làng chưa có điện, sáp ong còn được dùng thắp sáng. Bao nhiêu đứa trẻ biết đọc chữ từ ánh sáng của những ngọn đèn sáp ong. Trước đây, người Bahnar đi rừng chỉ lấy mật đủ dùng trong nhà, nhà ai cần thì cho, không lấy tiền. Bă Khách kể: “Mỗi năm mình lấy được khoảng 100 lít mật. Tổ lớn nhất mình trèo được cách đây nhiều năm rồi, dài hơn 1 sải tay, vắt được hơn 20 lít. Tổ nằm trên một thân cây cổ thụ rất to và cao. Mình phải trèo lên cây nhỏ bên cạnh, móc kèo qua cây lớn rồi thận trọng trèo sang. Dùng dao cắt từng miếng sáp bỏ vào thùng đưa xuống. Nhưng đó chưa phải là tổ ong lớn nhất. Có người còn trèo được tổ ong mấy sải tay, lấy được gần 50 lít mật, nhưng hiếm lắm”.

Trong số các loại mật ong rừng, có một loại đặc biệt mà bất cứ thợ săn ong nào cũng mơ ước gặp được một lần trong đời, đó là mật của loài ong đất. Loài ong chỉ lớn bằng con muỗi rừng, có màu đen, chỉ làm tổ dưới đất. Bă Khách kể: “Cả đời săn ong của tôi mới chỉ gặp tổ ong đất 3 lần, như thế là may mắn lắm rồi. Chúng thường làm tổ trong các tổ mối đã cũ và mối đã bỏ đi hết. Một tổ ong đất chỉ to bằng bậm tay, vắt giỏi lắm được khoảng một chén mật. Nhưng không ai vắt mật ong đất cả. Chúng tôi thường chỉ lấy sáp mang về. Sáp của loài ong này rất lạ. Chỉ cần bụng đau, trướng lên, vỗ nghe bồm bộp, ăn một miếng sáp ong đất là khỏi ngay. Còn công dụng chữa các loại bệnh thì khỏi nói”.

Thời điểm này, những thợ săn ong bậc thầy như Bă Khách chỉ cần nhìn trời đất, nghe hoa rừng thoảng hương đã có thể đoán định mùa mật đang tới gần…

Theo Báo Gia Lai