Quan tâm công tác phát triển đảng viên, xóa thôn, làng, tổ dân phố chưa có đảng viên

06/02/2014 05:03 AM


Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai khóa XIV (nhiệm kỳ 2010 - 2015), cùng với việc quan tâm tạo nguồn cán bộ, rà soát và bổ sung quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2010-2015 và 2015-2020, đảm bảo số lượng và chất lượng theo quy định, Đảng bộ tỉnh đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 04 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIII) về kết nạp đảng viên, thu hẹp thôn, làng, tổ dân phố chưa có đảng viên và tổ chức Đảng.

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai khóa XIV (nhiệm kỳ 2010 - 2015), cùng với việc quan tâm tạo nguồn cán bộ, rà soát và bổ sung quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2010-2015 và 2015-2020, đảm bảo số lượng và chất lượng theo quy định, Đảng bộ tỉnh đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 04 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIII) về kết nạp đảng viên, thu hẹp thôn, làng, tổ dân phố chưa có đảng viên và tổ chức Đảng.
 

Biểu quyết các chỉ tiêu về phát triển đảng viên nhiệm kỳ 2010-2015. Ảnh: Thanh Nhật
Biểu quyết các chỉ tiêu về phát triển đảng viên nhiệm kỳ 2010-2015. Ảnh: Thanh Nhật

Gắn với thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc kết nạp đảng viên, thu hẹp thôn, làng, tổ dân phố chưa có đảng viên và tổ chức đảng và Nghị quyết XIV Đảng bộ tỉnh, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2010-2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc việc tiến hành đồng bộ các giải pháp để xóa thôn, làng, tổ dân phố chưa có ĐV, chưa có tổ chức đảng, đặt mục tiêu là hoàn thành sớm công tác xóa thôn, làng, tổ dân phố chưa có đảng viên (ĐV), chưa có tổ chức Đảng. Quán triệt quan điểm chỉ đạo theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV là trong nhiệm kỳ 2010-2015, tập trung hơn nữa công tác xóa thôn, làng, tổ dân phố chưa có đảng viên (ĐV), chưa có tổ chức đảng để từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng ở cơ sở. Phấn đấu đến năm 2015, toàn Đảng bộ tỉnh có 100% thôn, làng, tổ dân phố có ĐV và 90% thôn, làng, tổ dân phố có tổ chức Đảng.

Các cấp ủy trực thuộc đã tập trung tạo nguồn, bồi dưỡng kết nạp vào Đảng những quần chúng ưu tú là người dân tộc thiểu số, trưởng, phó ngành ở cơ sở, lực lượng dân quân, công an viên, bộ đội phục viên xuất ngũ, giáo viên, cán bộ y tế thôn, làng, tổ dân phố, đoàn viên Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, phụ nữ, lao động trong các thành phần kinh tế, cũng như tạo nguồn kết nạp ĐV trong các tôn giáo theo Quy định số 123-QĐ/TW của Ban Bí thư và Hướng dẫn số 40-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương.

Việc kết nạp ĐV được coi trọng chất lượng, đảm bảo nguyên tắc, tránh khuynh hướng chạy theo số lượng mà hạ thấp tiêu chuẩn, gắn công tác kết nạp ĐV với việc củng cố tổ chức Đảng. Ban Tổ chức Thành ủy, Huyện ủy, các Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tổ chức-xây dựng đảng cho các đồng chí cấp ủy viên cơ sở và cán bộ phụ trách Văn phòng Đảng ủy cơ sở, đồng thời cử cán bộ của Ban trực tiếp tham gia với cấp ủy cơ sở thực hiện các bước của công tác phát triển ĐV và tháo gỡ các vướng mắc trong thẩm tra, xác minh lý lịch, hoàn thiện thủ tục hồ sơ kết nạp ĐV.

Đồng thời, chỉ đạo cấp ủy cơ sở tiến hành khảo sát nắm chắc nguồn phát triển ĐV, lập danh sách đối tượng giao cho cấp ủy viên, phụ trách các chi bộ, tổ chức đoàn thể ở thôn, làng, tổ dân phố nắm để theo dõi, giúp đỡ... Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn phải phát huy vai trò của cấp ủy trong việc lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức trong hệ thống chính trị làm tốt công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, kết nạp ĐV, xây dựng thôn, làng, tổ dân phố vững mạnh toàn diện và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên hàng năm, là một trong những chỉ tiêu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và phân loại tổ chức cơ sở Đảng hàng năm, khen thưởng đối với cấp ủy cơ sở. Bên cạnh đó, các cấp ủy cơ sở còn thực hiện việc điều chuyển đảng viên về các thôn, làng, tổ dân phố để thành lập chi bộ. Đối với việc chia tách thôn, làng, tổ dân phố, các cấp ủy chỉ đạo việc tạo nguồn phát triển ĐV, đảm bảo có ĐV trước khi tiến hành việc chia tách thôn, làng mới.

Nhờ làm tốt công tác lãnh đạo và chỉ đạo, nên trong nửa nhiệm kỳ 2010-2015, toàn Đảng bộ đã kết nạp được được 5.778 đảng viên mới, đến cuối năm 2012 Đảng bộ tỉnh không còn thôn, làng, tổ dân phố trắng ĐV. Thành lập mới 164 chi bộ thôn, làng, tổ dân phố. Riêng năm 2013, toàn tỉnh đã kết nạp được 2.234 ĐV, nâng tổng số toàn Đảng bộ tỉnh có 42.573 ĐV, đã thành lập và phát triển mới 90 tổ chức đảng ở các thôn, làng, tổ dân phố, hiện nay tất cả các thôn, làng, tổ dân phố đều có tổ chức đảng, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra. Ngoài 7 làng phong, còn lại tất cả các thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đều có ĐV tại chỗ và có chi bộ đảng, hoàn thành và vượt chỉ tiêu sớm hơn hai năm do Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra và cũng là đảng bộ tỉnh đầu tiên trong khu vực Tây Nguyên hoàn thành công tác xóa “trắng” thôn, làng, tổ dân phố chưa có ĐV, chưa có tổ chức đảng.

 

Bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho quần chúng ưu tú (0479, 0480, 6239).
Bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho quần chúng ưu tú. Ảnh: Thanh Nhật

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lâm Quang Dũng-Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai cho biết: Từ nay đến cuối nhiệm kỳ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy sẽ tiếp tục tham mưu cho Thường trực và Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm là các Huyện, Thị, Thành ủy, cấp ủy cơ sở và các chi bộ thôn, làng, tổ dân phố cần tổ chức thực hiện không để xảy ra tình trạng “tái trắng” ĐV, tổ chức đảng ở thôn, làng, tổ dân phố bằng cách làm tốt công tác tạo nguồn phát triển ĐV. Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đảm bảo chi bộ là hạt nhân lãnh đạo chính trị ở cơ sở. Đồng thời, các chi bộ thôn, làng, tổ dân phố còn ít ĐV (từ 3 đến 8 đảng viên) cần đặt mục tiêu tăng cường công tác phát triển ĐV để có ĐV là người tại chỗ của thôn, làng, tổ dân phố đó, phấn đấu có chi ủy để chi bộ thực sự phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

Mặt khác, các đồng chí cấp ủy viên cấp huyện và cấp ủy viên cấp xã cần thường xuyên tham dự sinh hoạt ở các chi bộ thôn, làng, tổ dân phố, nhất là các chi bộ có biểu hiện yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ, không thực hiện đúng Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương về nội dung sinh hoạt chi bộ, để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Qua đó từng bước  nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, xây dựng thôn, làng, tổ dân phố, các tổ chức trong hệ thống chính trị vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao.

Theo Báo Gia Lai