Độc đáo đội chiêng nữ

13/01/2014 07:20 AM


Không phô diễn “đường” chiêng mạnh bạo, khỏe khoắn thường thấy ở những tay chiêng đàn ông, cách đánh mềm mại, cùng những cái lắc hông gợi tình của các nữ nghệ nhân làng Leng (xã Tơ Tung, huyện Kbang) như hút hồn người khác.

Không phô diễn “đường” chiêng mạnh bạo, khỏe khoắn thường thấy ở những tay chiêng đàn ông, cách đánh mềm mại, cùng những cái lắc hông gợi tình của các nữ nghệ nhân làng Leng (xã Tơ Tung, huyện Kbang) như hút hồn người khác.

Làng Leng nằm lọt thỏm giữa cánh đồng mía trải rộng mênh mông không thấy điểm dừng. Mới tới đầu làng đã nghe tiếng chiêng khi xa khi gần theo từng cơn gió. Anh Đinh Bli-Bí thư chi bộ làng Leng, giải thích tiếng chiêng vừa rồi là những bài nhạc do đội chiêng của làng chơi trong các lễ hội. Thanh niên thu âm và phát trên loa phát thanh của làng để mọi người cùng nghe.

Bli tự hào: “Đội chiêng làng mình được mời trình diễn ở nhiều nơi, nhiều sự kiện như: Festival cồng chiêng quốc tế tại Gia Lai năm 2009, khai trương làng văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Hà Nội năm 2010, lễ khánh thành công trình “Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên” năm 2012… Riêng đội chiêng nữ mới thành lập năm 2011 nhưng đã chơi thuần thục không thua gì đàn ông”.
 

Ảnh: H.N
Ảnh: H.N

Dụng công với đội chiêng nữ

Nắng gần giữa trưa trải mênh mông trên từng nóc nhà nhưng vẫn không xua tan đi giá lạnh của vùng rừng núi. Từ khắp các ngả đường hướng về nhà rông, từng “sơn nữ” xuất hiện trong áo váy truyền thống sặc sỡ. Họ tự động vào vị trí. Người đánh trống, người cầm chiêng.  Đinh Jram đứng từ xa, nghiêng tai nghe một, hai nốt chiêng đầu tiên vang lên. Ông chạy lại phía người đánh nốt nhạc chiêng đầu tiên tỏ ý chưa hài lòng và hướng dẫn đánh lại. Những nốt chiêng nhanh chóng hòa điệu nhịp nhàng, khoan thai. “Đây là một bài nhạc chiêng mới, có nội dung nhớ Bác Hồ”-già Jram giải thích.

Là nghệ nhân chỉnh chiêng của làng, Đinh Jram còn là một trong 5 người hướng dẫn đội chiêng nữ tập luyện từ những ngày đầu thành lập. Chỉ cần trong đội có người đánh lạc một nhịp chiêng cũng không lọt khỏi đôi tai thính nhạy và trình độ thẩm âm bậc thầy của nghệ nhân già. Già Jram kể: “Có người mình chỉ đi chỉ lại mà đánh vẫn trật, có người chỉ tới đâu đánh trúng tới đó, đánh hay nữa. Có đứa đang tập còn tự ái bỏ về, phải động viên mãi mới ra tập lại”.

Anh Đinh Blech-một trong những người hướng dẫn đội chiêng, kể thêm: “Tập được một bài nhạc chiêng mất cả tuần, có khi 10 ngày. Người dạy và người chơi đều phải kiên nhẫn. Nhiều lần cũng nặng nhẹ với nhau rồi đấy, nhưng ai cũng yêu mến văn hóa truyền thống của ông bà, vậy là cùng cố gắng để luyện tập. Bây giờ không gìn giữ, mai sau lấy ai tập chiêng cho lũ trẻ trong làng”.
 

Ảnh: H.N
Ảnh: H.N

Những khó khăn ban đầu rồi cũng qua đi. Khi tập nhuyễn được bài nhạc chiêng đầu tiên, nhiều chị em trở nên mê chiêng hơn, siêng tập luyện hơn. Kiên trì hướng dẫn đội chiêng nữ tập luyện suốt 2 năm qua, đến nay, già Jram, anh Đinh Blech đã có cái để “khoe”. Già Jram nói: “Đội chiêng nữ chơi thuần thục được gần 10 bài nhạc chiêng rồi đấy. Từ những bài nhạc chiêng truyền thống để đánh trong bỏ mả, mừng lúa mới, ca ngợi tình yêu đôi lứa, nhớ Tây Nguyên, nhớ buôn làng… đến những bài nhạc chiêng mới như mừng Đảng-mừng xuân, ca ngợi người lính, nhớ Bác Hồ”.

Không nói suông, ông quay về phía đội chiêng nữ đang tập hợp trước nhà rông, ra hiệu chơi một bài mới. Đinh Blech chạy đi chạy lại để chỉnh  đội hình. Tiếng chiêng ban đầu còn dè dặt, rồi nhanh dần, rồi thúc giục. Đỉnh điểm của bài nhạc chiêng, đội hình nữ nghệ nhân quây thành hình tròn đẹp mắt, rồi dãn dần ra cùng với nhịp chiêng mỗi lúc chậm lại, tha thiết… Già Jram nói, đó là một bài nhạc ca ngợi tình yêu đôi lứa. Có đủ cung bậc cảm xúc khi yêu, khi giận hờn, khi thắm thiết bền chặt. Nghệ nhân già nhận xét: “Bây giờ thì chị em đã thành thục kỹ năng đánh chiêng rồi, nhiều người điêu luyện không thua đám đàn ông”.

Giữ hồn chiêng

Khác xa với sự mạnh bạo, khỏe khoắn của những tay chiêng đàn ông, cách cầm chiêng, cách gõ nhịp của những nữ nghệ nhân Bahnar vô cùng duyên dáng, uyển chuyển. Từng cánh tay tròn lẳn đưa lên, nhịp xuống, từng động tác lắc hông mê hoặc cánh đàn ông. Dù cầm chiếc chiêng cái to nhất trong dàn cồng chiêng, nặng gần chục ký để biểu diễn trong khoảng thời gian dài, đôi chân chị Đinh Thị Jrech vẫn không hề lạc nhịp so với cả đội.

Già Đinh Jram cho biết: Ngày xưa, phụ nữ Bahnar chơi chiêng rất phổ biến. Nhưng đến khi đánh Pháp, rồi đánh Mỹ, dân làng phải cất giấu cồng chiêng trong khoảng thời gian dài. Đến khi chiêng vang tiếng trở lại trong buôn làng thì không hiểu sao đây trở thành “địa hạt” riêng của đàn ông, phụ nữ tuyệt nhiên không ai đánh chiêng nữa. Việc thành lập đội chiêng nữ ở làng, theo ông, vừa khôi phục lại văn hóa truyền thống, vừa xuất phát từ nhu cầu thực tế: “Ở làng mỗi khi có đám chết, dân làng phải chia sẻ nỗi buồn với gia đình người chết bằng cách đánh chiêng từ lúc người chết nằm xuống đến khi đưa ra nhà mả, tiếng chiêng mới được dứt.
 

Ảnh: H.N
Ảnh: H.N

Trong lễ pơ thi cũng vậy, chiêng phải ngân vang suốt những ngày bỏ mả. Làng có đội cồng chiêng đàn ông rồi nhưng nhiều khi kham không nổi việc này, nhất là khi đã uống vài cang rượu. Vì thế, làng thành lập thêm đội chiêng nữ để gánh vác thêm. Nói vậy thôi, đám con gái thích đánh chiêng nên mới dễ dàng thành lập được cả đội vài chục đứa như bây giờ”.

Có lẽ, đội chiêng nữ làng Leng là số hiếm ở vùng rừng núi Đông Trường Sơn và chưa một lần “lộ diện” trong bất kỳ sự kiện văn hóa nào của tỉnh. Song sự xuất hiện của họ đã thêm vào văn hóa bản địa một phong vị riêng, hấp dẫn.

Theo Báo Gia Lai