Krông Pa: Bệnh sốt rét diễn biến phức tạp
08/01/2014 07:53 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Hàng ngàn người dân huyện Krông Pa bị mắc bệnh sốt rét trong năm qua. Hệ thống y tế từ Trung ương đến huyện, xã đã vào cuộc ráo riết nhưng diễn biến của bệnh sốt rét vẫn hết sức phức tạp…
Hàng ngàn người dân huyện Krông Pa bị mắc bệnh sốt rét trong năm qua. Hệ thống y tế từ Trung ương đến huyện, xã đã vào cuộc ráo riết nhưng diễn biến của bệnh sốt rét vẫn hết sức phức tạp… 2 hộ dân có 1 người sốt rét Buôn Du, xã Chư Rcăm trải dài theo quốc lộ 25, nằm bên trụ sở UBND xã. Như bao buôn đồng bào Jrai khác ở huyện nghèo Krông Pa, 236 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu nơi đây có thói quen đi rừng, ngủ rẫy. Nhất là những ngày cận Tết Nguyên đán, khi mùa thu hoạch mì đang rộ thì thời gian ngủ rẫy của bà con càng kéo dài hơn.
Dù đã được nhân viên y tế thôn thông báo từ trước, nhưng mờ sáng khi đoàn cán bộ của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương có mặt, khắp buôn Du vẫn vắng vẻ như thường. Trong làng chỉ còn lại một số ít trẻ con chưa đến tuổi đến trường và mấy người già. Làng vắng bóng người. “Hầu hết người lớn và trẻ em đã lên rẫy và ngủ lại đó từ mấy ngày trước rồi. Mùa nhổ mì đang rộ mà”- Trưởng thôn Hiao Phem phân trần. Cầm trên tay danh sách 115 bệnh nhân sốt rét của buôn Du trong năm 2013, Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Sơn Hà-Trưởng đoàn công tác của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng (SR-KST-CT) Trung ương băn khoăn: “Làng cứ 2 hộ dân có 1 người mắc sốt rét mà chúng tôi tìm suốt cả buổi sáng chỉ gặp được 5 bệnh nhân sốt rét cũ để lấy lam máu về xét nghiệm. Đi điều tra dịch tễ kiểu này thật không dễ dàng gì…”.
Vào tận nhà mà không gặp được bệnh nhân sốt rét, đoàn công tác đành chia ra 2 nhóm, một nhóm ở lại trong buôn chờ người trên rẫy về còn bác sĩ Hà phải đích thân dẫn một nhóm khác theo chân cán bộ y tế huyện lần mò lên rẫy để tìm bệnh nhân. Người Jrai buôn Du bao đời nay làm rẫy tại khu vực suối Ia Soãi, cách làng gần 30 cây số. Trời nắng như có ai đốt lửa sau lưng. Nhìn từ xa, giữa mênh mông rẫy mì chạy lút vào chân núi thấy lấp lóa từng đốm trắng mái tôn của chòi rẫy. Hai cha con nhà Rô Nil (37 tuổi) và Rơ ô Ních (5 tuổi) đang ngồi nghỉ trưa trong chòi rẫy lợp tôn thấp tè, thông thống gió. Da bủng xanh, môi thâm sì, Rô Nil lắp bắp trả lời câu hỏi của bác sĩ như người kiệt sức vì vừa kết thúc một đợt điều trị sốt rét hồi đầu tháng. “Cả hai cha con mình ngủ rẫy có mắc mùng để tránh muỗi cẩn thận vậy mà không hiểu sao vẫn bị sốt rét”. Ở ngọn đồi bên cạnh, chòi rẫy có 2 cha con nhà Hiao Rướp (26 tuổi) và Hiao Chép (8 tuổi) cũng vừa trải qua đợt điều trị sốt rét. “Cả nhà vừa vào rẫy được 5 ngày, nhổ gần được nửa rẫy mì thì mình thấy trong người ớn lạnh, chiều đến rùng mình rồi lên cơn sốt. Uống viên sủi hạ sốt mang theo mà không hề hấn gì. Mình đành phải bỏ rẫy để quay về Trạm Y tế xã xin thuốc uống. Các cán bộ y tế lấy mẫu máu xét nghiệm kết luận mình bị sốt rét. Đang nằm điều trị được 2 ngày thì vợ mình lại dìu thằng Hiao Chép về, nó cũng bị sốt rét luôn. Sau hơn chục ngày điều trị, thấy đỡ bệnh, gia đình mình lại phải kéo nhau vào rẫy thôi. Không thể để rẫy mì đang thu hoạch dở được”. Vùng rẫy mì của buôn Du trải dài hai bên suối Ia Soãi quanh năm có nước và cây cối rậm rạp. Xen kẽ giữa các đám rẫy là hồ nước đọng và bãi sình lầy cỏ mọc um tùm. Cán bộ y tế xã cho biết, mấy năm trước đoàn cán bộ của Trung tâm SR-KST-CT Gia Lai nhiều đợt vào đây tìm bắt muỗi đã phát hiện tỷ lệ muỗi chứa thoa trùng sốt rét (dạng như ổ trứng-P.V) khá cao. Tính riêng năm 2013, trong số 272 bệnh nhân sốt rét toàn xã Chư Rcăm thì buôn Du có 115 người. Còn tính riêng tháng 12 vừa rồi, buôn Du có 11/30 bệnh nhân sốt rét mới phát hiện phải điều trị ở cơ sở y tế. Hầu hết người bệnh đều trở về từ vùng rẫy suối Ia Soãi.
Loay hay tìm cách phòng-chống Sốt rét đang là vấn đề nóng bỏng của ngành Y tế huyện Krông Pa. Bác sĩ Siu Thanh-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết, trung bình mỗi ngày có 5-6 bệnh nhân sốt rét nhập viện điều trị. Theo quy luật, bệnh nhân sốt rét bắt đầu tăng từ tháng 8 đến tháng 1 năm sau và giảm từ tháng 2 đến tháng 7. Riêng năm 2013, toàn huyện có số bệnh nhân sốt rét tăng đột biến lên 2.072 ca, tăng 287 ca so với năm 2012. Ở 14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Krông Pa đều có bệnh nhân mắc sốt rét. Trong đó, xã Chư Rcăm có số bệnh nhân mắc sốt rét nhiều nhất (272 người). Đáng chú ý, so với năm 2012, một số xã có số bệnh nhân tăng đột biến như: xã Ia Rsươm tăng 134,3% (150 bệnh nhân), xã Chư Ngọc tăng 113,7% (109 bệnh nhân), xã Ia Rsai tăng 60% (109 bệnh nhân) và xã Phú Cần tăng 60% (140 bệnh nhân).
Bệnh nhân sốt rét tăng đột biến nguyên nhân chủ yếu là do người dân đi làm rẫy và ngủ ở rẫy dài ngày nên mang mầm bệnh từ rẫy về. Trước tình bệnh sốt rét gia tăng khá nóng bỏng, công tác phòng-chống sốt rét trên địa bàn huyện Krông Pa được đẩy mạnh. Vào đầu mùa mưa, Trung tâm Y tế huyện đã tiến hành phun hóa chất diệt muỗi tại 25 thôn thuộc các xã trọng điểm sốt rét gồm: Chư Drăng, Chư Rcăm, Đất Bằng, Ia Rsai, dân số được bảo vệ là 13.741 người (đạt tỷ lệ 98,7%); cấp 22.728 màn và tẩm màn bằng hóa chất tại 13/14 xã, thị trấn (trừ thị trấn Phú Túc), dân số được bảo vệ là 47.986 người (đạt tỷ lệ 84,4%). Trung tâm Y tế huyện tiến hành xét nghiệm 16.829 lam máu, phát hiện 1.815 trường hợp có ký sinh trùng sốt rét (tỷ lệ 9,27%). Công tác truyền thông phòng-chống sốt rét do Quỹ Sốt rét toàn cầu được triển khai ở 130 thôn mỗi tháng 1 lần để nâng cao ý thức cho người dân… Dù rằng gần đây trên địa bàn huyện chưa phát hiện bệnh nhân sốt rét ác tính và chưa có người chết vì sốt rét, tuy nhiên tình hình bệnh nhân sốt rét vẫn không ngừng gia tăng. Bác sĩ Đinh Viết Bửu-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: “Viện SR-KST-CT Trung ương đã vào cuộc cùng với Viện SR-KST-CT Quy Nhơn, Trung tâm SR-KST-CT Gia Lai phối hợp với Trung tâm Y tế huyện tổ chức nhiều đợt bắt muỗi, giám sát, điều tra dịch tễ tại nhà dân và vùng rẫy của đồng bào đang sản xuất trong rừng sâu. Đã có nhiều cuộc họp giữa các chuyên gia dịch tễ đầu ngành của cả nước nhưng vẫn chưa giúp đẩy lùi sự gia tăng bệnh nhân mắc sốt rét”. Trong một năm đã có hàng ngàn người mắc sốt rét, nhưng hiện vẫn chưa công bố dịch sốt rét vì trong cộng đồng không có véc tơ truyền bệnh. “Tất cả các đợt bắt muỗi tại nhà dân trong 3 năm gần đây không phát hiện muỗi Anopheles truyền bệnh sốt rét. Trong hàng ngàn bệnh nhân sốt rét năm 2013, chưa có trường hợp nào ở nhà mà mắc bệnh. Tất cả họ đều mang bệnh từ rẫy về”- bác sĩ Đinh Viết Bửu khẳng định.
Theo Báo Gia Lai
Chuyên mục Dân hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời
Tác phẩm đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B cuộc ...
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024