Tinh hoa của núi rừng

03/01/2014 07:00 AM


Ba Rân là tên gọi thân thuộc của người Bahnar về giống gạo đỏ có truyền thống lâu đời trên mảnh đất anh hùng Krong (huyện Kbang). Giống lúa gạo có màu đỏ thắm ấy trở thành “món quà bí ẩn” mà Yàng đã ban tặng cho đồng bào nơi đây từ bao đời.

Ba Rân là tên gọi thân thuộc của người Bahnar về giống gạo đỏ có truyền thống lâu đời trên mảnh đất anh hùng Krong (huyện Kbang). Giống lúa gạo có màu đỏ thắm ấy trở thành “món quà bí ẩn” mà Yàng đã ban tặng cho đồng bào nơi đây từ bao đời.

Sau ba giờ đồng hồ theo chân người làng Đak Chơ Câu (xã Krong) đi thu hoạch lúa, tôi được tận mắt chứng kiến và tìm hiểu về giống lúa lạ kỳ mỗi năm chỉ có một mùa ấy.

9 tháng “thai nghén”

Tinh mơ sáng, khi lũ gà trống choai vừa cất tiếng gáy, người dân làng Đak Chơ Câu đã thức dậy để cùng nhau lên rẫy. Đây là một vụ mùa “đặc biệt” bởi Ba Rân là giống lúa truyền thống của cha ông để lại mà họ đời đời gìn giữ, lưu truyền. Mỗi người mang theo một cái Jac (gùi nhỏ dùng để thu hoạch lúa) hồ hởi đi bộ vào tận vùng đất quanh bìa rừng-nơi những vạt lúa Ba Rân đang “ướp” lên một màu vàng óng. Giữa trùng điệp núi rừng, giữa ngăn ngắt những xanh tươi là sự chấm phá sắc nét của ngàn vạn hạt ngọc trời còn vương giọt sương đêm.
 

Anh Đinh Tai tỉ mẩn tuốt những bông lúa đã chín vào Jac (gùi nhỏ). Ảnh: T.D
Anh Đinh Tai tỉ mẩn tuốt những bông lúa đã chín vào Jac (gùi nhỏ). Ảnh: T.D

Truyền rằng, Ba Rân “ăn” đất của Krong cách mạng, “uống” nước nguồn của đại ngàn Tây Nguyên, nên mới có thể “thai nghén” 9 tháng ròng trong điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt của núi rừng. (Vụ mùa của Ba Rân từ tháng 3 tới tháng 11 trong năm). Ba Rân được Yàng Kpa (Thần Lúa) ưu ái ban cho đức tính kiên trì, chịu khó. Bởi vậy, dù hoàn toàn sinh trưởng và phát triển một cách hoang dại nhất thì nó vẫn kiêu hãnh vươn cao. Giống lúa Ba Rân thân cao, mảnh, có hạt gạo màu đỏ thẫm, tới mùa thu hoạch cây lúa đã cao gần ngang ngực người.

Đặc biệt, giống lúa này chỉ có thể sinh trưởng trên những vùng đất đỏ ven rừng hoặc tận trong rừng sâu. Với đồng bào Bahnar nơi đây, nguồn gốc về giống lúa Ba Rân như trở thành một huyền thoại đã ăn sâu trong tâm thức của bao lớp người. Theo con cháu lên tận rẫy trong ngày đầu thu hoạch lúa Ba Rân, già làng Đinh Văn Thuận (làng Đak Chơ Câu) khẽ nâng niu từng bông lúa, già kể: “Không thể nhớ loại “ngọc” quý này có tự bao giờ, chỉ biết rằng, dân làng mình giữ lại giống lúa này như thể giữ đất, giữ nước, giữ suối nguồn cách mạng”.

9 tháng sống cùng cây rừng, không có sự tác động từ con người, Ba Rân đã tự nảy mầm, tự thích nghi với điều kiện khắc nghiệt của đất trời. Thế nên, những hạt gạo cũng trở nên rắn rỏi, khác biệt với các loại gạo khác.
 

Ảnh: T.D
Ảnh: T.D

Ngọt thơm hạt gạo núi rừng

Trên vạt lúa đan xen cỏ rừng của nhà Đinh Tai, những bông lúa Ba Rân oằn xuống, ngả nghiêng dựa vào nhau rất vui mắt. Không chỉ hạt gạo mới có mùi thơm mà từ lá lúa cũng thoảng mùi hương. Sức quyến rũ của nó đối với những vị khách lần đầu tiên bắt gặp Ba Rân như tôi trở nên bị mê hoặc, rồi cứ ra sức mở rộng lồng ngực mà hít lấy, hít để. Tự hào kể về cây lúa “gia truyền” của dân làng mình, Đinh Tai phấn khởi: “Giống gạo đỏ này kỳ lạ lắm. Nó phụ thuộc vào nước trời và đất mẹ chứ không làm phiền tới bàn tay của dân làng. Từ khi gieo hạt giống xuống cái lỗ đất bé xíu, rồi chúng tự thi nhau nảy mầm, phát triển cho tới khi những “hạt ngọc” nằm vắt mình trên thân lúa, chúng đều phải tự thân vận động. Chúng cũng kiên cường như Krong của cha ông mình vậy”.

Tuy đây là giống lúa cho sản lượng thấp (mỗi sào chỉ cho 5-6 gùi lúa) và mỗi gia đình trồng nhiều nhất cũng chỉ 3-4 sào nhưng dân làng luôn trân trọng Ba Rân. Với họ, khi hạt lúa trên rẫy đã căng tròn, săn chắc và khi Yàng Kpa cũng cho phép lũ làng đem Ba Rân về nhà là lúc họ lên rẫy tỉ mẩn tuốt từng bông lúa vào Jac. Không dùng lưỡi hái để cắt ngang thân lúa, họ nhẹ nhàng dùng những ngón tay nâng niu và đón đỡ “hạt ngọc” vào chiếc gùi nhỏ đeo trước bụng. “Phải giữ cho thân lúa được thẳng thắn, nguyên vẹn thì mùa sau lúa sẽ tốt tươi vì nếu cắt sẽ làm Yàng Kpa đau đớn. Hơn nữa, lấy tay thu hoạch sẽ không làm hạt lúa bị vương vãi. Mình phải biết quý từng hạt Ba Rân”-già làng Đinh Danh (làng Cheng-xã Krong) cất cao giọng giải thích.
 

Ảnh: T.D
Ảnh: T.D

Sau khi đem Ba Rân về nhà, những lúc có dịp quan trọng, dân làng mới đưa nó ra giã để dùng. Hạt gạo mới vẫn còn sóng sánh nhựa và được bọc bởi hai lớp, gột bỏ lớp màng trắng đục bên ngoài, Ba Rân trở thành một màu đỏ thẫm. Trên mỗi bếp lửa ngút khói, màu đỏ ấy quyện bó vào nhau, dù nấu từ sáng thì chiều ăn vẫn vẹn nguyên độ ngọt bùi mà không khô, cứng và mùi thơm cứ thế lan tỏa đến tận cuối làng. Gạo đỏ là loại gạo phải nấu lâu hơn bình thường, vì vậy nên hạt cơm cũng trở nên khác biệt, phải nhai càng kỹ thì mới có thể cảm nhận hết cái vị ngọt của nó. Ngoài ra, rượu cần làm từ Ba Rân bao giờ cũng khiến đôi mắt của đàn bà, con gái Bahnar trở nên sâu thẳm, gợi tình hơn và bờ vai của lũ trai làng cũng vạm vỡ, hồng hào hơn hẳn.

Với Ba Rân-dân làng không dùng nó để trao đổi, mua bán mà chỉ đem biếu những vị khách ghé thăm mà họ quý mến, bởi Ba Rân quý như linh hồn của cha ông, của mạch ngầm đất mẹ Krong.

Theo Báo Gia Lai