Nỗ lực thực hiện chính sách tiền tệ

06/01/2014 07:00 AM


Thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, hệ thống các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, hệ thống các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Với việc thành lập thêm 2 chi nhánh mới (Liên việt port bank và Đông Á trong năm 2013), trên địa bàn tỉnh hiện có 25 tổ chức tín dụng, bao gồm: 6 chi nhánh Ngân hàng Thương mại (NHTM) nhà nước, 11 đơn vị NHTM cổ phần, 1 chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội, 1 chi nhánh NH Phát triển, 6 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, với 107 địa điểm giao dịch (TP. Pleiku 49; các huyện, thị xã 58). Mạng lưới này về cơ bản đã làm tốt công tác huy động và chuyển tải vốn tín dụng đến các đối tượng có nhu cầu vay vốn trên địa bàn, đồng thời đáp ứng đầy đủ các nhu cầu về thanh toán, các dịch vụ tiện ích ngân hàng cho các tổ chức kinh tế và các tầng lớp nhân dân.
 

Ảnh: T.S
Ảnh: T.S

Để đáp ứng nhu cầu vốn cho các thành phần kinh tế, đến cuối năm 2013, các NHTM đã huy động 19.450 tỷ đồng, tăng 20% so cuối năm 2012 và đạt 100% kế hoạch. Trong đó, tiền gửi bằng đồng Việt Nam chiếm 97,8% tổng nguồn vốn huy động, tăng 10,3% so với cuối năm 2012. Điểm đáng chú ý là phân loại tiền gửi tiết kiệm của dân cư chiếm 76,3%, tăng 26,8% so với cuối năm 2012. Điều này cho thấy tâm lý gửi tiền vào ngân hàng để hưởng lãi suất vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn hơn các kênh bất động sản, chứng khoán, vàng hay đô la.

Cùng thời điểm, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh đạt 35.000 tỷ đồng, tăng 19% so cuối năm 2012 và đạt 101,7% kế hoạch. Tỷ lệ nợ xấu chiếm 0,9% tổng dư nợ, tăng 33,8% so cuối năm 2012. Trong công tác tín dụng, cho vay bằng VND chiếm 95,2% tổng dư nợ và dư nợ cho vay ngắn hạn chiếm 65,2% tổng dư nợ. Lựa chọn VND và ngắn hạn của các khách hàng phản ánh đồng Việt Nam khá ổn định, lạm phát được kéo giảm hiệu quả, lãi suất ngắn hạn thấp nhiều so với trước đây, việc thu hồi vốn nằm trong khả năng khách hàng có thể đảm bảo.

Điểm đáng chú ý trong năm qua là ngành ngân hàng tiếp tục có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động. NHNN Chi nhánh tỉnh đã duy trì sinh hoạt các ngân hàng trên địa bàn hàng tháng để triển khai các văn bản chỉ đạo của NHNN Việt Nam, UBND tỉnh; kịp thời nắm bắt tình hình, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng; qua đó tổng hợp phản ánh tình hình cho NHNN Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh theo dõi chỉ đạo; thường xuyên phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh để nắm bắt tình hình và tích cực triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất-kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ sản xuất trên địa bàn theo chủ trương của Chính phủ và NHNN Việt Nam.
 

Toàn tỉnh có 1.237 doanh nghiệp nhỏ và vừa được cấp tín dụng, tăng 17 doanh nghiệp so với cuối năm 2012, với dư nợ vay là 4.558 tỷ đồng, tăng 4,2% so với cuối năm 2012, chiếm 13,5% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh.

Từ đó, các chi nhánh NHTM trên địa bàn tỉnh đã cấp tín dụng cho 1.784 doanh nghiệp (chiếm 69% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh), với dư nợ vay là 15.088 tỷ đồng, chiếm 44,8% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, các chi nhánh NHTM cũng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 113 doanh nghiệp, với dư nợ 2.172 tỷ đồng, nhờ đó các doanh nghiệp có điều kiện tái cấu trúc về tài chính, vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, các NHTM đã điều chỉnh giảm lãi suất các khoản cho vay cũ về mức tối đa 15%/năm cho 52.131 khách hàng (trong đó có 1.115 doanh nghiệp), với dư nợ được điều chỉnh là 15.731 tỷ đồng, chiếm 99% tổng dư nợ lãi suất trên 15%. Riêng dư nợ được điều chỉnh của các doanh nghiệp là 8.667 tỷ đồng, chiếm 99,9% tổng dư nợ lãi suất trên 15% của các doanh nghiệp).

Điều chỉnh giảm lãi suất cho vay phù hợp mức giảm lạm phát, đặc biệt là đối với 5 lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên gồm: nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; công nghệ cao, tính đến nay, lãi suất cho vay ngắn hạn còn 9%/năm, giảm 3% so với đầu năm. Cho vay mới đối với các nhóm lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên của các NHTM đã thực hiện với 15.241 khách hàng (trong đó có 388 doanh nghiệp), dư nợ 3.926 tỷ đồng, chiếm 11,7% tổng dư nợ trên địa bàn tỉnh. Các NHTM cũng đã cho vay 28 gói sản phẩm lãi suất ưu đãi (lãi suất từ 7% đến 9%/năm) cho 1.377 khách hàng, trong đó có 182 doanh nghiệp, với doanh số cho vay là 1.890 tỷ đồng (trong đó doanh nghiệp là 1.590 tỷ đồng).

Cùng với các NHTM, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã tập trung phục vụ tốt cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách theo chỉ đạo của Ban Đại diện Hội đồng Quản trị. Đến cuối tháng 10-2013, dư nợ đạt 2.547 tỷ đồng, tăng 10,7% so cùng kỳ năm 2012 và tăng 4,8% so đầu năm, tập trung chủ yếu ở các chương trình: cho vay hộ nghèo 1.021 tỷ đồng; cho vay học sinh, sinh viên 579 tỷ đồng; cho vay hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn 519 tỷ đồng; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường 147 tỷ đồng; cho vay hộ nghèo xây dựng nhà ở 80 tỷ đồng; cho vay hộ cận nghèo 79 tỷ đồng...

Trên cơ sở mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, năm 2014, ngành NH phấn đấu nguồn vốn huy động đạt 22.750 tỷ đồng, tăng 17% so cuối năm 2013; dư nợ cho vay đạt 40.250 tỷ đồng, tăng 15% so cuối năm 2013; kiểm soát và duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 2% tổng dư nợ. “Yêu cầu thực tế bao giờ cũng cao hơn mức phấn đấu, do vậy ngay từ đầu năm mới, ngành NH tỉnh đã nhanh chóng triển khai các giải pháp đồng bộ, sâu sát, phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch, góp phần quan trọng vào sự phát triển của tỉnh”-ông Nguyễn Văn Cư-Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh-xác nhận.

Theo Báo Gia Lai