Chăm lo cuộc sống người nghèo

31/12/2013 07:18 AM


Tuy còn nhiều khó khăn nhưng mỗi dịp Tết đến, Xuân về, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm lại hướng về người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em mồ côi, người già neo đơn không nơi nương tựa... Dù là chút ít vật chất hay bằng những việc làm cụ thể cũng giúp cho người nghèo vơi bớt đi những khó khăn để có một cuộc sống đủ đầy hơn.

Tuy còn nhiều khó khăn nhưng mỗi dịp Tết đến, Xuân về, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm lại hướng về người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em mồ côi, người già neo đơn không nơi nương tựa... Dù là chút ít vật chất hay bằng những việc làm cụ thể cũng giúp cho người nghèo vơi bớt đi những khó khăn để có một cuộc sống đủ đầy hơn.

Hỗ trợ của Nhà nước

Nhìn lại một năm, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội là đơn vị điển hình tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo, tổ chức triển khai chương trình xóa đói giảm nghèo, được các ngành, đoàn thể quan tâm thực hiện. Các địa phương đã tích cực hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách thuộc diện nghèo như: chính sách tín dụng, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, định canh, định cư, hướng dẫn người nghèo cách làm ăn và khuyến nông-lâm-ngư nghiệp; hỗ trợ người nghèo về y tế, giáo dục, sản xuất, phát triển ngành nghề, nhà ở…
 

Bà Mlõ (đứng giữa) cùng cán bộ Ngân hàng, và đại diện chính quyền địa phương bên căn nhà tình nghĩa. Ảnh: Đ.Y
Bà Mlõ (đứng giữa) cùng cán bộ Ngân hàng, và đại diện chính quyền địa phương bên căn nhà tình nghĩa. Ảnh: Đ.Y

Năm 2013, Chương trình giảm nghèo của tỉnh đã huy động hàng ngàn tỷ đồng từ các chương trình, dự án, giúp cho hộ nghèo vay vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở cho hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cựu chiến binh… còn khó khăn về nhà ở. Cấp phát thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho các đối tượng, hỗ trợ học sinh được miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập... Đặc biệt, để công tác giảm nghèo đi vào nền nếp, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ hộ nghèo như: phê duyệt đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012- 2015 và đến năm 2020; nghị quyết về chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm; nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo, thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng khó khăn…

Đối với chính sách bảo trợ xã hội, trong năm qua, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã tham mưu giải quyết trợ cấp xã hội tại cộng đồng cho 23.029 lượt đối tượng, với kinh phí hơn chục tỷ đồng; nuôi dưỡng chăm sóc tập trung 392 đối tượng, trong đó tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh là 143 đối tượng. Chính sách hỗ trợ bền vững theo Đề án 30a tại 4 huyện: Krông Pa, Ia Pa, Kông Chro và Kbang. Các Chương trình 135, 167, 168, Quyết định 33 về định canh định cư... cũng hỗ trợ hàng ngàn tỷ đồng giúp người nghèo, người dân tộc thiểu số cách làm ăn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, làm nhà ở, đất sản xuất, hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng… Từ đó, giúp người nghèo thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Huy động nguồn lực xã hội

Chưa bao giờ bà Mlõ, làng Ia Lang (phường Chi Lăng-TP. Pleiku) lại vui như hôm nay. Bà thức cả đêm để lau chùi căn nhà vừa được Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT-Chi nhánh Trà Bà hỗ trợ 35 triệu đồng, chính quyền địa phương ủng hộ thêm 5 triệu đồng…

Căn nhà rộng 32 m2, được xây trong vòng một tháng: từ ngày 15-11 đến 15-12-2013. Thế là sau bao  năm sống trong căn nhà tạm bợ, Tết này bà Mlõ có một mái ấm thực sự. Bà Mlõ xúc động: Vì tuổi già, chồng mình mất khi 5 người con còn quá nhỏ. Một mình tần tảo sớm khuya để chăm chút từng bữa ăn cho đàn con cũng đã đuối sức. Nuôi các con lớn lên, mỗi người có cuộc sống gia đình riêng nhưng chúng cũng nghèo không giúp mình làm được nhà. Giờ có Ngân hàng, chính quyền địa phương quan tâm, Tết này là Tết vui nhất của mình.

Còn đối với chị Hoàng Thị Vinh, sinh năm 1983 (thôn 4, xã Diên Phú, TP. Pleiku) bị túng quẫn, nghèo khổ chỉ vì chị mắc căn bệnh tiểu đường. Không còn sức lao động, nên cái nghèo cứ bám riết vào đời chị. Thấy hoàn cảnh gia đình chị, UBND xã Diên Phú đã kêu gọi Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT-Chi nhánh Diên Hồng Gia Lai hỗ trợ 35 triệu đồng, cùng với chính quyền địa phương, bà con trong gia đình giúp đỡ thêm nên căn nhà được xây dựng khá khang trang, với tổng trị giá trên 70 triệu đồng. Chị Hoàng Thị Vinh rưng rưng: Bây giờ mỗi khi mưa, nắng không còn lo gió lùa thông thống nữa. Tết này gia đình mình sẽ đón một cái Tết ấm áp, đầy đủ hơn.   

Không chỉ đối với người nghèo, với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tỉnh ta đã huy động tổng hợp các nguồn lực để chăm sóc, giúp đỡ thương- bệnh binh, gia đình liệt sĩ, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc người có công, với tổng số quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” năm 2013 vận động được trên 2,4 tỷ đồng. Từ số tiền này cùng với sự quan tâm của cộng đồng xã hội, năm 2013 toàn tỉnh xây mới được 83 ngôi nhà tình nghĩa, với tổng số tiền trên 3,6 tỷ đồng; tặng 152 sổ tiết kiệm, với số tiền 600 triệu đồng cho những đối tượng người có công với cách mạng còn khó khăn.

Còn với các cháu đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Phục hồi Chức năng Bán trú nạn nhân chất độc da cam/dioxin (14 Yết Kiêu, TP. Pleiku) thì vui như Tết vì ở đây vừa khánh thành nhà học tập đa năng, với trị giá 1 tỷ đồng do Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam-Chi nhánh Gia Lai tài trợ.

Em Trần Thu Hà đại diện cho 36 em đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm, cho biết: Hoàn cảnh của chúng cháu mỗi bạn mỗi khác nhưng chúng cháu có chung một nỗi đau là bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Người thì bị khuyết tật, người bị thiểu năng trí tuệ phải sống nhờ vào cộng đồng. Hôm nay, chúng cháu vui lắm, được các bác, các cô, các chú quan tâm xây tặng chúng cháu phòng học tập mới rất to và đẹp. Chúng cháu sẽ cố gắng rèn luyện để trở thành người có ích cho xã hội.

Theo Báo Gia Lai