Kông Chro: Hướng đến nền nông nghiệp bền vững

09/12/2013 01:39 PM


Kông Chro là một huyện nghèo của tỉnh, đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các cây trồng ngắn ngày như: lúa, mía, bắp, mì, rau màu… Trong khi đó, trình độ canh tác cũng như việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất của người dân trên địa bàn chưa cao, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Kông Chro là một huyện nghèo của tỉnh, đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các cây trồng ngắn ngày như: lúa, mía, bắp, mì, rau màu… Trong khi đó, trình độ canh tác cũng như việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất của người dân trên địa bàn chưa cao, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, người dân vẫn chưa tiếp cận được với các loại giống mới, quen sử dụng giống địa phương, ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Vì vậy, chuyển dịch cơ cấu giống, cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất là giải pháp căn cơ được huyện ưu tiên thực hiện hàng đầu trong thời gian qua.
 

Ảnh: Quang Tấn
Ảnh: Quang Tấn

Trước đây, nông dân thường sử dụng giống lúa địa phương có thời gian sinh trưởng kéo dài khoảng 6 tháng nhưng năng suất chỉ đạt 1-2 tấn/ha. Trước thực tế đó, Trạm Khuyến nông huyện chú trọng đến việc đưa các loại giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao vào thay thế giống lúa địa phương. Theo đó, Trạm đã thực hiện nhiều mô hình trình diễn giống lúa mới, thời gian sinh trưởng ngắn (khoảng 3 tháng), năng suất cao (khoảng 6-7 tấn/ha) như giống DV 108, Thơm 1, Hương Cốm…

Đặc biệt, trong năm 2013, Trạm Khuyến nông huyện đã triển khai thực hiện mô hình trình diễn lúa nước giống DV 108 tại xã Yang Nam với 20 hộ tham gia, quy mô 8 ha. Mô hình được đánh giá khá cao, giống lúa DV 108 có thời gian sinh trưởng khoảng hơn 3 tháng, năng suất đạt trên 6 tấn/ha, phạm vi thích ứng rộng, kháng được bệnh rầy rệp, bệnh đạo ôn… Ông Đinh Ghê, làng Tpôn 2, xã Yang Nam phấn khởi cho biết: “Năng suất lúa cao lắm, gấp mấy lần giống lúa mình trồng những năm trước, thời gian thu hoạch lại nhanh nên không sợ bị khô hạn”.

 

Tổng diện tích cây trồng của huyện năm 2013 là trên 35.600 ha, tăng 532 ha so với năm 2012; sản lượng lương thực cây có hạt đạt trên 71.532 tấn, tăng hơn 2.764 tấn so với năm trước; sản lượng cây công nghiệp ngắn ngày đạt gần 242 ngàn tấn, tăng hơn 13 ngàn tấn so với năm 2012...

Kông Chro có diện tích đất trồng mía khá lớn, nhưng do kỹ thuật canh tác còn lạc hậu nên năng suất, hiệu quả đem lại chưa tương xứng. Do đó, trong 2 năm (2012 và 2013), Trạm Khuyến nông huyện đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai thực hiện mô hình cơ giới hóa trong làm mía từ khâu làm đất và bốc xếp mía tại các xã Kông Yang, An Trung, Yang Trung. Theo đó, Trung tâm đã tập huấn chuyển giao công nghệ và hỗ trợ cho người dân 30 máy làm đất, 12 máy bốc xếp mía với tổng kinh phí trên 650 triệu đồng (trong đó người dân đóng góp 25%). Cùng với đó, việc thay đổi giống mía mới cho năng suất cao, trữ lượng đường lớn như giống mía K95156, LK9211, K9584… để thay cho giống mía cũ luôn được huyện đặc biệt quan tâm. Đến nay đã có trên 70% diện tích mía trên địa bàn huyện đã được thay thế bằng giống mía mới.

Trong năm 2013, từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp, huyện đã triển khai mô hình cấp bò đực giống tại 4 xã với 18 con bò đực giống (trong đó Đak Song 6 con, Ya Ma 4 con, Sơ Ró 4 con, Đak Pling 4 con), tổng kinh phí 450 triệu đồng. Cùng với đó là các mô hình trồng cỏ thâm canh được triển khai tại các xã đã từng bước góp phần vào việc phát triển đàn bò của địa phương tăng về số lượng và nâng cao chất lượng.

Những biện pháp được triển khai thực hiện trong thời gian qua bước đầu đem lại những kết quả rất khả quan, diện tích, năng suất các loại cây trồng tăng dần qua các năm, dần hình thành nhiều vùng nông sản hàng hóa giá trị cao, góp phần tăng thu ngân sách, giảm tỷ lệ nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo Báo Gia Lai