Lồng ghép vốn các chương trình đầu tư để xây dựng nông thôn mới

18/04/2013 07:08 AM


Ngay từ bước đầu triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2011-2015), huyện Chư Pah đã xác định đây là một chương trình quan trọng mang tính chiến lược lâu dài của Đảng, Nhà nước với những mục tiêu hướng đến phát triển toàn diện kinh tế-xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đảm bảo trật tự-an ninh trên địa bàn nông thôn.

Ngay từ bước đầu triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2011-2015), huyện Chư Pah đã xác định đây là một chương trình quan trọng mang tính chiến lược lâu dài của Đảng, Nhà nước với những mục tiêu hướng đến phát triển toàn diện kinh tế-xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đảm bảo trật tự-an ninh trên địa bàn nông thôn.

Sau khi thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (NTM) cấp huyện và các Ban chỉ đạo, Ban quản lý, Ban giám sát, Ban phát triển thôn-làng tại 14/14 xã; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, hướng dẫn thực hiện 19 tiêu chí NTM theo Bộ tiêu chí quốc gia, Chư Pah đã tiến hành các bước tuyên truyền, vận động, đào tạo tập huấn về nội dung chương trình...
 

Một ngôi nhà rông “hiện đại” đang được xây dựng tại làng Kép, xã Ia Ka, huyện Chư Pah.
Một ngôi nhà rông “hiện đại” đang được xây dựng tại làng Kép, xã Ia Ka, huyện Chư Pah.

Tính đến cuối năm 2012, 14/14 xã hoàn thành công tác lập đồ án quy hoạch và đề án xây dựng NTM, trong đó đã thể hiện 2 nội dung cơ bản: quy hoạch chung và quy hoạch trung tâm xã. Qua công tác khảo sát, huyện Chư Pah chỉ đạt 1/19 tiêu chí (tiêu chí số 1: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch), riêng các xã đã đạt một số kết quả như: Nghĩa Hưng 8/19, Ia Ly, Ia Nhin 6/19, Chư Jôr, Ia Mơ Nông 5/19, Ia Ka 4/19, Ia Kreng, Nghĩa Hòa 3/19, Ia Phí, Hà Tây, Đak Tơ Ve, Ia Khươl, Hòa Phú, Chư Đăng Ya 2/19 tiêu chí đạt chuẩn NTM. Xét về tổng quan, hầu hết các xã đều đạt tiêu chí cơ bản như quy hoạch, an ninh trật tự, hệ thống tổ chức chính trị; riêng tiêu chí điện, y tế, văn hóa, trường học, thủy lợi, thu nhập có sự phát triển không đồng đều giữa các xã.

Do đó, trong quá trình triển khai thực hiện, Chư Pah đã định hướng cho các xã lựa chọn các tiêu chí phù hợp với điều kiện của mình để ưu tiên thực hiện, đơn cử như xây dựng đường giao thông nông thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng, hỗ trợ phát triển sản xuất-xóa đói giảm nghèo...

Cũng như các địa bàn khác, nguồn vốn trực tiếp đầu tư cho chương trình xây dựng NTM về Chư Pah khá chậm và ít. Huyện đã phân vốn triển khai quy hoạch cho 14 xã với tổng kinh phí 1,4 tỷ đồng (100 triệu đồng/xã); vốn phát triển sản xuất cho 2 xã điểm Ia Mơ Nông và Ia Khươl là 1,1 tỷ đồng (550 triệu đồng/xã).

Từ nguồn vốn này, trong năm qua, 2 xã điểm đã triển khai thành công mô hình nuôi bò cái giống địa phương cho 40 hộ dân; đồng thời sẽ tiếp tục triển khai mô hình nuôi bò, trồng cao su, tiêu, cà phê trong năm nay. Bên cạnh nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ chương trình là 4,857 tỷ đồng, Chư Pah đã khá thành công khi huy động nguồn lực đóng góp từ nhân dân gần 830 triệu đồng để xây dựng các công trình dân sinh, phục vụ cộng đồng. Đơn cử như làm 1 km đường giao thông nông thôn tại xã Ia Mơ Nông; xây dựng nhà rông làng Tơ Ve, hội trường thôn Tân Lập, làm đường giao thông tại làng Kách (xã Ia Khươl)...

Với đặc thù của một huyện nhỏ, nguồn thu ngân sách nhà nước hàng năm chưa đến 30 tỷ đồng nên Chư Pah xác định, việc lồng ghép vốn các chương trình đầu tư của Nhà nước với NTM là cần thiết và mang lại hiệu quả tích cực trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Do vậy, từ nguồn vốn các chương trình, dự án khuyến nông quốc gia, khuyến nông tỉnh, vốn ngân sách huyện lên tới 3,2 tỷ đồng, huyện đã triển khai hơn 19 mô hình, dự án, đào tạo tập huấn phát triển sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; lồng ghép vốn các chương trình 135, chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, giảm nghèo bền vững... với tổng kinh phí hơn 80 tỷ đồng để triển khai đầu tư giao thông, thủy lợi, trường học, chợ.

Cũng trong 2 năm qua, phát huy nội lực của các doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn trong phong trào xây dựng NTM, huyện đã huy động Công ty Cao su Chư Pah đóng góp xây dựng các công trình giao thông nông thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng ở các xã Hà Tây, Ia Nhin, Đak Tơ Ve, Ia Ka; hỗ trợ cải tạo vườn tạp cho dân ở một số xã với kinh phí lên tới 14,7 tỷ đồng. Riêng tại xã Ia Ka, một hộ dân đã tự nguyện đầu tư 800 triệu đồng để xây dựng đập tràn thủy lợi qua suối Ia Ai, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại qua khu vực sản xuất tập trung.

Đánh giá về hiệu quả ban đầu của chương trình trong thời gian qua, ông Trần Như Thảo-Chủ tịch UBND huyện Chư Pah cho rằng: tiềm lực của Chư Pah không mạnh nhưng kỳ vọng vào chương trình rất lớn, do vậy huyện đã tập trung làm tốt công tác huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng NTM.

Theo Báo Gia Lai