Dự án “Trường học mới Việt Nam”: Hiện đại, đầy sáng tạo

17/04/2013 06:58 AM


“Một mô hình mới, hay, trong đó học sinh là đối tượng hưởng lợi nhiều nhất, nhờ vậy các em trưởng thành nhanh và tự tin hơn”-đó là ý kiến của thầy Võ Hồng Sanh-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Mây (xã Ia Dêr, Ia Grai) và của hầu hết các trường tham gia dự án “Trường học mới Việt Nam”, một mô hình giáo dục vừa được triển khai từ đầu năm học 2012-2013.

“Một mô hình mới, hay, trong đó học sinh là đối tượng hưởng lợi nhiều nhất, nhờ vậy các em trưởng thành nhanh và tự tin hơn”-đó là ý kiến của thầy Võ Hồng Sanh-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Mây (xã Ia Dêr, Ia Grai) và của hầu hết các trường tham gia dự án “Trường học mới Việt Nam”, một mô hình giáo dục vừa được triển khai từ đầu năm học 2012-2013.

“Em muốn lớp mình lúc nào cũng vui”, “Sau này em muốn làm chú bộ đội”… Đó là những mong ước của học sinh lớp 2A1-Trường Tiểu học Ngô Mây được ghi trên “Cây mong muốn” treo trong phòng học chung của lớp. 4 bên lớp học tràn ngập sự tươi vui với góc thiên nhiên trưng bày các loại cây hoa cảnh, góc “Sản phẩm của em” tập hợp những sản phẩm thủ công của học sinh, góc “Em chuyên cần” ghi nhận sự chuyên cần của từng thành viên, góc địa phương với mô hình nhà rông, liềm, nỏ, đàn T’rưng, rổ rá, nơm, gùi, thổ cẩm… Ngoài ra, lớp nào cũng có sơ đồ cộng đồng với trường học và nhà của từng bạn trong lớp, giúp các em có hình dung tổng quan về môi trường sống xung quanh cùng những mối quan hệ thân thiết đầu đời. Đó là những thay đổi về mặt hình thức của những lớp học tham gia dự án “Trường học mới Việt Nam” (VNEN). Dựa vào hướng dẫn chung của dự án, mỗi trường có những sáng tạo khác nhau trong cách trang trí lớp, đem lại một không gian học tập thật sống động và thú vị.
 

giờ học của học sinh lớp tham gia dự án VNEN tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đak Pơ). Ảnh: Phương Duyên
Giờ học của học sinh lớp tham gia dự án VNEN tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đak Pơ). Ảnh: Phương Duyên

Thay đổi mạnh mẽ phương pháp dạy và học

Tuy nhiên, thay đổi lớn nhất mà dự án tạo ra chính là một phương pháp dạy và học hoàn toàn mới. Đến thăm các lớp VNEN, không ít người ngỡ ngàng với một cách học rất lạ: Học sinh không ngồi theo từng dãy bàn ghế như một lớp học truyền thống mà chia theo từng nhóm. Lớp không học theo chương trình sách giáo khoa thông thường mà có tài liệu học tập “3 trong 1” dành cho cả giáo viên, học sinh và phụ huynh, với tài liệu này học sinh có thể rèn thói quen tự học, tự đánh giá, tự quản lý thời gian, tự thực hành và ứng dụng. Trong giờ học, giáo viên không giảng bài một chiều mà làm nhiệm vụ hướng dẫn, nhóm trưởng mỗi nhóm sẽ có nhiệm vụ triển khai nội dung học tập và tổ chức thảo luận nhóm. Mỗi nhóm đều có 1 biểu tượng mặt cười và mặt méo, nhóm nào làm xong bài trước thì giơ mặt cười, nếu gặp bài khó không làm được thì giơ mặt méo lên để cầu cứu sự trợ giúp của giáo viên và các nhóm khác. Một bảng đo tiến độ thường xuyên sẽ được dùng để đo sự tiến bộ của mỗi nhóm qua từng ngày và tạo ra sự thi đua giữa các nhóm. Có một điều khá thú vị là phụ huynh có thể đến… dự giờ với lớp bất cứ lúc nào. Tất cả những thay đổi này được đánh giá là giúp tăng tính tương tác giữa giáo viên-học sinh, học sinh-học sinh, nhà trường-gia đình.

Cô Đinh Thị Thanh Nhàn-giáo viên lớp 2A1 trường Tiểu học Ngô Mây, nơi có 100% học sinh dân tộc thiểu số, cho biết: “Lớp học đầy đủ và đẹp hơn. Trước kia cô nói trò nghe nhưng nay học sinh có thể hỏi nhau, trao đổi bài ngay trong giờ học. Đổi lại, giáo viên cũng vất vả hơn, trước đây giáo viên chỉ giảng bài chung cho cả lớp nhưng nay nếu cả 3 nhóm không hiểu thì phải giảng đến 3 lần cho từng nhóm. Nhưng theo tôi đây là môi trường giáo dục cần hướng tới”. Trò chuyện cùng học sinh, có thể nhận thấy những biến chuyển khá lớn ở những học sinh dân tộc thiểu số vốn nhút nhát, rụt rè: Các em có thể mạnh dạn giới thiệu về bản thân và gia đình trước mặt người mới gặp, có thể chỉ được nhà của mình và các bạn trong lớp theo sơ đồ cộng đồng; quan trọng hơn là đã làm quen được với kỹ năng hoạt động nhóm. Ở góc “Điều em muốn nói”, có em đã viết giấy góp ý không thích cách dạy của cô vì cô dạy nhanh quá.

Nếu như học sinh vùng dân tộc thiểu số vẫn gặp những khó khăn khi học tập với ngôn ngữ thứ 2, đặc biệt là ở một chương trình mở và khá mới mẻ như VNEN, thì học sinh các trường còn lại tiếp cận khá nhanh. Thầy Lê Thanh Hoa-Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (TP. Pleiku), cho hay, do không vướng những khó khăn về ngôn ngữ nên chỉ cần khoảng 2 tháng là các em hòa nhập được với môi trường giáo dục mới, làm quen được với phương pháp học. “Đa số các em tự tin khi được trao đổi cùng bạn bè trong giờ học, học tập hứng thú hơn”-thầy Hoa nói. Tại Trường Tiểu học Ngô Quyền, xã Tân An, huyện Đak Pơ, nơi có chưa đến 0,2% học sinh dân tộc thiểu số, chương trình học mới cũng được học sinh tiếp cận khá nhanh. Cô Trần Thị Phụng-giáo viên chủ nhiệm lớp 3A2, vui vẻ chia sẻ: “Lúc đầu học sinh cũng gặp chút khó khăn nhưng sau một thời gian thì hoạt động rất nhanh nhẹn, cách tự học của từng nhóm cũng linh hoạt. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ cô giao, các nhóm có thể chia sẻ, hỗ trợ những nhóm chưa làm được bài, điều này khiến các em rất hứng thú”. Chị Võ Thị Hồng Nhung-một phụ huynh của trường, cũng rất phấn khởi khi nói về hiệu quả của cách dạy và học mới: “Tính cách cháu khác hẳn, nhanh nhẹn hoạt bát, rất tự giác trong học tập, không chờ nhắc nhở, kể cả trong việc giúp mẹ làm việc nhà. Về phần hoạt động ứng dụng trong tài liệu học tập tôi thấy cũng rất hay. Ví dụ khi học đến phần 4 chữ số, cháu về nhà hỏi năm sinh ông bà, cha mẹ, điều này tạo cơ hội gần gũi giữa cháu với gia đình”.
 

Tự học theo nhóm đã trở thành kỹ năng quen thuộc của học sinh các lớp tham gia dự án VNEN tại Trường Tiểu học Ngô Mây (Ia Grai). Ảnh: Phương Duyên
Tự học theo nhóm đã trở thành kỹ năng quen thuộc của học sinh các lớp tham gia dự án VNEN tại Trường Tiểu học Ngô Mây (Ia Grai). Ảnh: Phương Duyên

Còn nhiều khó khăn

Qua thực tế, tính hiệu quả của một mô hình giáo dục mới đã dần được khẳng định. Tuy nhiên, hiện các trường này cũng đang gặp khá nhiều khó khăn, cụ thể là cơ sở vật chất và kinh phí. Thầy Võ Hồng Sanh-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Mây-cho biết, trường có 8 lớp theo dự án với 199 học sinh. “Theo tinh thần dự án, nghe nói có hỗ trợ tiền trang trí và ăn trưa cho học sinh nhưng đến nay chưa thấy có kinh phí”-thầy Sanh nói. Vì thế, để đảm bảo việc triển khai dự án, Ban Giám hiệu phải nhờ đến sự đóng góp của cộng đồng và giáo viên cùng một phần kinh phí nhà trường để trang trải tiền trang trí (khoảng 7 triệu đồng/lớp học). Đây cũng là những tồn tại mà Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (TP. Pleiku), nơi có 4 lớp thực hiện dự án VNEN, đang gặp phải. Chưa kể trường còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, các lớp khác học 2 lớp/phòng nhưng riêng lớp theo dự án thì ưu tiên bố trí 1 lớp/phòng. “Sang năm tiếp tục đầu tư cho khối lớp 4 tham gia dự án thì sẽ còn gặp nhiều khó khăn”-thầy Lê Thanh Hoa-Phó Hiệu trưởng nhà trường, bộc bạch.

Ngoài những vấn đề nêu trên, cô Nguyễn Thị Nhật-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền cũng kể ra không ít điều bất cập: Các giáo viên dạy lớp VNEN từ đầu năm đến nay chưa có hỗ trợ về kinh phí mà ngược lại còn phải bỏ tiền túi ra đóng góp tiền trang trí lớp; các ứng dụng công nghệ chưa có theo yêu cầu của dự án, phiếu học tập, đồ dùng dạy học còn thiếu. Dạy đến bài nào giáo viên phải tự làm phiếu học tập, in màu tranh ảnh, nếu trước đây cả lớp học chung 1 tranh thì nay phải có 6 bức tranh (nếu lớp có 6 nhóm), số tiền giáo viên bỏ ra tương đối nhiều. “Nhưng không vì không có kinh phí mà cắt bỏ chương trình. Từ đầu, nhà trường đã thực hiện dự án với quyết tâm rất lớn, vì thế trước mắt vẫn động viên phụ huynh, giáo viên và thêm khoản tiết kiệm chi của nhà trường để tiếp tục duy trì các lớp này”-cô Nhật cho biết. Thầy Võ Hồng Sanh cũng đồng quan điểm: “Khó khăn, nhưng tin tưởng sẽ lướt qua được những khó khăn bước đầu và sẽ dẫn đến kết quả tốt”.
 

Dự án "Trường học mới Việt Nam" (VNEN) hiện đang được triển khai ở khối lớp 2 và lớp 3 tại 70 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh. Đây là một mô hình trường học mới được nghiên cứu bởi các nhà khoa học giáo dục hàng đầu tại Colombia, được Chính phủ Việt Nam phê duyệt và cho triển khai thực hiện từ nguồn tài trợ không hoàn lại của Quỹ Hỗ trợ toàn cầu về giáo dục với tổng kinh phí là 87,6 triệu USD. Năm học 2011-2012, dự án đã triển khai thí điểm tại 6 tỉnh; năm học 2012-2013 triển khai mở rộng tại 1.447 trường thuộc 63 tỉnh, thành trên cả nước trong vòng 41 tháng.

Theo Báo Gia Lai