Chàng trai Bahnar với công tác xã hội
16/04/2013 07:20 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
“Mơ ước trở thành một sĩ quan lục quân từ nhỏ nhưng rồi tôi lại bén duyên với ngành công tác xã hội, thấy yêu và nghĩ rằng mình sẽ gắn bó lâu dài với nó”-Đó là lời chia sẻ chân tình của chàng trai Bahnar Đinh Văn Bí-hiện đang công tác tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp tỉnh.
“Mơ ước trở thành một sĩ quan lục quân từ nhỏ nhưng rồi tôi lại bén duyên với ngành công tác xã hội, thấy yêu và nghĩ rằng mình sẽ gắn bó lâu dài với nó”-Đó là lời chia sẻ chân tình của chàng trai Bahnar Đinh Văn Bí-hiện đang công tác tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp tỉnh. Cơ duyên với nghề Đinh Văn Bí sinh ra và lớn lên trong một gia đình Bahnar nghèo tại làng Bút, xã An Thành, huyện Đak Pơ. Từ nhỏ, Bí đã ý thức được rằng dân làng mình cứ mãi bị đói khổ bủa vây cũng một phần là do không biết chữ. Chính vì thế, anh đã tự nhủ sẽ quyết tâm theo đuổi sự học đến cùng.
Cả nhà có 6 anh chị em, Bí là người con thứ hai nên sớm phải phụ cha mẹ lo công việc nương rẫy. Thế nhưng chưa bao giờ anh lơ là chuyện học hành. Thậm chí, kể cả những lúc gia đình lâm vào cảnh túng quẩn, tưởng chừng như việc học của mình phải dừng lại thì anh vẫn cố gắng tìm mọi cách để duy trì. Cha mẹ anh thấy con ham học cũng mừng vui, vừa ủng hộ, động viên, lại vừa cố gắng làm lụng kiếm tiền để cho anh trang trải học phí. Thời gian dần trôi, những người anh, người em của Đinh Văn Bí lần lượt rời bỏ trường lớp trở về với cái rìu, cái cuốc bên nương mía, chỉ còn duy nhất mình anh là vẫn ngày ngày ôm sách vở sớm tối đi về. “Nhiều lúc gia đình khó khăn, nhìn cha mẹ và các em vất vả, tôi thấy thương lắm nhưng chưa bao giờ có ý nghĩ bỏ học. Đã thế, tôi càng phải quyết chí học để sau này có thể giúp cha mẹ và cả bản thân nữa bớt khổ hơn”-anh trải lòng. Năm 2006, là một trong những học sinh thuộc đối tượng học theo chế độ cử tuyển của tỉnh, Đinh Văn Bí bắt đầu đi học tập trung trong thời gian 1 năm để ôn luyện lại kiến thức cần thiết cho cánh cửa đại học sắp tới. Và rồi sau đó, khi nhận được danh sách các ngành nghề sẽ được học trên tay, anh phân vân không biết chọn con đường nào để bước tiếp. Bởi lẽ, trong số đó chẳng hiện hữu cái ngành nào có thể giúp anh thực hiện ước mơ từ thuở bé là trở thành một sĩ quan lục quân. Tuy lúc ấy trong lòng cảm thấy hụt hẫng vì không theo đuổi được mơ ước của mình nhưng Bí vẫn quyết tâm tìm và rẽ sang một hướng đi mới chứ không cho phép bản thân dừng việc học tại đây. Cuối cùng, ngành công tác xã hội xa lạ đã được Đinh Văn Bí đặt bút viết vào hồ sơ đăng ký theo học tại Trường Đại học Đà Lạt. Anh tâm sự: “Lúc ấy tôi chưa hình dung được ngành công tác xã hội là như thế nào cả, tôi chọn ngành đó chỉ vì tôi nghĩ nó sẽ giúp tôi gần gũi hơn với những mảnh đời bất hạnh trong xã hội để có cơ hội giúp đỡ họ, chia sẻ với họ mà thôi”.
Nhiệt huyết trong công tác Tháng 6-2011, Đinh Văn Bí tốt nghiệp ra trường. Tính đến thời điểm hiện tại, anh là người đầu tiên và duy nhất của làng Bút đạt được trình độ đại học. Đây không những là niềm tự hào của gia đình anh mà còn của cả bà con dân làng. Tháng 1-2012, anh Bí được nhận vào làm việc tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh. Hơn một năm qua, anh luôn hết lòng với công việc mà mình đã trót bén duyên và gắn bó. Những ngày đầu bước vào nghề, anh gặp không ít khó khăn. Theo anh Bí, khó nhất là việc nắm bắt và thấu hiểu tâm sinh lý của từng cụ già và em nhỏ. Họ vốn thiếu thốn tình cảm nên nhiều khi dè dặt trong việc tiếp xúc với những người xung quanh, một số lại đang chịu sự hành hạ của bệnh tật nên tính tình đôi lúc thất thường. Vì thế, anh luôn cố gắng gần gũi cũng như khéo léo nhất trong từng lời nói và cách ứng xử để an ủi, động viên các cụ, các em vượt qua mặc cảm, hòa nhập với tất cả mọi người trong “ngôi nhà lớn” của mình. Khi được hỏi về kỷ niệm làm mình nhớ nhất trong quá trình làm việc tại đây, anh Bí nhớ lại: “Điều làm tôi khó quên có lẽ là câu chuyện về cháu Quang ở nhà số 2. Lúc mới được đưa về Trung tâm, cháu cực kỳ nhút nhát, tự cô lập và tách rời mọi người. Nhận ra điều đó, tôi đã chủ động tiếp xúc, trò chuyện với cháu. Khi tôi ôm Quang vào lòng an ủi thì cháu bỗng bật khóc. Tôi có hỏi lý do vì sao thì cháu trả lời là nhớ bố. Lúc ấy, tôi đoán rằng chắc vì nguyên nhân nào đó mà hai bố con Quang bị chia cắt nhau, tôi thương cháu lắm và cảm thấy chạnh lòng bởi suy nghĩ đó của mình. Sau một thời gian được tôi cảm hóa, Quang đã bắt đầu hòa đồng với bạn bè, anh em trong nhà và trong Trung tâm. Tôi rất vui và đây cũng là thành công đầu tiên của tôi kể từ khi quyết định làm công việc này”.
Các cụ già trong Trung tâm coi anh như người con, người cháu, còn với bọn trẻ, Bí lại là một người anh trai thân thiết. Xiu Hxong (làng Lân, xã Ia Kly, huyện Chư Prông), nói: “Anh Bí sống với tụi em rất tình cảm, hay đến nói chuyện, động viên tinh thần và tổ chức các trò chơi cho tụi em”. Từ khi gắn bó với Trung tâm, những ngày lễ, Tết, Đinh Văn Bí đều tranh thủ thời gian để gần gũi, chia sẻ và cùng vui Xuân, đón Tết với những số phận không may nơi đây. “Nhìn bữa cơm Tất niên thân mật, những lời chúc, tiếng cười mà mọi người trao nhau, lòng tôi cũng cảm thấy ấm áp và hạnh phúc”-anh nói. “Bí là một chàng trai nhiệt tình, có trách nhiệm với công việc, có tấm lòng rộng mở và trái tim biết yêu thương mọi người. Là người trẻ nhất về tuổi nghề ở Trung tâm nên Bí vẫn còn một số bỡ ngỡ trong công việc. Tuy nhiên, Bí cũng đã tạo được cho các cụ, các cháu cũng như chúng tôi sự tin tưởng nhất định. Trung tâm cũng đang cử Bí theo học lớp quản lý nhà nước với mong muốn cậu ấy có thêm điều kiện và kỹ năng để làm việc tốt hơn”-ông Lê Văn Thành-Giám đốc Trung tâm cho hay.
Theo Báo Gia Lai
Quản lý, đầu tư Quỹ BHXH an toàn, hiệu quả, đảm ...
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM 30 NĂM HÀNH TRÌNH AN ...
Mức đóng BHYT hộ gia đình từ 1.7.2025 thay đổi ...