Tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng chính sách

28/02/2013 07:44 AM


Để phục vụ công tác tổng kết đánh giá 10 năm hoạt động của Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) tỉnh trong tháng 3, từ cuối tháng 2-2013, các phòng giao dịch Ngân hàng CSXH và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã lần lượt tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá hoạt động ở đơn vị, địa phương mình.

Để phục vụ công tác tổng kết đánh giá 10 năm hoạt động của Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) tỉnh trong tháng 3, từ cuối tháng 2-2013, các phòng giao dịch Ngân hàng CSXH và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã lần lượt tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá hoạt động ở đơn vị, địa phương mình.

Vấn đề mấu chốt mà Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh, Ban Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh, các hội đoàn thể, chính quyền các cấp đòi hỏi từ sau các hội nghị này là làm thế nào để huy động được nhiều hơn nguồn vốn, phát huy hiệu quả vốn vay, hỗ trợ nhiều nhất cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đồng thời phát huy tính chủ động, trách nhiệm của các bên liên quan trong việc phối hợp với Ngân hàng CSXH chuyển tải vốn cho đối tượng.

 

Nông dân huyện Kbang chăm sóc bắp lai. Ảnh: T.S
Nông dân huyện Kbang chăm sóc bắp lai. Ảnh: T.S

Tỉnh ta vốn có điểm xuất phát thấp, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm đến 45% dân số toàn tỉnh, trình độ sản xuất còn nhiều hạn chế. Trong 222 xã, phường, thị trấn thì có 173 xã thuộc vùng khó khăn. Cơ cấu dân số giữa thành thị và nông thôn chênh lệch rất cao với tỷ lệ 28% và 72%. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2012 giảm xuống còn trên 60 ngàn hộ, chiếm tỷ lệ 19,13%; hộ cận nghèo 18.971, chiếm 6,3%. Điều này cho thấy xóa đói giảm nghèo, chống tái nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ chính trị rất nặng nề của toàn hệ thống chính trị.

Với chức năng nhiệm vụ của mình, 10 năm qua, từ hai chương trình ban đầu là cho vay hộ nghèo (nhận bàn giao từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT) và cho vay giải quyết việc làm (nhận bàn giao từ Kho bạc Nhà nước) đến nay Ngân hàng CSXH tỉnh đã triển khai 11 chương trình tín dụng với doanh số cho vay 3.968,7 tỷ đồng so với đầu năm 2003; doanh số thu nợ 1.642 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay tính đến 31-12-2012 đạt 2.430 tỷ đồng, tăng 2.343 tỷ đồng so với đầu năm 2003 và tăng gấp 26,9 lần, bình quân mỗi năm tăng 41%. Số hộ nghèo và đối tượng chính sách có quan hệ dư nợ là 141.754 khách hàng thuộc 3.792 tổ tiết kiệm và vay vốn, bình quân 37 hộ/tổ, tăng 104.034 khách hàng so với thời điểm nhận bàn giao.

Sau 10 năm, chương trình cho vay hộ nghèo đã góp phần hỗ trợ 67.380 hộ thoát nghèo, đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Đối với chương trình cho vay giải quyết việc làm, nguồn vốn Ngân hàng CSXH đã cho 11.161 lượt hộ vay vốn, tạo ra 18.518 việc làm mới, hỗ trợ người vay sản xuất kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt, chăm sóc cây trồng, tăng thu nhập, làm chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động theo hướng tích cực.

Nguồn vốn cho vay học sinh, sinh viên hỗ trợ 50.882 đối tượng, mang tính nhân văn sâu sắc, tính xã hội hóa cao, nhiều cấp, nhiều ngành cùng thực hiện, góp phần tạo nguồn lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Các chương trình cho vay khác như: cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, cho vay đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, cho vay làm nhà trả chậm, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, thương nhân vùng khó khăn cũng đều đạt được những kết quả tích cực.

Kết quả nêu trên là to lớn, toàn diện, khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Với sự có mặt của Ngân hàng CSXH, hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước để sản xuất kinh doanh, vươn lên trong cuộc sống và sản xuất. Kênh vốn của Ngân hàng CSXH đã góp phần ngăn chặn tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn, là công cụ quan trọng thực hiện vai trò điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, thu hẹp khoảng cách giàu-nghèo... được nhân dân, các cấp, các ngành đồng tình ủng hộ, phù hợp với các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, trực tiếp là chương trình xây dựng nông thôn mới đang triển khai rộng khắp.

Mô hình Ngân hàng CSXH với cơ chế quản trị và bộ máy điều hành tác nghiệp được xác lập là một trong những giải pháp thành công của việc xã hội hóa hoạt động tín dụng chính sách, giúp việc chuyển tải vốn đến đối tượng nhanh chóng, thông suốt, dân chủ, công khai, tiết kiệm chi phí và tạo hiệu quả kinh tế-xã hội to lớn. Thành công đáng kể nữa là mục tiêu quản lý tín dụng được lồng ghép với các chương trình kinh tế-xã hội, khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao khoa học kỹ thuật và có sự tham gia của chính quyền cơ sở, các trưởng thôn...

Dù đã đạt nhiều thành tựu nhưng trước yêu cầu nhiệm vụ của địa phương, của ngành, trách nhiệm của Ngân hàng CSXH tỉnh trong thời gian tới còn rất nặng nề. Để đạt được mục tiêu giai đoạn 2013-2020, căn cứ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, Ngân hàng CSXH tỉnh xác định: tập trung giải quyết cơ bản vấn đề việc làm cho người lao động, tạo nhiều việc làm mới, giải quyết cho khoảng 2 vạn việc làm/năm. Tổng nguồn vốn đến 2020 đạt 4.100 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với năm 2012; tổng dư nợ 4.000 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với năm 2012; nợ quá hạn dưới 1% và tỷ lệ thu lãi từ 98% trở lên đối với lãi phải thu.

Theo Báo Gia Lai