Làm công tác dân số cần có sự đồng cảm

27/02/2013 07:24 AM


Trong một chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình gần đây tại xã Ia Rsươm (huyện Krông Pa), có đến phân nửa số phụ nữ khi được kiểm tra bị mắc các bệnh phụ khoa, chưa kể rất nhiều người bị bệnh nhưng ngại không đi khám hoặc không có trong danh sách được khám.

Trong một chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình gần đây tại xã Ia Rsươm (huyện Krông Pa), có đến phân nửa số phụ nữ khi được kiểm tra bị mắc các bệnh phụ khoa, chưa kể rất nhiều người bị bệnh nhưng ngại không đi khám hoặc không có trong danh sách được khám.

Chị Nay H’Kloch-cán bộ chuyên trách dân số xã Ia Rsươm cho hay: “Đây là bệnh có khá nhiều phụ nữ ở vùng nông thôn mắc phải do chưa ý thức đầy đủ vệ sinh phụ khoa, làm việc nặng trong kỳ kinh nguyệt. Bên cạnh đó, kiến thức về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình còn rất hạn chế, vẫn duy trì những thói quen lạc hậu, dễ dẫn đến viêm nhiễm. Tuy nhiên, không ai chịu nói ra bệnh tình của mình; đã có nhiều trường hợp cố giấu cho đến khi viêm nhiễm nặng, nhiễm trùng tử cung, có trường hợp tử vong do biến chứng”.

 

Chị Nay H’Kloch.
Chị Nay H’Kloch.

Chị H’Kloch kể thêm, rất ít phụ nữ chịu đến Trạm Y tế khám-chữa bệnh khi có đoàn y-bác sĩ xuống, các cộng tác viên dân số nhỏ to động viên họ mới chịu đi trong sự ngại ngùng. “Năm ngoái có một phụ nữ tử vong do ung thư cổ tử cung, nguyên nhân là để viêm nhiễm phụ khoa quá lâu. Mình biết còn rất nhiều trường hợp bị bệnh nhưng vẫn cố tình giấu, nhất là phụ nữ ở các buôn xa như Phùm Ang, Phùm Ji. Vì thế, những người làm công tác dân số cần giúp các chị cởi bỏ mặc cảm, chia sẻ những bệnh khó nói, tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc”-nữ cán bộ chuyên trách dân số của xã, chia sẻ.

Tốt nghiệp Trường Trung cấp Y tế Gia Lai về xã công tác, cô gái trẻ Nay H’Kloch được phân công chuyên trách các vấn đề dân số. Đồng cảm với những khó khăn của phụ nữ vùng sâu, vùng xa trong việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, chị Nay H’Kloch đem hết lòng nhiệt tình, năng nổ với công việc.

Nhưng theo chị, như thế vẫn chưa đủ: “Có những quan niệm về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình còn khá lạc hậu, không chỉ ở phụ nữ mà còn ở phía người đàn ông. Chẳng hạn nhiều phụ nữ Jrai khi đi lấy thuốc tránh thai được phát miễn phí thường lén lút vì sợ chồng biết. Hoặc khi đi tiêm thuốc tránh thai hay đặt vòng, nhiều chị em không đến các cơ sở y tế mà đi làm ở bên ngoài vì không muốn nhiều người biết. Họ coi đó là việc làm không tự nhiên. Vì thế, chúng tôi phải tuyên truyền vấn đề này cho cả hai phía chứ không riêng gì phụ nữ”.

Theo chị H’Kloch, sự đồng cảm, chia sẻ chân thành chính là yếu tố tiên quyết để tiếp cận với phụ nữ vùng sâu, vùng xa, giúp họ gạt bỏ mặc cảm, ngại ngùng khi nói ra những vấn đề tế nhị. Coi trọng vai trò của đội ngũ cộng tác viên dân số vì cho rằng đây là chìa khóa để tiếp cận chị em phụ nữ, trong các cuộc giao ban cộng tác viên hàng tháng, điều chị H’Kloch luôn nhắc nhở họ chính là tình cảm của một cán bộ làm công tác dân số. “Hãy làm một người bạn trước khi thể hiện vai trò là một cán bộ dân số. Khi đã tạo được lòng tin với chị em phụ nữ, họ sẽ dễ dàng mở lòng để kể chuyện gia đình, chuyện nương rẫy, thậm chí tự nguyện nói về các bệnh phụ nữ mà nếu bình thường, không dễ gì để họ nói ra được”- chị H’Kloch nói.

Mỗi năm có 2 đợt kiểm tra sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình trong khi phụ nữ cần nhiều hơn những chiến dịch như vậy. Vì thế, vai trò đội ngũ cộng tác viên dân số có ý nghĩa rất lớn trong việc tuyên truyền để chị em biết cách bảo vệ mình, sinh đẻ có kế hoạch, sinh thưa và nghỉ ngơi trong thời gian sinh con.

Thuộc thế hệ 8X, chị H’Kloch cũng tự nhận mình chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tuyên truyền về công tác dân số. Nhưng chính sự đồng cảm với người phụ nữ đã giúp chị H’Kloch tạo được lòng tin với mọi người. Bà Ngô Thị Hải-Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: “Chị H’Kloch rất chịu khó lắng nghe kinh nghiệm của những cán bộ chuyên trách dân số đi trước. Hơn nữa, chị H’Kloch là một trí thức trẻ về ngành y, có kiến thức, điều kiện để nói cho chị em hiểu vấn đề. Tôi hy vọng, với sự xông xáo, nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị H’Kloch sẽ giúp ích nhiều hơn cho phụ nữ vùng nông thôn”.

Vấn đề dân số ở các xã vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều việc đáng bàn: tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, sinh nhiều con… Để nâng cao chất lượng dân số, rất cần những người có tấm lòng, trách nhiệm như cô gái trẻ H’Kloch.

Theo Báo Gia Lai