Thị xã An Khê: Xứng tầm là vùng kinh tế động lực phía Đông

09/11/2012 10:43 AM


Thị xã An Khê được thành lập năm 2003 trên cơ sở tách ra từ huyện An Khê. Sau gần 10 năm xây dựng, An Khê từng ngày thay đổi để xứng tầm là vùng kinh tế động lực phía Đông của tỉnh.

Thị xã An Khê được thành lập năm 2003 trên cơ sở tách ra từ huyện An Khê. Sau gần 10 năm xây dựng, An Khê từng ngày thay đổi để xứng tầm là vùng kinh tế động lực phía Đông của tỉnh.

Mặc dù chịu tác động của suy thoái kinh tế của cả nước và thế giới nhưng đến thời điểm này thị xã An Khê đạt giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp đạt 1.333,327 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2011; thương mại-dịch vụ 821,223 tỷ đồng, tăng 33,38% so với cùng kỳ năm 2011; thu nhập bình quân đầu người 19 triệu đồng/năm, tăng hơn gấp đôi so với năm 2003... Điều đó cho thấy An Khê đã có sự chuyển dịch đáng kể theo hướng công nghiệp chế biến và quan tâm đến phát triển thương mại-dịch vụ.

 

Một góc thị xã An Khê.  Ảnh: Đức Thụy
Một góc thị xã An Khê. Ảnh: Đức Thụy

Là địa bàn cửa ngõ phía Đông của tỉnh nên An Khê có nhiều thuận lợi trong việc giao thương hàng hóa. Hàng năm, thị xã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để phát triển hệ thống hạ tầng, giao thông không ngừng phát triển, các tuyến đường nội thị được cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới; hệ thống điện đường, cây xanh được mở rộng.

Trong 10 tháng năm 2012, An Khê đã giải ngân các công trình hoàn thành, công trình chuyển tiếp và công trình khởi công mới với tổng số vốn hơn 22,669 tỷ đồng; cấp phép xây dựng cho 426 trường hợp với diện tích 43.385 m2; lắp đặt 102 bộ đèn cao áp, sửa chữa 82 đèn chiếu sáng công cộng. Những năm gần đây, An Khê làm tốt công tác quản lý và khai thác sử dụng hệ thống thủy lợi, với trên 100 công trình thủy lợi, năng lực tưới 350 ha. Mạng lưới bưu chính viễn thông phủ sóng đều khắp; hoạt động thông tin liên lạc thông suốt đảm bảo phục vụ chính trị của địa phương.

Trên địa bàn hiện có trên 30 doanh nghiệp ngoài quốc doanh hoạt động với tổng vốn đăng ký kinh doanh trên 30 tỷ đồng; 7 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, 2 hợp tác xã vận tải và 1 quỹ tín dụng; 52 trang trại với tổng diện tích sản xuất 350 ha thu hút trên 230 lao động. Nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội và các nguồn vốn khác đã tạo điều kiện cho 2.210 hộ vay 13,34 tỷ đồng để giải quyết việc làm và phát triển sản xuất.

Kết quả, tỷ lệ đói nghèo giảm từ 10% năm 2000 xuống còn dưới 3% năm 2012. “Kết quả này là sự nỗ lực của các cấp chính quyền trên nền tảng ổn định hệ thống chính trị. Ban Thường vụ Thị ủy cũng thường xuyên theo dõi đánh giá thực trạng hiệu quả hoạt động ở từng xã, phường; có biện pháp tăng cường cán bộ để củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Chú trọng công tác đào tạo cán bộ có năng lực chuyên môn, vững về chính trị; coi trọng việc phân công đảng viên về cơ sở là một thử thách trên tinh thần dân chủ và có sự giám sát chặt chẽ của quần chúng nhân dân”-Bí thư Thị ủy Huỳnh Văn Tâm nhấn mạnh.

Tuy đạt một số kết quả, nhưng thị xã phía Đông này vẫn còn nhiều việc phải giải quyết. Đó là, cần có kế hoạch dài hơi để tăng tốc độ phát triển kinh tế phù hợp với tiềm năng của địa phương. Công tác quy hoạch và tiêu thụ nguyên liệu phục vụ sản xuất chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra; việc đưa khoa học-công nghệ đi vào chiều sâu còn hạn chế; sức cạnh tranh hàng hóa yếu, một số ngành nghề truyền thống chưa đạt yêu cầu; tiến độ triển khai một số công trình xây dựng cơ bản chậm, công trình thủy lợi phát huy hiệu quả chưa cao; kinh tế nông nghiệp phát triển chưa ổn định mà còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khí hậu; kinh tế hộ gia đình quy mô còn nhỏ lẻ, chưa phát huy được nguồn lực đầu tư phát triển từ trong nhân dân và các thành phần kinh tế khác; tình trạng xử lý ô nhiễm môi trường chưa được xử lý đúng mức.

Ông Nguyễn Hoàng Trung-một trí thức đang công tác tại đây nói: “Trong chiến lược phát triển, yếu tố con người là cực kỳ quan trọng. Hiện nay, trình độ dân trí giữa các vùng thuộc thị xã An Khê vẫn còn chênh lệch, chất lượng nguồn nhân lực chưa xứng tầm, nhiều người chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ hiện nay; việc thông tin giữa chính quyền với nhân dân vẫn còn khoảng cách nhất định”.

Đồng tình ý kiến với anh Trung, chị Trương Thị Hồng Ánh ở phường Tây Sơn bổ sung: “Những năm qua, đời sống người dân An Khê từng bước ổn định và nâng cao. Vì vậy, chính quyền cũng phải quan tâm quy hoạch khu vui chơi, giải trí; có công viên để tương xứng với tốc độ phát triển ngày càng cao của xã hội. Đó là yếu tố góp phần giảm thiểu các tệ nạn xã hội”.

Đó cũng chính là nguyện vọng chung của nhân dân trên địa bàn nhằm đưa thị xã An Khê thực sự là vùng kinh tế động lực phía Đông của tỉnh có mức tăng trưởng ổn định trên nền tảng hệ thống chính trị ổn định.

Theo Báo Gia Lai