Quy định về dạy thêm, học thêm: Còn lắm băn khoăn
08/11/2012 09:19 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 6-11, Hội nghị triển khai quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh vừa được tổ chức tại Sở Giáo dục-Đào tạo với sự tham gia của đại diện các Phòng Giáo dục-Đào tạo và các cơ sở giáo dục trực thuộc. Nhiều ý kiến, bàn luận xung quanh vấn đề này cho thấy đây vẫn là một “câu chuyện dài chưa có hồi kết”.
Tại hội nghị, Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục-Đào tạo và Quyết định số 23/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh về dạy thêm học thêm (sau đây gọi tắt là Thông tư 17 và Quyết định 23) đã được triển khai cụ thể đến những người làm công tác quản lý. 10 ngày sau khi ban hành, Quyết định 23 sẽ có hiệu lực thi hành, đồng nghĩa với việc những giấy phép dạy thêm học thêm đã cấp trước đây không còn hiệu lực; các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm có thể xin cấp giấy phép mới bắt đầu từ ngày 8-11.
Nhiều điều khoản mới, chi tiết Theo quy định của Thông tư, giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức dạy thêm, học thêm (DTHT) ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường. Giải thích thêm về quy định này, ông Bùi Vạn Tuế-Thanh tra Sở Giáo dục-Đào tạo, nói rõ: Giáo viên không tổ chức dạy thêm mà chỉ được mời tham gia vào các lớp dạy thêm do các trung tâm tổ chức. Các tổ chức, cá nhân được cấp phép tổ chức hoạt động DTHT phải công khai các địa điểm DTHT, danh sách người dạy thêm, thời khóa biểu DTHT, mức thu tiền học thêm… Về yêu cầu đối với người dạy thêm, điều 8 của Thông tư quy định: Người dạy thêm có trình độ chuẩn được đào tạo đối với từng cấp học theo quy định của Luật Giáo dục, có đủ sức khỏe, có phẩm chất đạo đức tốt, hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại cơ quan công tác, không trong thời gian bị kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không bị kỷ luật với hình thức buộc thôi việc, được thủ trưởng cơ quan quản lý hoặc chủ tịch UBND cấp xã xác nhận, cho phép… Theo ông Thái Quang Tiệp-Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh-như vậy có thể hiểu rằng công chức, viên chức ngoài ngành giáo dục vẫn được dạy thêm nếu có đủ bằng cấp đạt chuẩn cùng những điều kiện nêu trên. Thông tư này cũng quy định không tổ chức dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa, học sinh trong cùng một lớp DTHT phải có học lực tương đương nhau, khi xếp học sinh vào các lớp phải căn cứ vào học lực của học sinh. Bên cạnh đó không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó. Theo Quyết định 23, Sở Giáo dục-Đào tạo cũng đã phối hợp Sở Tài chính đưa ra hướng dẫn liên ngành về định mức thu, chi, quản lý và sử dụng tiền học thêm, tiền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường và ngoài nhà trường hàng năm. Tại Hội nghị, có 2 phương án được trình bày và đa số các ý kiến đều nghiêng về phương án 2. Theo đó, mức thu tiền DTHT là 100.000 đồng/học sinh/tháng đối với cấp THCS và 150.000 đồng/học sinh/tháng đối với cấp THPT, cao hơn so với phương án 1 là 60.000 đồng/học sinh/tháng (lớp 6, 7), 70.000 đồng/học sinh/tháng (lớp 8, 9), 90.000 đồng/học sinh/tháng đối với cấp THPT. Các trường, cơ sở quản lý, tổ chức DTHT nộp 50% tiền thu phí quản lý DTHT về cơ quan quản lý trực tiếp, Phòng Giáo dục-Đào tạo nộp 2% số tiền thu phí quản lý DTHT về Sở Giáo dục-Đào tạo. Tiền cấp phép DTHT sẽ chi phục vụ công tác thẩm định kiểm tra cấp phép DTHT; phí quản lý DTHT sẽ được chi cho công tác quản lý, kiểm tra, công tác DTHT. Việc thu, chi, quản lý và sử dụng tiền học thêm trong nhà trường và ngoài nhà trường thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý tài chính. Còn lắm băn khoăn Nhiều ý kiến tại Hội nghị thể hiện không ít băn khoăn khi bàn về một số điều khoản trong quy định của Thông tư 17 và Quyết định 23. Ông Mai Văn Sơn-Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hùng Vương, đặt ra giả thiết: “Trong thời gian các trung tâm DTHT chưa kịp thành lập trong khi nhu cầu học thêm của đa số học sinh là chính đáng, sẽ có một số lượng lớn học sinh không đi học thêm. Nếu có xảy ra tệ nạn gì thì có tính đến trách nhiệm của ngành Giáo dục hay không? Nếu tổ chức dạy thêm học thêm thì cơ sở vật chất, số lượng trung tâm có đáp ứng đủ nhu cầu?”. Nói về quy định không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa, ông Nguyễn Chớ, Trưởng Phòng Giáo dục-Đào tạo TP. Pleiku, đặt ra tình huống: Nếu giáo viên tham gia dạy thêm ở các trung tâm mà tình cờ dạy học sinh ở lớp chính khóa thì phải xử sự ra sao? Mời học sinh ra khỏi lớp hay tự mình rút lui? Ông Nguyễn Chớ cũng nêu một thực trạng: Chức năng kiểm tra, giám sát công tác DTHT thuộc về phòng nhưng hiện đơn vị không đủ nhân lực để làm việc này. Chưa kể, theo quy định, phòng phải phối hợp với các ban ngành liên quan phối hợp kiểm tra, giám sát nhưng ban ngành nào thì lại chưa được nêu rõ. Trong khi đó, ông Nguyễn Chương- Hiệu trưởng Trường THPT Pleiku- cho rằng việc định tính, định lượng khái niệm “học lực tương đương” để mở lớp DTHT theo khoản 4 điều 3-Thông tư 17 là rất khó thực hiện, vì muốn vậy phải “xáo” danh sách học sinh các lớp, các trường để lọc ra những học sinh có học lực tương đương. Ngoài ra, ông Chương cũng đề xuất nên quy định mức thu tiền học thêm theo đơn vị tính là buổi học chứ không tính theo tháng. Bởi, theo Quyết định 23, thời lượng dạy thêm cho mỗi môn học không quá 2 buổi/tuần/nhóm (lớp), riêng khối 12 không quá 3 buổi/tuần/nhóm (lớp); như vậy với phương án thu 150.000 đồng/học sinh/tháng đối với cấp THPT thì giáo viên dạy thêm khối lớp 12 sẽ thiệt thòi hơn so với khối 11, 12. Về định mức thu theo hướng dẫn của liên Sở Giáo dục-Tài chính, ông Thái Quang Tiệp cũng đề nghị nên điều chỉnh ở mức cao hơn vì mức thu theo phương án đã đưa ra chưa sát với thực tế. Ngoài việc giải đáp những thắc mắc đã nêu, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo Phạm Ngọc Thạch nêu quan điểm: Nên khuyến khích DTHT tại trường để giải quyết những vấn đề nhức nhối về DTHT trong nhiều năm qua. Nếu dạy thêm trong nhà trường, Hiệu trưởng sẽ chịu toàn bộ trách nhiệm trong việc bố trí, sắp xếp, quản lý, như vậy sẽ tránh được tình trạng giáo viên dạy thêm học sinh lớp chính khóa, tránh tiêu cực như ép buộc học sinh đi học thêm; ngoài ra có thể tận dụng cơ sở vật chất của nhà trường để tổ chức DTHT. “Nếu khó khăn về cơ sở vật chất vì đã dạy kín lớp chính khóa 2 buổi/ngày, các trường có thể tổ chức dạy vào buổi tối”-ông Thạch đề xuất. Ngoài ra, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo cũng cho rằng trong quá trình triển khai quy định mới, các vấn đề phát sinh đến đâu thì sẽ tìm cách giải quyết đến đó, “quan trọng là làm sao để tạo sự đồng thuận đối với chủ trương của Nhà nước”.
Theo Báo Gia Lai
Hướng dẫn tham gia ý kiến góp ý dự thảo Nghị ...
Quản lý, đầu tư Quỹ BHXH an toàn, hiệu quả, đảm ...
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM 30 NĂM HÀNH TRÌNH AN ...