Vùng rốn lũ chủ động phòng chống lũ lụt

27/09/2012 07:46 AM


Cứ mỗi mùa lũ về, người dân vùng ngã ba sông Ia Broăi, huyện Ia Pa lại tất bật chuẩn bị các phương án sẵn sàng đón đợi nước lũ. “Thực hiện phương châm 4 tại chỗ, 3 sẵn sàng” nếu chuẩn bị được kỹ chừng nào thì khi lũ về sẽ đỡ thiệt hại chừng ấy”. - Già làng buôn Jữ Ma Uốc - Ksor Alấp nói.

Cứ mỗi mùa lũ về, người dân vùng ngã ba sông Ia Broăi, huyện Ia Pa lại tất bật chuẩn bị các phương án sẵn sàng đón đợi nước lũ. “Thực hiện phương châm 4 tại chỗ, 3 sẵn sàng” nếu chuẩn bị được kỹ chừng nào thì khi lũ về sẽ đỡ thiệt hại chừng ấy”. - Già làng buôn Jữ Ma Uốc - Ksor Alấp nói.

 

 

Trời bắt đầu mưa nặng hạt. Mực nước sông Ba dâng cao, đục ngầu vỗ mạnh vào bờ sông nơi góc cua nhô ra phía bên mạng sườn của buôn Jữ Ma Uốc. Hồ Ayun Hạ lại xả lũ để dự phòng đón đợi một đợt tích nước mới vì tin áp thấp nhiệt đới gần bờ. Kiểu này hai buôn Jữ Ma Uốc và Jữ Ma Hoét lại có khả năng bị đe dọa vì nước lũ dâng ngập.
 

Già làng buôn Jứ Ma Uốc, kiểm tra loa phóng thanh là phương tiện chỉ huy của thôn khi mưa lũ về. Ảnh: Đức Phương
Già làng buôn Jứ Ma Uốc, kiểm tra loa phóng thanh là phương tiện chỉ huy của thôn khi mưa lũ về. Ảnh: Đức Phương

Già làng Ksor A Lấp, chạy ra bờ sông Ba đứng nhìn con nước lũ miên man dập dềnh dâng cao rồi ông chạy vội về nhà đem hai cái loa phóng thanh cất trong tủ ra lau chùi, gắn pin vào kiểm tra. Đây là phương tiện xã trang bị cho cán bộ thôn để trực chiến thông báo chỉ huy trong những tình huống mưa lũ để dân làng biết cách phòng chống, di tản34 đến nơi an toàn. Xong việc, ông lại đi khắp các nóc nhà trong làng để thông báo tình hình mưa lũ và kiểm tra các thuyền, sõng phòng chống lũ.

Buôn Jữ Ma Uốc và Jữ Ma Hoét thuộc vùng trũng nhất xã, sát bờ sông Ba, là điểm xung yếu trong phương án phòng chống bão lũ. Trong trận lũ lịch sử tháng 11-2009, trong đêm tối, nước lũ dâng cao 6 mét so với nền nhà, gây ngập hầu hết nóc nhà của hai buôn. Lúc đó, hơn 1.000 người dân của cả 2 buôn bối rối, hoảng loạn. Người dân chỉ còn biết ngắm hướng dãy phòng học 2 tầng của trường THCS Lê Lợi để bám víu. Hàng trăm con người bơi, lội trong nước lũ đứng chen chân nhau trên sàn nhà cao nhất làng của già Ksor Alấp và ông Ksor An cán bộ hội nông dân xã; toàn bộ tài sản, gia súc phó mặc cho dòng nước. “Thế mà nước lũ cứ tiếp tục dâng cao lút tới ngực, rồi lên tới cổ. Người lớn phải đội trẻ con lên đầu để nhón chân trên sàn nhà khỏi bị chết đuối. Nếu không có ca nô của bộ đội vào cứu kịp thời thì sẽ có nhiều người bị nước lũ cuốn trôi mất”.

 

Nhiều hộ dân vùng rốn lũ tự trang bị thuyền nhỏ để di dời khi nước lũ lên cao. Ảnh: Đức Phương
Nhiều hộ dân vùng rốn lũ tự trang bị thuyền nhỏ để di dời khi nước lũ lên cao. Ảnh: Đức Phương

Già Alấp nhắc lại chuyện cũ để thấy rằng việc chủ động phòng chống bão lũ là không bao giờ thừa. Từ sau trận lũ ấy, ông luôn nhắc nhở dân làng phải sắm thêm thuyền, sõng treo sẵn dưới gầm nhà sàn để phòng khi nước lũ dâng lên sẽ có phương tiện di chuyển lên chỗ cao trú ấn. Riêng 125 hộ trong thôn Jứ Ma Uốc mùa này đã đã sắm được 61 chiếc thuyền nhỏ rồi. “Mỗi nhà cố gắng tiết kiệm được tầm vài triệu đồng là sắm được một chiếc thuyền nhỏ, chở được 3-5 người, tự lo cho gia đình mình được rồi. Phương án tự chủ phương tiện tại chỗ để phòng chống lụt bão đơn giản và thiết thực là thế. Còn lực lượng tại chỗ thì đã có các anh chị đoàn viên thanh niên và đội ngũ dân quân tự vệ của thôn. Nhưng lực lượng tại chỗ này phải ưu tiên giúp đỡ cho người già, trẻ con trước hết đã, khi nước lũ về thì mỗi nhà phải tự chủ động lương thực, và phương tiện ứng cứu cho gia đình mình”. - Già Alấp nói.

Kế sách phòng chống lũ của xã Ia Broăi về lâu dài, theo chủ tịch UBND xã ông Trương Nguyên Hảo thì tỉnh đang xây dựng 2 phương án là di dời toàn bộ 216 hộ dân của 2 buôn Jứ lên khu vực cao hơn nằm ở phía sau buôn Tông Ố; hoặc là đắp đất xây dựng đài tránh lũ cho 2 thôn. Nhưng phương án di dời dân gặp trở ngại vì chi phí hỗ trợ dời nhà chỉ được tỉnh xây dựng ở mức 10 triệu đồng/hộ là quá thấp, người dân không đủ để dựng lại nhà mới; mặt khác quỹ đất 15 ha cho việc dời làng và vị trí đất dời đến sau buôn Tông Ố cũng chỉ cao hơn làng cũ chừng 1m là không khả thi (vì đỉnh lũ năm 2009 còn dâng ngập ở đây tới gần 5 m). Vì thế phương án xây dựng đài tránh lũ bằng cách đáp núi đất đủ cao và có diện tích 8 sào để người dân leo lên trú ngụ khi lũ về đang được triển khai và nhận được sự ủng hộ của người dân.

 

Xã Ia Broăi được trang bị 1 thuyền có trọng tải 30 người để di dời dân khi lũ về. Ảnh: Đức Phương
Xã Ia Broăi được trang bị 1 thuyền có trọng tải 30 người để di dời dân khi lũ về. Ảnh: Đức Phương

Ngoài ra, xã tuân thủ phương châm “4 tại chỗ, 3 sẵn sàng” trong phòng chống bão, lũ. Theo đó, Ban chỉ đạo phòng chống bão, lũ và tìm kiếm cứu nạn của xã gồm 15 thành viên được kiện toàn, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên (chia ra 6 thôn thì cứ 2 người phụ trách 1 thôn). Lực lượng phòng chống lụt bão của xã thường trực 24/24 giờ khi có tình huống bão lũ để kịp thời chỉ đạo, ứng phó. Lực lượng đoàn thanh niên, dân quân, và người tại thôn được phân công cụ thể theo quan điểm lấy lực lượng nòng cốt ở thôn nào thì cứu giúp thôn đó.

Xã được trang bị 1 thuyền máy chở được 30 người và 30 bộ áo phao cứu sinh để ứng cứu người dân khi có nước lũ dâng cao. Gần một nửa hộ dân trong xã đã có thuyền nhỏ, sõng đánh cá của mình để phòng khi nước lũ dâng cao thì chủ động chèo qua sông Ba để di dời người dân 2 buôn Jứ và buôn Tông Ố sang vùng đèo Tô Na, xã Ia Rtô (Ayun Pa); buôn Ia Broăi và Ia Rniu di dời sang thị xã Ayun Pa qua đường cầu Bến Mộng; còn buôn Tul di dời qua xã Ia Tul ở khu vực giáp chân núi. Xã giao Trạm y tế chuẩn bị đủ thuốc men, dụng cụ, có lực lượng thường trực sẵn sàng. Ngoài quỹ dự phòng của xã hơn 20 triệu đồng, thì các hộ dân phải chủ động chuẩn bị nước uống, mắm muối, củi, gạo, mì tôm sẵn trong nhà để khi nước lũ lên sẽ có lương thực cầm cự trong lúc chờ hàng cứu trợ từ bên ngoài vào.

Nhờ chủ động phương án nên ý thức sẵn sàng sống chung với lũ của người dân vùng rốn lũ Ia Broăi đã được nâng cao, dù trong điều kiện cuộc sống còn nhiều khó khăn, vật tư, trang thiết bị phòng chống bão lũ vẫn còn thô sơ và thiếu nhiều. Nhưng đến mùa mưa lũ về, các cán bộ xã như ông Trương Nguyên Hảo lại phấp phỏng lo “vì xã vùng rốn lũ mà vẫn còn nhiều nhà trệt dễ bị ngập nước và có gần một nửa hộ dân chưa thể bỏ ra vài ba triệu đồng để tự sắm thuyền, song nhỏ để tự cứu lấy gia đình mình khi nước lũ về”.

Theo Báo Gia Lai