Tích cực triển khai các giải pháp tăng thu ngân sách

26/09/2012 07:35 AM


Trong bối cảnh nền kinh tế-xã hội đang tiếp tục đối mặt với khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động gia tăng, lượng hàng hóa tồn kho nhiều nhưng sức mua của thị trường liên tục sụt giảm... đã đặt công tác thu ngân sách những tháng cuối năm 2012 vào bài toán khó.

Trong bối cảnh nền kinh tế-xã hội đang tiếp tục đối mặt với khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động gia tăng, lượng hàng hóa tồn kho nhiều nhưng sức mua của thị trường liên tục sụt giảm... đã đặt công tác thu ngân sách những tháng cuối năm 2012 vào bài toán khó.

Cho đến ngày 10-9, thu ngân sách toàn tỉnh mới đạt 2.228 tỷ đồng, bằng 66% so với dự toán HĐND tỉnh giao, giảm 4% so cùng kỳ năm ngoái. Để hoàn thành và vượt dự toán thu đạt con số 3.400 tỷ đồng trên thực tế còn khá nhiều trở ngại, thách thức. 

 

Theo đánh giá chung, mặc dù kết quả thu ngân sách 8 tháng năm 2012 của tỉnh vẫn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng thu và tiến độ thu đạt khá so với dự toán (DT) nhưng số thu chỉ đạt 2.121,4 tỷ đồng, bằng 74% dự toán Bộ Tài chính (BTC), bằng 67% DT HĐND tỉnh và giảm 1% so cùng kỳ năm ngoái. Các khoản thu, sắc thuế nhìn chung đều đạt thấp so với DT do tác động từ tình hình kinh tế khó khăn, giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực liên tục sụt giảm mạnh trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến tình hình hoạt động sản xuất-kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn. Cụ thể, thu từ khu vực DN nhà nước trung ương 8 tháng qua là 476,4 tỷ đồng, đạt 51% DT BTC, đạt 51% DT HĐND tỉnh, giảm 16% so cùng kỳ năm ngoái.

Các công ty thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam giảm 136,2 tỷ đồng, Nhà máy Đường An Khê giảm 25 tỷ đồng. Thu từ khu vực DN nhà nước địa phương là 77,7 tỷ đồng, đạt 50% DT BTC, đạt 50% DT HĐND tỉnh, giảm 36% so cùng kỳ năm trước. Thu từ DN có vốn đầu tư nước ngoài là 35,9 tỷ đồng, đạt 80% DT BTC, đạt 51% DT HĐND tỉnh, giảm 17% so cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do các công ty chủ yếu thu mua hàng nông sản, giá hàng giảm nên số tiền nộp cũng giảm so cùng kỳ năm trước. Thu từ khu vực công thương nghiệp-dịch vụ ngoài quốc doanh là 964,8 tỷ đồng, đạt 95% DT BTC, đạt 82% DT HĐND tỉnh, tăng 16% so cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân phát sinh tăng là do thu hồi nợ đọng thuế và thu phạt chậm nộp năm 2010 của một số DN...

Một nguyên nhân quan trọng khác đã tác động trực tiếp đến số thu ngân sách là việc triển khai thực hiện các chính sách thuế. Ngành Thuế tỉnh đã triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về miễn, giảm, gia hạn nộp thuế đối với các DN vừa và nhỏ, DN sử dụng nhiều lao động hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông-lâm-thủy sản; Nghị quyết số 29/2012/QH13 của Quốc hội; Nghị quyết số 13/NQ-CP của  Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Tính đến nay, tổng số thuế giá trị gia tăng tháng 4, 5, 6 được gia hạn cho 4.802 lượt DN với tổng số tiền thuế được gia hạn là 205,3 tỷ đồng (trong đó có 68 tỷ đồng được gia hạn nộp trong năm 2013); đã thực hiện gia hạn cho 7 DN nợ thuế thu nhập DN năm 2010 trở về trước với số tiền là 55,1 tỷ đồng.

Đánh giá về kết quả đơn vị quản lý thu, ông Nguyễn Trọng Bảo-Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế tỉnh) cho rằng, kết quả số thu ngân sách khối huyện đạt thấp và nhiều địa phương dự báo khó hoàn thành chỉ tiêu trong năm khi có đến 10/18 đơn vị đạt thấp hơn tiến độ thu bình quân chung và 8/18 đơn vị giảm thu so cùng kỳ năm trước. Đây cũng là hiện trạng chung khi nguồn thu từ công thương nghiệp ngoài quốc doanh và thu tiền sử dụng đất bị giảm thu, giá cả các mặt hàng nông sản-vốn là nguồn thu thế mạnh của nhiều địa phương bị sụt giảm liên tục. Các địa phương như: TP. Pleiku, thị xã: Ayun Pa, An Khê, các huyện: Mang Yang, Kbang, Kông Chro, Krông Pa, Chư Pah, Chư Prông... có số thu đạt thấp hơn so với DT và giảm thu so cùng kỳ năm trước.

Để hoàn thành DT thu ngân sách 3.400 tỷ đồng trong những tháng cuối năm 2012, trên tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh về việc thực hiện nhiệm vụ tài chính-ngân sách, ngành Thuế tỉnh đã chủ động phối hợp với các cơ quan, ban ngành thành lập Ban chỉ đạo thu nộp ngân sách từ tỉnh đến huyện nhằm đôn đốc, chỉ đạo, điều hành kịp thời các giải pháp khả thi trong công tác quản lý thu ngân sách trên địa bàn. Đối với những địa phương thu tiền sử dụng đất đạt thấp như: TP. Pleiku, thị xã An Khê, Ayun Pa, các huyện: Chư Pah, Ia Pa, Phú Thiện, Chư Pưh cần tăng cường khai thác quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đẩy nhanh tiến độ giao đất, đấu giá đất có thu tiền sử dụng đất nhằm hoàn thành DT được giao.

Bên cạnh việc động viên, khuyến khích và đôn đốc doanh nghiệp có khả năng nộp ngay thuế vào ngân sách nhà nước thì ngành Thuế tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế theo kế hoạch; rà soát nắm chắc các nguồn thu, đối tượng thu, dự báo nguồn thu tiềm năng; kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế, quyết toán thuế, hoàn thuế; phấn đấu thu ở các lĩnh vực, ngành nghề có điều kiện để bù đắp các phần giảm thu do thực hiện chính sách miễn-giảm-giãn thời hạn nộp thuế; nắm chắc số lượng các DN thành lập mới đã đi vào hoạt động để khai thác nguồn thu mới...

Theo Báo Gia Lai