Nghề chỉnh chiêng và nỗi lo mai một
22/08/2012 07:51 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Hiện nay, ở hầu hết các lớp truyền dạy cồng chiêng các nghệ nhân chỉ dạy biểu diễn cồng chiêng chứ chưa chú trọng nghệ thuật chỉnh chiêng. Trong thực tế, nghệ nhân chỉnh chiêng là người dân tộc thiểu số rất ít, có nơi chỉ có một nghệ nhân biết chỉnh chiêng “bao quát” đến vài buôn làng.
Hiện nay, ở hầu hết các lớp truyền dạy cồng chiêng các nghệ nhân chỉ dạy biểu diễn cồng chiêng chứ chưa chú trọng nghệ thuật chỉnh chiêng. Trong thực tế, nghệ nhân chỉnh chiêng là người dân tộc thiểu số rất ít, có nơi chỉ có một nghệ nhân biết chỉnh chiêng “bao quát” đến vài buôn làng. Bản nhạc kết thúc, già Đinh Ngót lấy cái búa sắt gõ bong bong lên mặt chiêng. Đoạn già bắt đầu đánh thử chiếc chiêng vừa chỉnh đối chiếu với một chiếc khác trong dàn. Chưa ưng cái tai, già lại trở mặt chiêng, kê lên một cái đe sắt nhỏ gõ tiếp vài nhát, dàn nhạc thêm một lần đánh lại đoạn nhạc cho lão nghệ nhân nghe thử… Cứ thế, già Đinh Ngót chỉnh hết chiêng này sang chiếc cồng khác đến lúc cả dàn nghe bè phối căn chỉnh đâu ra đấy như một dàn nhạc giao hưởng bằng chiêng mới thôi.
Già Đinh Ngót, ở làng Jro Tầng 1, xã Yang Bắc đã ngoài 80 tuổi, có thể nói là người chỉnh chiêng giỏi nhất ở Đak Pơ, trong số rất ít người còn biết cách chỉnh chiêng ở đây. Khi được hỏi về bí quyết chỉnh chiêng, già chỉ vào cái tai bảo, chủ yếu là dựa vào cái tai nghe mà chỉnh. Lấy một chiêng chuẩn làm căn. “Đánh tốt là ngon. Nghe thử không tốt là làm lại, lạc là làm lại. Để nghe cho thật ngon, cho nó đẹp. Chỉnh là phải lấy búa nhỏ đấy, hay thì được, nhỡ không được thì làm lại. Sửa lại chiêng, gõ gõ cái là được mà”-già Ngót vừa gõ gõ vào chiếc chiêng vừa nói. Già Ngót cũng cho hay, cái hay của chỉnh chiêng là hoàn toàn dựa vào trình độ thẩm âm của nghệ nhân. Người chỉnh chiêng vì thế trước hết phải là người chơi chiêng giỏi. Nhưng giỏi chơi chiêng, có tai nghe mà không hiểu vật lý, cơ khí thì cơ hồ cũng khó biết gõ vào đâu để “thổi hồn” âm sắc cho cồng chiêng. Huyện Đak Pơ có nhiều đội cồng chiêng với hàng trăm nghệ nhân chơi cồng chiêng, nhưng người có thể nói là biết chỉnh chiêng chỉ chưa đếm hết một bàn tay. Thế nên những nghệ nhân tên tuổi như Đinh Ngót là người chỉnh chiêng cho cả một vùng, chứ không riêng gì cho đội chiêng của làng, của xã.
Anh Đinh Jiao, làng Jun, xã Yang Bắc cho biết, muốn chỉnh cồng chiêng phải chia nhạc cụ độc đáo này thành 12 vòng nhỏ. Mỗi vòng có một chức năng riêng để chỉnh cao độ, độ rung, tiếng vang… và có cả chỗ để khóa chiêng không cho chiêng lạc âm. Thế nhưng, đó cũng chỉ là những gì anh được học sau 2 lần được huyện cử đi học lớp chỉnh chiêng tại TP. Pleiku. Còn trên thực tế, anh vẫn không tự tin để chỉnh chiêng. “Yang Bắc giờ còn có ông Đinh Ngót thôi. Nhưng ổng già rồi. Mình thì đi tập huấn 2 lần. Tập huấn chớ có biết mấy đâu”. “Hồn cốt” của cồng chiêng Tây Nguyên chính là chỉnh chiêng. Cồng chiêng Tây Nguyên bao giờ cũng trình tấu theo lối dàn chiêng. Vì thế, cồng chiêng phải có “công nghệ” chỉnh chiêng, để từng chiếc đảm trách công việc của nó cho đúng mực, hòa vào nhau sao cho có hàng có lối, có bè có phối. Đấy là chưa nói, cồng hay chiêng chơi lâu ngày cũng bị lạc âm, phải chỉnh lại. Nhưng chỉnh chiêng không phải là chuyện dễ dàng. Đinh Zút-một thanh niên ở làng Jro Tầng 1, xã Yang Bắc bộc bạch: “Ở làng không có ai làm được ngoài già Ngót. Mình cũng thua luôn dù học nhiều lần rồi”. Quả vậy, bởi giờ thì cả mấy làng mới có được một người biết “nghe được cái tiếng của Yàng” để “lên giây cho chiêng”. Còn lại, hầu như là những người chỉ biết đánh chiêng chứ không biết chỉnh chiêng. Mà, đánh chiêng thì học là biết đánh. Còn chỉnh chiêng thì dẫu có học cũng chưa hẳn là biết chỉnh cho đúng với cái âm thanh của Yàng!
Theo Báo Gia Lai
Hướng dẫn tham gia ý kiến góp ý dự thảo Nghị ...
Quản lý, đầu tư Quỹ BHXH an toàn, hiệu quả, đảm ...
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM 30 NĂM HÀNH TRÌNH AN ...