Chậm hoàn thành việc rà soát các cơ sở chế biến gỗ

17/08/2012 07:48 AM


Xâm hại tài nguyên rừng trái phép diễn biến ngày một phức tạp có một phần nguyên nhân từ hoạt động của 483 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh cá thể có chức năng sản xuất, chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh, nhất là hợp tác xã và hộ cá thể sử dụng nguồn gốc gỗ kinh doanh không rõ ràng.

Xâm hại tài nguyên rừng trái phép diễn biến ngày một phức tạp có một phần nguyên nhân từ hoạt động của 483 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh cá thể có chức năng sản xuất, chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh, nhất là hợp tác xã và hộ cá thể sử dụng nguồn gốc gỗ kinh doanh không rõ ràng. Có cơ sở vận dụng chiêu thức mua 2-3 m3 gỗ có nguồn gốc trộn với gỗ không rõ nguồn gốc để đối phó với cơ quan quản lý.

Giải quyết thực trạng này, cách đây chưa lâu, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan thành lập đoàn kiểm tra kiểm tra hoạt động các cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các cơ quan liên quan đã kiểm tra 422/483 cơ sở hoạt động sản xuất, chế biến lâm sản và đề nghị UBND tỉnh thu hồi giấy phép hoặc cắt giảm ngành nghề sản xuất, chế biến gỗ của 141 cơ sở; chuyển 23 cơ sở vào khu sản xuất tập trung.

 

UBND tỉnh có Công văn 131/UBND-KTTH về việc chấn chỉnh hoạt động sản xuất, chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư; các địa phương thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cắt giảm ngành nghề kinh doanh; đồng thời cấp thay đổi giấy phép kinh doanh đối với toàn bộ hộ kinh doanh cá thể hoạt động trên lĩnh vực sản xuất, chế biến gỗ thành ngành nghề sản xuất, gia công mộc dân dụng.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-ông Hồ Phước Thành cho biết: Cụ thể hóa chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đã tổng hợp danh sách các doanh nghiệp thuộc diện đưa vào lộ trình sắp xếp lại các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn gắn với quy hoạch khu vực xã không quá 3 cơ sở; thị trấn không quá 10 cơ sở đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Theo đó sẽ có 12 doanh nghiệp, chi nhánh chế biến gỗ đặt vị trí gần khu dân cư, không đảm bảo các tiêu chí, điều kiện hoạt động theo quy hoạch phải sớm hoàn tất thủ tục trình cơ quan liên quan chuyển về khu-cụm công nghiệp, khu sản xuất tập trung gắn với việc các địa phương sớm quy hoạch khu-cụm công nghiệp; khu sản xuất tập trung trên địa bàn và công khai các quy hoạch để các cơ sở chế biến gỗ làm thủ tục xin phép đầu tư xây dựng mới cơ sở sản xuất, chế biến gỗ.

13 doanh nghiệp, chi nhánh đang tạm ngừng hoạt động, hoạt động cầm chừng, nguồn gốc gỗ không ổn định; sản phẩm chủ yếu là mộc dân dụng, quy mô hoạt động nhỏ được đưa vào lộ trình sắp xếp lại từ năm 2012-2014 theo hướng tiếp tục theo dõi, kiểm tra để chuyển sang loại hình hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể. Cũng trong giai đoạn trên, nếu các doanh nghiệp không tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh phù hợp, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành thu hồi chức năng chế biến gỗ.

 

Ảnh: Minh Thi
Ảnh: Minh Thi

Các địa phương cũng triển khai rà soát lại hoạt động sản xuất, chế biến gỗ của các hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể do địa phương cấp phép. Đến thời điểm này, các huyện, thị xã, thành phố thực hiện xong phần việc rà soát trên 200 cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản.

Kết quả rà soát cho thấy, chỉ có Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp Hoàng Dương-cơ sở duy nhất trên địa bàn huyện Chư Sê có chức năng chế biến, kinh doanh và sản xuất hàng mộc dân dụng xin kéo dài thời gian chuyển đổi sang trại mộc dân dụng đến cuối tháng 3-2013 với lý do gia công hết số gỗ tròn còn tồn đọng. Các địa phương còn lại đã thực hiện xong việc rà soát.

Theo đó, đã thu hồi 67 giấy phép kinh doanh hộ cá thể sản xuất, chế biến lâm sản; cắt giảm bớt ngành nghề đăng ký; thu cấp đổi giấy phép kinh doanh theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Tuy nhiên, theo tổng hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư đến thời điểm này mới có 10/17 địa phương hoàn thành rà soát báo cáo kết quả về Sở. Kết quả rà soát trên là chậm so với yêu cầu hoàn thành công tác rà soát, báo cáo kết quả về Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 20-7-2012 để Sở tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

Theo Báo Gia Lai