Năm học 2012-2013: Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ
14/08/2012 07:20 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 13-8, trên 370.000 học sinh toàn tỉnh bắt đầu tựu trường, chuẩn bị cho năm học mới 2012-2013. So với năm học trước, thời gian tựu trường và vào học chính thức của các trường mầm non, tiểu học, THCS, bổ túc THCS, THPT, bổ túc THPT sẽ muộn hơn
Sáng 13-8, trên 370.000 học sinh toàn tỉnh bắt đầu tựu trường, chuẩn bị cho năm học mới 2012-2013. So với năm học trước, thời gian tựu trường và vào học chính thức của các trường mầm non, tiểu học, THCS, bổ túc THCS, THPT, bổ túc THPT sẽ muộn hơn, cụ thể: Học sinh mầm non và phổ thông tựu trường vào ngày 13-8, học chính thức ngày 20-8, khai giảng vào ngày 5-9; hệ giáo dục thường xuyên cũng tương tự, nhưng thời gian khai giảng tùy từng trường mà tổ chức từ 3-9 đến 8-9. Còn khó khăn, vướng mắc Tuy nhiên, có một thực tế là dù năm học mới đã đến rất gần nhưng một số đơn vị, địa phương vẫn đang gặp những khó khăn, vướng mắc về cơ sở vật chất, trang-thiết bị và đội ngũ. Ông Hồ Văn Diệp-Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Mang Yang, cho biết: Theo đề án kiên cố hóa trường học và nhà công vụ, từ năm 2008 đến năm 2012 Mang Yang sẽ có thêm 75 phòng học và 70 phòng ở giáo viên nhưng đến nay mới chỉ thực hiện được 38 phòng học và 35 phòng ở giáo viên (đạt 50%). Ngoài ra, vì thiếu thốn cơ sở vật chất nên tại huyện này vẫn còn tồn tại trường 2 cấp học (cấp tiểu học-THCS) ở xã Đak Trôi và Kon Chiêng.
Ông Trần Công Thường-Hiệu trưởng Trường THPT Y Đôn-huyện Đak Pơ cũng khá bức xúc vì 3 năm qua trường không có phòng chức năng, mỗi lần học phải chuyển máy móc, đồ dùng thí nghiệm từ nhà kho lên lớp học, rất mất thời gian. Trong khi đó, bà Trác Thị Thanh Hải-Hiệu trưởng Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Pleiku), thì lo ngại: “Vừa rồi trường được sửa chữa 8 phòng học nhưng do điều kiện thời tiết nên tiến độ hoàn thành bị chậm lại, chắc sẽ không xong kịp vào ngày học chính thức”. Có thể thấy, mối lo ngại của nhà trường là hoàn toàn có cơ sở khi mà toàn trường chỉ có 22 phòng học và mùa mưa đang kéo dài. Hạn chế về cơ sở vật chất cũng là khó khăn chung của một trường mới thành lập như THPT Tôn Đức Thắng (vừa tách ra từ Trường THPT Lê Hoàn-Đức Cơ). Theo ông Trần Văn Lượng-Phó Hiệu trưởng phụ trách, hiện nhà trường chưa có phòng làm việc của Ban Giám hiệu, kế toán, văn phòng, chưa có phòng thư viện, phòng máy vi tính và trang-thiết bị liên quan. Ông Nguyễn Văn Hán-Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập-huyện Kông Chro, thì lại băn khoăn về đội ngũ. Hiện trường đang thiếu 5 giáo viên các bộ môn Toán, Vật lý, Kỹ thuật công nghệ, Tiếng Anh… “Năm ngoái vì trường thiếu giáo viên nên nhiều người dạy dư giờ, nhưng theo quy định nếu dạy vượt trên 200 tiết sẽ không được thanh toán. Vì vậy đến giờ nhà trường cũng chưa biết phải giải quyết thế nào?”-ông Hán băn khoăn. Theo nhận định của Sở Giáo dục-Đào tạo, thực tế hiện nay vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ tại một số đơn vị trên địa bàn tỉnh, chủ yếu là giáo viên dạy môn Âm nhạc, Họa, Tiếng Anh. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ Trao đổi với P.V về những khó khăn của các đơn vị trước thềm năm học mới, ông Phạm Ngọc Thạch-Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo, cho biết, do thực hiện Nghị quyết 11 nên một số nơi còn “tắc” về đầu tư cơ sở vật chất, vẫn có địa phương còn phòng học tạm, lớp ghép, trường liên cấp học nhưng “không có trường nào vì thiếu cơ sở vật chất mà không thể tổ chức khai giảng”-ông Thạch khẳng định.
Hiện Sở đang đẩy nhanh tiến độ các chương trình dự án của ngành, triển khai các hạng mục mua sắm thiết bị cho các đơn vị cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học trong toàn ngành, kịp thời phục vụ cho năm học mới. Vì thời gian tuyển dụng giáo viên phụ thuộc vào kế hoạch chung của Sở Nội vụ nên việc thu nhận hồ sơ tuyển dụng giáo viên sẽ diễn ra vào giữa tháng 8-2012 và tổ chức xét tuyển vào cuối tháng 9-2012. Sở cũng đang kiến nghị UBND tỉnh tiến hành sớm hơn việc xét tuyển dụng giáo viên để các trường chủ động việc phân công giảng dạy; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trong đó chú trọng đầu tư mua sắm thiết bị dạy học cho các lớp mẫu giáo 5 tuổi, các phòng học Tin học và Ngoại ngữ ở bậc phổ thông. Mục tiêu của toàn ngành là đảm bảo huy động tất cả trẻ em 5 tuổi đến học ở các trường mầm non, trẻ em 6 tuổi vào học lớp 1, thực hiện tốt ngày toàn dân đưa trẻ đến trường trong năm học mới; tổ chức khai giảng năm học mới với phần lễ và hội vui tươi, sinh động, tạo không khí phấn khởi cho học sinh khi bước vào năm học mới. Theo thông tin từ Sở Giáo dục-Đào tạo, trước mắt, trong năm 2012, UBND tỉnh đã quyết định phân bổ 17,22 tỷ đồng vốn thực hiện sửa chữa lớn, xây dựng nhỏ trường lớp học. Có thể kể đến một số công trình đã, đang triển khai và hoàn thiện tại các trường để kịp thời đưa vào khai giảng năm học mới như: THPT Tôn Đức Thắng, Nguyễn Trường Tộ, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Chí Thanh, Lương Thế Vinh… Ngoài ra, nhiều hạng mục công trình thuộc các trường THPT Nguyễn Trãi, Kpă Klơng, Đinh Tiên Hoàng, Võ Văn Kiệt cũng chuẩn bị được triển khai. Riêng tổng nguồn vốn đầu tư thiết bị, sách giáo khoa, đồ dùng dạy học là 63 tỷ đồng.
Theo Báo Gia Lai
Hướng dẫn tham gia ý kiến góp ý dự thảo Nghị ...
Quản lý, đầu tư Quỹ BHXH an toàn, hiệu quả, đảm ...
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM 30 NĂM HÀNH TRÌNH AN ...