Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2015

10/08/2012 08:24 AM


Một người có thể lây nhiễm HIV theo 3 con đường: đường máu, quan hệ tình dục và lây từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai; trong đó lây truyền HIV từ mẹ sang con chiếm 30-40%. Nếu phụ nữ trong thời kỳ mang thai nhiễm HIV được chăm sóc và điều trị dự phòng kịp thời thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con giảm xuống 5%.

Một người có thể lây nhiễm HIV theo 3 con đường: đường máu, quan hệ tình dục và lây từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai; trong đó lây truyền HIV từ mẹ sang con chiếm 30-40%. Nếu phụ nữ trong thời kỳ mang thai nhiễm HIV được chăm sóc và điều trị dự phòng kịp thời thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con giảm xuống 5%. Do vậy, việc ngăn ngừa và hạn chế lây truyền HIV từ mẹ sang con là mục tiêu có thể thực hiện được và mang ý nghĩa sâu sắc về mặt xã hội và nhân đạo.

Từ năm 2009, Ủy ban Quốc gia phòng-chống AIDS và phòng-chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã quyết định phát động tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con vào tháng 6 hàng năm. Sau 3 năm triển khai thực hiện, đã huy động được sự tham gia của các cấp, chính quyền, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức xã hội và đông đảo người dân vào các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

 

Nhận thức của người dân nói chung, của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai nói riêng về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được nâng cao; tạo cơ hội cho phụ nữ mang thai tiếp cận sớm các dịch vụ, góp phần thực hiện thành công mục tiêu “Loại trừ hoàn toàn tình trạng lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2015” của Liên hợp quốc mà Việt Nam đã cam kết thực hiện.

Tại Gia Lai, Ban chỉ đạo phòng-chống AIDS và phòng-chống tệ nạn ma túy, mại dâm tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động, từ công tác truyền thông đến các hoạt động cung cấp dịch vụ. Theo đó, Khoa sản, Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, các bệnh viện đa khoa khu vực và các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố đều có những hoạt động cung cấp dịch vụ, tạo điều kiện tốt nhất để các đối tượng gồm: phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, phụ nữ mang thai, phụ nữ nhiễm HIV, phụ nữ mang thai nhiễm HIV, trẻ em sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV, chồng (bạn tình) và các thành viên gia đình của các nhóm phụ nữ trên, nhân viên y tế tại các cơ sở cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện, sức khỏe sinh sản, dịch vụ chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và các dịch vụ liên quan khác tiếp cận toàn diện các dịch vụ chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Là cơ sở sản khoa tuyến tỉnh cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con toàn diện, Khoa Sản (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) có nhiệm vụ tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện cho phụ nữ mang thai, đặc biệt tập trung vào phụ nữ có nguy cơ lây nhiễm HIV; chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV cho bà mẹ mang thai nhiễm HIV/phụ nữ nhiễm HIV mang thai và trẻ sinh ra từ họ; cung cấp sữa cho trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV đến ít nhất 6 tháng tuổi và tư vấn nuôi dưỡng trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV.

Đồng thời, Khoa sản cũng có nhiệm vụ giới thiệu mẹ và trẻ đến các cơ sở y tế để được chăm sóc và điều trị; cử các cán bộ làm đầu mối thực hiện các công việc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và thông báo danh sách các cán bộ này cho các khoa, phòng liên quan trong Bệnh viện và Trung tâm phòng-chống HIV/AIDS tỉnh để phối hợp trong việc cung cấp dịch vụ. Theo bác sĩ Lê Thanh Minh-Trưởng khoa Sản (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) thì đến nay, các đối tượng tác động chính (phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, phụ nữ mang thai, phụ nữ nhiễm HIV, phụ nữ mang thai nhiễm HIV…) tự nguyện đến khoa xét nghiệm HIV là tương đối ít và cũng chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm HIV.

Theo tổng hợp mới nhất của Trung tâm Phòng-chống HIV/AIDS tỉnh, tổng số phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (từ 15 đến 49 tuổi) toàn tỉnh hiện nay là 356.598 người, trong đó số phụ nữ mang thai là 10.928 người; tuy nhiên số phụ nữ tự nguyện đến các cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm, chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con có tỷ lệ thấp. Trao đổi với phóng viên về thực trạng này, ông Hồ Ngọc Gia-Giám đốc Trung tâm Phòng-chống HIV/AIDS tỉnh khẳng định: Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là góp phần bảo vệ thế hệ tương lai. Do đó, vì những đứa con thân yêu không bị nhiễm HIV, tôi cho rằng chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, phụ nữ đang mang thai hãy đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS.

Theo Báo Gia Lai