Lưu giữ giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống

07/08/2012 07:34 AM


Vừa qua, tại nhà lưu niệm Anh hùng Núp (xã Tơ Tung), đã diễn ra Liên hoan cồng chiêng thanh-thiếu niên và hội thi đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm, hát dân ca huyện Kbang lần thứ I-2012. Tham gia liên hoan có hơn 300 nghệ nhân và thanh-thiếu niên của 6 đoàn các xã: Nghĩa An, Đông, Kông Lơng Khơng, Tơ Tung, Kông Pla, thị trấn Kbang).

Vừa qua, tại nhà lưu niệm Anh hùng Núp (xã Tơ Tung), đã  diễn ra Liên hoan cồng chiêng thanh-thiếu niên và hội thi đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm, hát dân ca huyện Kbang lần thứ I-2012. Tham gia liên hoan có hơn 300 nghệ nhân và thanh-thiếu niên của 6 đoàn các xã: Nghĩa An, Đông, Kông Lơng Khơng, Tơ Tung, Kông Pla, thị trấn Kbang).

Với nội dung tạc tượng, các nghệ nhân thông qua tác phẩm phản ánh sinh động đời sống của dân tộc mình. Tượng nhà mồ là một nét văn hóa tâm linh gắn chặt với cuộc sống của đồng bào Tây Nguyên nói chung và dân tộc Bahnar nói riêng. Bà con vào rừng tìm gỗ hương, cà chít, goòng… và phải mất 3-4 ngày mới hoàn thành một bức tượng.
 

Nghệ nhân Đinh Mức, ở làng Leng, xã Tơ Tung, huyện Kbang đang tạc tượng người ôm mặt khóc. Ảnh: L.N
Nghệ nhân Đinh Mức, ở làng Leng, xã Tơ Tung, huyện Kbang đang tạc tượng người ôm mặt khóc. Ảnh: L.N

Nghệ nhân Đinh Mức, ở làng Leng, xã Tơ Tung cho biết: “Những bức tượng nhà mồ đều lấy hình ảnh từ cuộc sống thường ngày. Tượng người ôm mặt khóc thể hiện sự hoài niệm về cuộc sống; tượng người đánh trống, đánh chiêng thể hiện không khí trong sinh hoạt cộng đồng; các tượng giã gạo, địu con lại thể hiện những sinh hoạt hàng ngày… Cuộc thi giúp cho thế hệ trẻ hiểu được truyền thống của ông cha có ý thức học hỏi, lưu giữ những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình”.

Cùng với thi tạc tượng là thi đan lát, dệt thổ cẩm, mang đến hội thi nhiều sắc thái, hoa văn tinh tế, thể hiện trên những chiếc gùi, giỏ, khố nam, váy áo trang phục. Chiếc gùi là đồ dùng hàng ngày nên cách trang trí thể hiện óc thẩm mỹ và bàn tay khéo léo của người đan, trên thân gùi thường có nhiều hoa văn cầu kỳ, thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống. Mỗi dân tộc lại có cách đan gùi, hình dáng và hoa văn riêng biệt. Nghệ nhân Đinh Krem, ở làng Muôn, xã Kông Pla cho hay: Đàn ông Bahnar ai cũng biết đan lát, phụ nữ phải biết dệt vải… Nhưng để làm một cái gùi đẹp thì ít người làm được lắm, bởi phải hiểu phong tục, tập quán. Với hội thi này chúng tôi có thể giao lưu, trao đổi kinh nghiệm để tạo ra những sản phẩm bền, đẹp.

Sôi động, hào hứng và vui nhộn nhất đó là phần biểu diễn cồng chiêng của các đoàn. Đến với phần thi này có những em chỉ mới 8-9 tuổi nhưng thành thục nhịp, phách cồng chiêng với những bài chiêng: “lễ hội đâm trâu”, “Mừng chiến thắng”, “Mừng lúa mới”, “Lễ bỏ mả”, “Bác Hồ gửi thư về các đồng bào dân tộc Tây Nguyên”… Anh Đinh Plih-Trưởng đoàn cồng chiêng làng Leng, xã Tơ Tung, đội chiêng có độ tuổi nhỏ nhất (9 đến 13 tuổi) cho biết: Hầu hết các làng trong xã đều có 2 đội cồng chiêng già và trẻ. Đều đặn hàng tháng vào thứ bảy hoặc chủ nhật là chúng tôi tập hợp các em tại nhà sinh hoạt cộng đồng cùng nhau luyện tập cồng chiêng. Mỗi khi trong làng, trong xã có hội, đội lại đem tiếng chiêng ra góp vui, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.

Với các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, cồng chiêng là loại nhạc khí biểu hiện tính cộng đồng, mang giá trị nghệ thuật âm nhạc, phong tục tập quán và còn là biểu tượng của sức mạnh kinh tế. Trong các lễ hội hay công việc của từng gia đình đều không thể thiếu cồng chiêng. Cồng chiêng đã thực sự gắn bó với đời sống hàng ngày của đồng bào Tây Nguyên nói chung và dân tộc bahnar nói riêng, xuyên suốt cả cuộc đời người, là linh hồn, là xương thịt của dân nơi đây.

Theo Báo Gia Lai