Anh, Pháp, Đức đồng loạt lên tiếng về tình hình căng thẳng trên Biển Đông
30/08/2019 07:19 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Anh, Đức và Pháp đã đồng loạt lên tiếng, bày tỏ sự quan ngại về nguy cơ mất ổn định và an ninh trên Biển Đông trong thông cáo chung phát đi ngày 29/8.
Từ trái qua phải: Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự hội nghị thượng đỉnh G7 tại Pháp (Ảnh: Reuters)
“Chúng tôi quan ngại rằng tình hình tại Biển Đông có thể dẫn sự mất an toàn và bất ổn trong khu vực. Chúng tôi kêu gọi các quốc gia ven biển Đông có những bước đi và biện pháp giảm thiểu căng thẳng, góp phần vào việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và an toàn trong khu vực, bao gồm quyền của các quốc gia ven biển trong vùng biển của họ, quyền tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông”, hãng tin Sputnik dẫn thông cáo chung của 3 nước Anh, Pháp, Đức do Bộ Ngoại giao Anh công bố ngày 29/8 cho biết.
Thông cáo nêu rõ: “Là các quốc gia thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), Pháp, Đức và Anh coi trọng việc thực thi công ước trên phạm vi toàn cầu, trong đó tạo ra khuôn khổ pháp lý toàn diện để mọi hoạt động trên đại dương và biển, bao gồm Biển Đông, phải được tiến hành trong khuôn khổ đó, đồng thời đặt ra nền tảng cho hợp tác giữa các quốc gia, khu vực và toàn cầu trong lĩnh vực hàng hải”.
Pháp, Đức và Anh cũng “hoan nghênh các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc nhằm đạt được một Bộ Quy tắc ứng xử dựa trên luật lệ, mang tính hợp tác và hiệu quả, phù hợp với UNCLOS trên Biển Đông”. 3 nước châu Âu cũng “khuyến khích” các tiến trình nhằm “sớm hoàn tất” Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông.
Thông cáo chung của Pháp, Đức và Anh về Biển Đông được đưa ra chỉ một ngày sau tuyên bố của người phát ngôn Liên minh châu Âu (EU). Tuyên bố của EU bày tỏ quan ngại rằng, “các hành động đơn phương trên Biển Đông trong những tuần vừa qua đã dẫn đến căng thẳng leo thang và gây tổn hại cho môi trường an ninh hàng hải, tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng cho sự phát triển kinh tế hòa bình của khu vực”.
“Điều quan trọng là tất cả các bên trong khu vực phải kiềm chế, có những bước đi cụ thể để quay trở lại nguyên trạng, tránh quân sự hóa khu vực và giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)”, tuyên bố của EU nêu rõ.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 26/8 cũng ra thông cáo bày tỏ quan ngại sâu sắc “trước những nỗ lực tiếp diễn của Trung Quốc khi vi phạm trật tự quốc tế dựa trên quy tắc tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.
Thông cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố chỉ trích việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát và các tàu hộ tống trở lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Theo Dân Trí
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...