Thượng đỉnh G7: Bằng mặt chưa bằng lòng
27/08/2019 07:37 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiến tranh thương mại, cháy rừng Amazon và hạt nhân Iran trở thành 3 chủ đề trọng tâm trong ngày làm việc chính thức đầu tiên của Thượng đỉnh G7.
Chiến tranh thương mại & cái lý của ông Trump
Thương mại quốc tế là một trong các chủ đề quan trọng nhất được bàn thảo tại hội nghị Thượng đỉnh G7 đang diễn ra tại Biarritz. Tất nhiên, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang leo thang căng thẳng như hiện nay, chủ đề về cuộc chiến này chiếm vị trí trọng tâm.
Trong buổi làm việc chính thức đầu tiên vào sáng 25/8, các nhà lãnh đạo G7 đã thể hiện quan điểm về cuộc chiến thương mại này. Hầu như tất cả nước G7, trừ Mỹ, đều bày tỏ lo ngại rằng căng thẳng thương mại Mỹ-Trung sẽ tác động xấu đến kinh tế thế giới, thậm chí có thể đẩy kinh tế thế giới vào suy thoái. Thực tế thì điều này đã và đang diễn ra. Ví dụ điển hình nhất là Đức, nền kinh tế số 1 châu Âu, đã tăng trưởng âm trong quý II năm 2019, với sản lượng sản xuất công nghiệp suy giảm mạnh và đang đứng trước nguy cơ chính thức suy thoái ngay trong tháng 9/2019. Các nền kinh tế khác trong G7 cũng hứng chịu hậu quả của căng thẳng thương mại Mỹ-Trung ở các cấp độ khác nhau.
Tuy nhiên, vì G7 chỉ là một tập hợp không chính thức của các quốc gia phát triển, sẽ không có bất cứ văn bản nào mang tính ràng buộc pháp lý được đưa ra. Thượng đỉnh G7 chỉ là nơi các nước phát triển thể hiện quan điểm, đối thoại và tìm kiếm sự đồng thuận trong các đường hướng phát triển lớn. Do đó, trong khi các nước châu Âu cùng Canada và Nhật thể hiện sự lo ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại dùng G7 làm diễn đàn để tìm kiếm đồng minh.
Theo như những gì ông Donald Trump thể hiện trên mạng xã hội thì ông đã có những bàn thảo rất hiệu quả với Thủ tướng Anh Boris Johnson về một Hiệp định thương mại “lớn chưa từng có” giữa Mỹ và Anh thời hậu Brexit, và rằng ông Johnson ủng hộ Mỹ cứng rắn với Trung Quốc.
Trong cuộc gặp ông Johnson, ông Trump thậm chí nói rằng “tiếc là đã không sớm đánh thuế cao hơn với Trung Quốc”. Ngoài ra, ông Donald Trump cũng đã có các cuộc gặp bên lề với Thủ tướng Canada, Justin Trudeau hay Thủ tướng Nhật, Shinzo Abe và trong cả hai cuộc gặp này, ông Trump đều hứa hẹn thúc đẩy thương mại mạnh hơn giữa Mỹ với Canada và Nhật Bản.
Nói cách khác, cho đến thời điểm này G7 không có sự đồng thuận trong việc nhìn nhận cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ra sao, vì một bên là đa số các nước, nhất là các nước châu Âu, lo ngại về tác động tiêu cực của cuộc chiến này, và bên kia là Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn chứng minh quyết định leo thang thương mại của mình với Trung Quốc là đúng đắn. Hai bên đều dùng G7 để truyền thông cho quan điểm của mình.
Trên thực tế, ngoài cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, thương mại thế giới cũng còn nhiều vấn đề quan trọng khác cần bàn, đó là việc cải tổ Tổ chức thương mại thế giới và bất đồng giữa các nước châu Âu về việc Pháp đe doạ ngăn chặn Hiệp định thương mại EU-Mercosur.
Các chủ đề này đều đã được các bên đề cập nhưng cũng chỉ mới dừng ở mức ghi nhận quan điểm của nhau chứ chưa ra được kết luận chung đáng chú ý nào.
Cháy rừng Amazon & các tính toán của Pháp
Vụ cháy rừng tại Amazon đã trở thành chủ đề nóng ngay từ trước khi Thượng đỉnh G7 khai mạc và Tổng thống nước chủ nhà, ông Emmanuel Macron đã đưa vấn đề này ra bàn với các lãnh đạo G7 ngay trong những cuộc gặp đầu tiên.
Có nhiều nguyên nhân lý giải vì sao vụ cháy rừng Amazon bỗng trở thành một vấn đề lớn đến thế, dù nó đã diễn ra từ nhiều tuần nay.
Thứ nhất, vụ cháy rừng Amazon thực sự là một thảm hoạ môi trường nghiêm trọng không chỉ với các quốc gia Amazon mà với toàn cầu bởi đây là khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, được xem là lá phổi của hành tinh khi cung cấp 20% lượng khí ô-xi cũng như là ngôi nhà của 10% hệ động thực vật.
Vì thế, việc rừng Amazon bị huỷ hoại trên diện rộng tạo nên các hậu quả nặng nề về môi trường và kinh tế. Hiện nay, vụ cháy đã lan ra trên một diện tích rất rộng và vượt quá khả năng khống chế của bất cứ quốc gia Nam Mỹ nào. Bản thân các nước Brazil hay Colombia sau một thời gian chần chừ đã phải kêu gọi sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế. Vì thế, việc G7 nắm bắt chủ đề này là điều cần thiết.
Tuy nhiên, vụ cháy rừng Amazon sẽ không thể trở thành nóng bỏng hàng đầu nếu như không có các ý định của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Đối với ông Macron, đây là cơ hội tuyệt vời để thể hiện vai trò của nước Pháp cũng như của cá nhân ông như là nhà lãnh đạo tiên phong trong cuộc chiến bảo vệ môi trường toàn cầu. Đây là mục tiêu mà ông Macron đã theo đuổi trong suốt 2 năm qua, thể hiện qua việc Pháp từng đứng ra tổ chức Hội nghị thượng đỉnh khí hậu “Một hành tinh” vào cuối năm 2017 hay việc Pháp luôn tích cực vận động cho Thoả thuận Paris 2015 về khí hậu.
Ý định của ông Macron rất rõ ràng, đó là trở thành người nắm giữ lá cờ đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, trong bối cảnh nước Mỹ của ông Donald Trump đã đơn phương rút khỏi Thoả thuận Paris 2015 cũng như thực thi các chính sách không thân thiện về môi trường.
Đó là lí do mà một số quan chức trong đoàn Mỹ đã lên tiếng chỉ trích trên báo chí Mỹ, rằng Tổng thống Pháp Macron cố tình chọn các chủ đề chính thức mà theo Mỹ là “không xứng tầm” như chống biến đổi khí hậu, bình đẳng giới, hợp tác với châu Phi… để khiến Mỹ khó xử, thay vì bàn về các chủ đề quan trọng hơn như kinh tế toàn cầu hay an ninh quốc tế.
Ngoài ra, sự tích cực của ông Macron trong vụ cháy rừng Amazon xuất phát một phần nữa từ các tính toán chính trị riêng, đó là thu hút sự ủng hộ của số lượng ngày càng đông đảo các cử tri ủng hộ môi trường.
Các phong trào bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu đang lên rất mạnh tại châu Âu và cuộc bầu cử châu Âu cuối tháng 5/2019 đã cho thấy, các đảng Xanh đang thăng tiến vũ bão. Riêng tại Pháp, đảng Xanh đã là lực lượng chính trị lớn nhất của giới trẻ.
Vì thế, ông Macron muốn thông qua việc giải quyết một cuộc khủng hoảng lớn như cháy rừng Amazon để vừa nâng cao hình ảnh như một thủ lĩnh quốc tế về bảo vệ môi trường, vừa lôi kéo được lượng cử tri lớn trong nước, chuẩn bị cho cuộc bầu cử địa phương tại Pháp trong năm 2020 và xa hơn là cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2022.
Bên lề quan trọng hơn chính thức
Tại các hội nghị Thượng đỉnh G7, các cuộc gặp song phương bên lề giữa lãnh đạo các nước G7 và các tổ chức quốc tế luôn mang lại nhiều thông tin quan trọng hơn.
Tại G7 năm nay ở Biarritz, điều này càng chính xác hơn vì thực tế khách quan là các phiên thảo luận chính của Thượng đỉnh G7 năm nay đều là các chủ đề không thực sự thu hút, như bình đẳng giới, chống biến đổi khí hậu, hợp tác với châu Phi, an ninh ở khu vực Sahel, hay chuyển đổi số… trong khi các chủ đề nóng của thế giới hiện nay là chiến tranh thương mại, khủng hoảng Iran, Brexit hay thậm chí là nguy cơ Mỹ gây chiến thương mại với châu Âu.
Dư luận, vì thế, để ý nhiều hơn đến các cuộc gặp song phương, như giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Thủ tướng Anh Boris Johnson, với Thủ tướng Nhật, Shinzo Abe hay cuộc gặp giữa ông Boris Johnson với các nguyên thủ Pháp, Đức, Italia và Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Donald Tusk.
Trong các cuộc gặp song phương này, nhiều thông tin rất đáng chú ý đã được đưa ra, như việc Mỹ-Anh hứa hẹn tiến nhanh đến một Hiệp định thương mại lớn chưa từng có. Liên quan đến Brexit, tại Biarritz, Thủ tướng Anh Boris Johnson được cho là có trao đổi với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk rằng nếu nước Anh rời EU vào ngày 31/10/2019 tới mà không có thoả thuận Brexit, sẽ không có chuyện Anh chi trả khoảng 40 tỷ euro nghĩa vụ tài chính cho EU, mà con số này sẽ ít hơn 10 tỷ euro.
Đặc biệt, một cuộc diễn biến bên lề khác, dù không phải ở cấp cao nhất, nhưng thu hút sự chú ý lớn là việc trong chiều ngày 25/8, Ngoại trưởng Iran, Zavad Zarif bất ngờ có mặt tại Biarritz và hội đàm với Ngoại trưởng Pháp, Jean-Yves Le Drian và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Đây được xem là nước cờ bất ngờ của nước chủ nhà Pháp bởi Ngoại trưởng Iran xuất hiện đúng lúc những thảo luận của G7 về Iran nóng bỏng nhất. Mặc dù ông Zarif đã nhanh chóng rời khỏi Biarritz trong tối 25/8 và không có tiếp xúc nào với phía Mỹ, nhưng việc ông Zarif có mặt ở Biarritz đã nói lên khá nhiều điều.
Giới ngoại giao Pháp phát đi thông tin cho biết, phía Pháp đã báo cho Mỹ biết đầy đủ về sự kiện bất ngờ này ngay từ đầu và Mỹ chấp nhận để các quan chức Pháp hội đàm với Ngoại trưởng Iran ngay tại G7, coi như là cách để truyền thông điệp từ G7 đến Iran. Đây có thể coi là một thắng lợi về ngoại giao và truyền thông của cá nhân Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron dù rõ ràng nó đặt Tổng thống Mỹ Donald Trump vào thế tương đối miễn cưỡng.
Cuối cùng, một cuộc gặp bên lề khác cũng có thể mang đến quyết định quan trọng: cuộc gặp giữa Bộ trưởng Kinh tế Pháp, Bruno Le Maire với hai quan chức Mỹ là Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin và Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer trong tối 25/8 để bàn về việc đánh thuế các tập đoàn công nghệ lớn vốn đang gây mâu thuẫn giữa Mỹ và Pháp.
Hai bên sẽ phải tìm ra giải pháp để đề xuất với các nguyên thủ G7 trong ngày hôm nay, nếu không muốn đẩy Mỹ và Pháp cũng như EU vào một cuộc chiến thuế quan mới.
Theo Dân Trí
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...