Ban hành Danh mục Công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động

17/09/2020 07:53 AM


Căn cứ Thông tư số 06/2020/TT-BLĐTBXH vừa được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, Danh mục Công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động bao gồm 32 nhóm công việc.

(Ảnh minh họa)

 

Theo đó, bên cạnh 17  nhóm công việc so với quy định tại Thông tư 13/2016/TT-BLĐTBXH hiện hành, Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động năm 2020 sẽ được bổ sung 15 nhóm công việc, bao gồm: Trực tiếp nấu, chế biến thực phẩm tại các bếp ăn tập thể từ 300 suất ăn một ngày trở lên; Khám, chữa bệnh, chăm sóc người khuyết tật, người bệnh, giải phẫu bệnh, giám định pháp y, xét nghiệm vi sinh vật, các công việc trong lĩnh vực dược phẩm; Trực tiếp giết mổ động vật, chăm sóc, chăn nuôi các động vật lớn trong cơ sở sản xuất kinh doanh, nuôi huấn luyện chó nghiệp vụ, các loại thú dữ, rắn, cá sấu và tiêu hủy các động vật dịch; Trực tiếp vận hành máy bơm xăng, dầu, khí hóa lỏng; Sửa chữa bồn, bể xăng, dầu, giao, nhận, bán buôn, bán lẻ xăng dầu; Trực tiếp chế biến mủ cao su, nhựa thông; Trực tiếp vận hành sản xuất, chế biến bia, rượu, nước giải khát, thuốc lá, dầu ăn, bánh kẹo, sữa; Diễn viên xiếc, xiếc thú, vận động viên chuyên nghiệp, huấn luyện viên thể dục, thể thao chuyên nghiệp; Làm việc với các thiết bị màn hình máy tính bao gồm kiểm soát không lưu, điều hành, điều khiển từ xa thông qua màn hình; Trực tiếp làm hỏa táng, địa táng; Các công việc đặc thù trong lĩnh vực quân sự thuộc danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Trực tiếp vận hành máy có động cơ trong nông nghiệp gồm: máy tuốt, máy gặt, máy bừa, máy cắt cỏ, máy phun thuốc bảo vệ thực vật, máy bơm nước...

Trước đó, theo Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, an toàn, vệ sinh lao động là hai khái niệm riêng biệt; trong đó: An toàn lao động là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm nhằm bảo đảm không xảy ra thương tật, tử vong đối với con người trong quá trình lao động; Vệ sinh lao động là giải pháp phòng, chống tác động của yếu tố có hại gây bệnh tật, làm suy giảm sức khỏe cho con người trong quá trình lao động. An toàn, vệ sinh lao động là tổng hợp các quy phạm pháp luật quy định về các giải pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho người lao động trực tiếp và những người xung quanh. Điều 3 Nghị định 44/2017/NĐ-CP quy định, người sử dụng lao động hằng tháng đóng vào Quỹ Bảo hiểm Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp 0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động, cán bộ, công chức, viên chức… trừ trường hợp lao động là người giúp việc gia đình; 0,5% trên mức lương cơ sở đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn… Còn theo Điều 12 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, nghiêm cấm người sử dụng lao động trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:

Thứ nhất, bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau:

- Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc như nghỉ giải lao, ăn giữa ca...

- Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động.

- Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.

Thứ hai, suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn thuộc 03 trường hợp trên.

Tuy nhiên, người lao động sẽ không được hưởng chế độ tai nạn lao động khi xảy ra tai nạn thuộc một trong các trường hợp: Tai nạn do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động; Tai nạn do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân; Tai nạn do say rượu, bia hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy.

Quyền lợi của người lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là được tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị khi bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp; được thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định; được trả đủ tiền lương trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp. Trường hợp tai nạn không hoàn toàn do lỗi của người lao động gây ra, người sử dụng lao động có trách nhiệm bồi thường cho người lao động bị tai nạn với mức: Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động, sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%; Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Còn trường hợp tai nạn do lỗi của người lao động gây ra, người sử dụng lao động phải trợ cấp cho người lao động khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định khi tai nạn mà không hoàn toàn do lỗi của người lao động gây ra.

Oanh Nguyễn