Thực hiện BHXH toàn dân: Từ góc nhìn lý luận - thực tiễn (Bài 02)

15/09/2020 01:20 PM


Việt Nam đang hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Vậy hiểu thế nào là BHXH toàn dân, cần phải làm rất rõ khái niệm niệm này từ góc nhìn lý luận cũng như thực tiễn.

 

II. Vấn đề đặt ra với thực tiễn tại Việt Nam

Việt Nam đang hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Vậy hiểu thế nào là BHXH toàn dân, cần phải làm rất rõ khái niệm niệm này từ góc nhìn lý luận cũng như thực tiễn.

Trên thế giới, như đã nêu trên, có khái niệm “Universal of Social Insurance” dịch chính xác phải là BHXH phổ cập hay BHXH phổ quát. Từ phổ quát xuất phát từ một định nghĩa của Hiệp hội ASXH quốc tế (ISSA) về ASXH “ASXH là một hệ thống bao gồm các chương trình BHXH, các chương trình trợ giúp xã hội, các chương trình phổ quát (universal Programmes), các chương trình tương trợ, các quỹ dự phòng quốc gia và những chương trình khác trong đó kể cả những chương trình mang tính thương mại”. Các chương trình nêu trong định nghĩa của ISSA được thực hiện với những cơ chế khác nhau, trong đó chương trình phổ quát được tài trợ bởi ngân sách nhà nước. Xin được lưu ý rằng, các chương trình nêu trên là các chương trình thuộc ASXH và BHXH là một trong những chương trình của ASXH.

BHXH phổ quát khác với BHXH toàn dân ở chỗ: bảo hiểm phổ quát là bảo hiểm cơ bản nhất, cho mọi người lao động (dù là bắt buộc hay tự nguyện) đều có thể tham gia và hưởng thụ ở mức tối thiểu theo luật định và Nhà nước sẽ can thiệp sâu vào tầng BHXH này với tư cách là người bảo hộ hoặc tư cách là một chủ thể tham gia BHXH. Còn BHXH toàn dân, theo chúng tôi, cần được hiểu theo nghĩa là mọi người dân đều có quyền tham gia và thụ hưởng BHXH khi đủ điều kiện, ví dụ chỉ khi đi làm việc, đủ tuổi lao động mới được đóng BHXH (theo cơ chế hoặc bắt buộc hoặc tự nguyện…). Hiểu một cách hình ảnh, nếu chụp ảnh theo mặt cắt ngang tại một thời điểm thì toàn bộ dân cư sẽ bao gồm các nhóm dưới tuổi lao động, trong tuổi lao động và ngoài tuổi lao động, thì chỉ những người lao động mới là người tham gia BHXH, những người ngoài độ tuổi lao động (có tham gia BHXH trước đó) được quyền hưởng BHXH trên cơ sở có đóng phí BHXH và những người dưới tuổi lao động được quyền khi họ đủ tuổi lao động. Còn theo trục thời gian thì các nhóm dân cư dưới tuổi lao động ai cũng phải đến tuổi lao động (trừ những người chết sớm) và rời khỏi tuổi lao động (nếu không bị chết trong quá trình lao động). Chính vì vậy, trong Nghị quyết 28 có đưa ra mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia BHXH và đến năm 2030, phấn đấu tỷ lệ này đạt khoảng 60%. Điều này có nghĩa toàn dân, không hàm ý toàn bộ dân cư tham gia BHXH (ở một thời điểm) mà phấn đấu tăng tỷ lệ người lao động tham gia BHXH. Không một quốc gia nào trên thế giới có 100% người dân tham gia BHXH mà chỉ có 100% người dân có quyền tham gia BHXH và 100% người dân là đối tượng của hệ thống ASXH quốc gia với các cơ chế khác nhau và BHXH là một trong các cơ chế đó. Đây vừa là vấn đề lý luận vừa là vấn đề thực tiễn.

Cũng trong Nghị quyết 28 có đưa ra nội dung BHXH đa tầng, trong đó:

- Trợ cấp hưu trí xã hội: Ngân sách nhà nước cung cấp một khoản trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu hoặc BHXH hằng tháng. Có chính sách huy động các nguồn lực xã hội đóng thêm để các đối tượng này có mức hưởng cao hơn; điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách.

- BHXH cơ bản, bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện: BHXH bắt buộc (với các chế độ hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ốm đau, thai sản, thất nghiệp) dựa trên đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động. BHXH tự nguyện (với các chế độ hưu trí, tử tuất hiện nay, từng bước mở rộng sang các chế độ khác) dựa trên đóng góp của người lao động không có quan hệ lao động; có sự hỗ trợ phù hợp từ ngân sách nhà nước cho nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức để mở rộng diện bao phủ BHXH; nâng cao ý thức, trách nhiệm của người lao động đối với việc tự bảo đảm an sinh cho bản thân. Mở rộng diện bao phủ BHXH theo lộ trình điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp từng thời kỳ.

- Bảo hiểm hưu trí bổ sung là chế độ hưu trí tự nguyện theonguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm sự lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn.

Vấn đề này, chúng tôi sẽ bàn luận sâu trong bài viết khác, ở đây chỉ bàn về tầng trợ cấp hưu trí xã hội. Đây là ý tưởng rất nhân văn của một nhà nước phúc lợi kiểu Việt Nam. Theo nội dung nêu trên, thì “Ngân sách nhà nước cung cấp một khoản trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu hoặc BHXH hàng tháng”. Điều này có nghĩa là bất kỳ người dân nào khi bước vào độ tuổi được coi là người cao tuổi (theo Luật Người cao tuổi Việt Nam, người đủ 60 tuổi được gọi là người cao tuổi) mà chưa/không được hưởng bất kỳ loại trợ cấp BHXH hàng tháng hoặc lương hưu thì đều thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ NSNN. Có một số vấn đề cần làm rõ ở đây, như sau:

- Thứ nhất, Trợ cấp hưu trí xã hội nêu trong Nghị quyết số 28 khá giống với tầng BHXH phổ quát nêu trên, chỉ khác là đối tượng ở đây là nhóm người cao tuổi. Tuy nhiên, trợ cấp hưu trí xã hội nêu trong Nghị quyết 28 có phải là trợ cấp hằng tháng không và nếu là trợ cấp hằng tháng thì mức thụ hưởng sẽ như thế nào? Theo một mức đồng nhất hay có các mức khác nhau? Người cao tuổi là nhóm cư dân đặc thù, ngoại trừ người hưởng lương hưu từ hệ thống BHXH hiện hành, những người cao tuổi khác có thể cùng lúc thuộc các nhóm đối tượng khác của hệ thống trợ giúp xã hội (người nghèo, người khuyết tật…) và có thể đang được hưởng các trợ cấp xã hội này. Vậy, những người này có đồng thời được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội không? Nếu không được hưởng thì vi phạm nguyên lý “đồng đẳng” (là nhóm người cao tuổi và không có lương hưu hoặc BHXH hằng tháng). Nếu cùng lúc được hưởng cả trợ cấp hưu trí xã hội và trợ cấp xã hội khác thì lại chưa đúng với nguyên tắc “bình đẳng” trong BHXH.

- Thứ hai, NSNN về bản chất là tiền thuế của người dân và doanh nghiệp. Điều cần phải làm rõ là hệ thống BHXH ở nước ta sẽ thực hiện theo mô hình nào? Theo mô hình nhà nước xã hội của Bismarck với cơ chế đóng- hưởng hay theo mô hình nhà nước phúc lợi của Beveridge với cơ chế thuế quốc gia và người lao động đóng góp tối thiểu hay là mô hình hỗn hợp, vừa theo cơ chế đóng - hưởng, vừa theo cơ chế thuế quốc gia. Đây là vấn đề cần phải làm rõ, tường minh cả về lý luận và tính thực tiễn trong bối cảnh nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN ở Việt Nam. Theo quan sát của chúng tôi chính sách BHXH ở Việt Nam hiện nay và trong tương lai sẽ thực hiện theo mô hình hỗn hợp nêu trên. Tuy nhiên, nếu như vậy, sẽ là sự chuyển hướng từ mô hình BHXH sang mô hình phúc lợi xã hội hoặc an sinh xã hội và khi đó chúng ta mới có thể hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân (theo nghĩa của ASXH).

Một số hàm ý chính sách

- Trong Nghị quyết 28 đã nêu rõ định hướng hoàn thiện pháp luật BHXH, theo đó, phải sửa đổi, bổ sung pháp luật về BHXH theo hướng tiến tới thực hiện BHXH toàn dân; thiết kế hệ thống BHXH đa tầng; hoàn thiện các quy định về đóng - hưởng BHXH, bảo đảm các nguyên tắc công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Như vậy, cần làm rõ ngay mô hình hệ thống BHXH nước ta sẽ là mô hình nào?

- Trước khi ban hành pháp luật, cơ chế, chính sách BHXH cần có ý kiến rộng rãi của người dân, doanh nghiệp. Vì họ là những người trực tiếp chịu tác động của chính sách. Đồng thời cần có ý kiến tham vấn của các nhà khoa học, các chuyên gia quốc tế để có những đánh giá khách quan, khoa học và hợp với thông lệ quốc tế.

- Về mặt truyền thông, theo chúng tôi cần rất cẩn trọng trong việc lý giải, phân tích các vấn đề, các nội dung của BHXH, nhất là vấn đề BHXH toàn dân, để tránh những nhận thức không đầy đủ.
 
Tài liệu tham khảo

1. Công ước 102 (25/06/ 1952) của Tổ chức Lao động Quốc tế.

2. Bùi Xuân Dự (2020). An sinh xã hội: Mô hình Nhà nước Phúc lợi hay Nhà nước Xã hội?
www.doimoi.org.

3. Bùi Văn Huyền (2019) Mô hình ASXH ở Việt Nam: Thực trạng, vấn đề đặt ra và giải pháp, Đề tài cấp Nhà nước, HVCTQGHCM

4. Trần Hữu Quang (2009), Phúc lợi xã hội trên thế giới - quan niệm và phân loại, Tạp chí Khoa học xã hội số 04.

5. Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của BCHTƯ (Khóa XII).

6. Tuyên ngôn Nhân quyền năm 10/12/1948 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc

7. Mạc Văn Tiến (2005), An sinh xã hội và phát triển nguồn nhân lực, NXB Lao động - Xã hội.

Thực hiện BHXH toàn dân: Từ góc nhìn lý luận - thực tiễn (Bài 01)

PGS,TS. Mạc Văn Tiến