Dự thảo Thông tư hướng dẫn giải quyết các chế độ BHXH trong Bộ Quốc phòng

16/07/2020 07:53 AM


Nhằm hướng dẫn về quy trình, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan trong việc giải quyết hưởng các chế độ ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí và tử tuất trong Bộ Quốc phòng, Bộ Quốc phòng đang dự thảo Thông tư Hướng dẫn về Quy trình, trách nhiệm giải quyết hưởng các chế độ BHXH trong Bộ Quốc phòng. Dự thảo được lấy ý kiến góp ý của Nhân dân tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ Quốc phòng (http://www.mod.gov.vn/wps/portal).

Lãnh đạo BHXH Bộ Quốc phòng kiểm tra công tác nghiệp vụ tại Phòng Thu, sổ, thẻ (Ảnh: Đăng Hằng)

 

Về đối tượng áp dụng

Thông tư Hướng dẫn về Quy trình, trách nhiệm giải quyết hưởng các chế độ BHXH trong Bộ Quốc phòng áp dụng với đối tượng Quân nhân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; công chức quốc phòng, công nhân và viên chức quốc phòng; lao động hợp đồng trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng (sau đây gọi chung là người lao động).

Thân nhân người lao động của Quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công chức quốc phòng, công nhân và viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng (sau đây gọi chung là người lao động); người hưởng lương hưu theo Nghị định số 159/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ về việc thực hiện chế độ hưu trí đối với quân nhân trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ ngày 30/04/1975 trở về trước có 20 năm trở lên phục vụ Quân đội đã phục viên, xuất ngũ; Nghị định số 11/2011/NĐ-CP ngày 30/01/2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 159/2006/NĐ-CP; Nghị định số 23/2012/NĐ-CP ngày 03/04 năm 2012 của Chính phủ quy định một số chế độ đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chi-a, giúp bạn Lào sau ngày 30/04/1975 có từ đủ 20 năm trở lên phục vụ trong Quân đội, Công an đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.

Về hồ sơ, số hồ sơ, sổ BHXH và mẫu, biểu hồ sơ giải quyết hưởng các chế độ BHXH

Hồ sơ, số hồ sơ hưởng chế độ BHXH và sổ BHXH

Người lao động, thân nhân người lao động, người sử dụng lao động, cá nhân, tổ chức có liên quan khi cung cấp, kê khai, xác nhận, lập hồ sơ phải ghi đầy đủ, chính xác, trung thực, đúng thẩm quyền, chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung đã kê khai và xác nhận đó;

Hồ sơ giải quyết hưởng chế độ BHXH phải được lập đủ về số lượng, mẫu biểu phải thống nhất và được quản lý, lưu trữ theo quy định Luật lưu trữ ngày 11/11/2011;

Số hồ sơ hưởng các chế độ hưu trí, BHXH một lần, chế độ Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chế độ tử tuất là mã số BHXH (số sổ BHXH);

  1. d) Sổ BHXH của người lao động sau khi đã giải quyết hưởng chế độ hưu trí, tử tuất, BHXH một lần được lưu trữ theo quy định tại BHXH Bộ Quốc phòng.

Mẫu, biểu hồ sơ giải quyết hưởng các chế độ BHXH

Người lao động; thân nhân người lao động; người sử dụng lao động; tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ các mẫu, biểu hướng dẫn kèm theo Thông tư này để thực hiện;

Mẫu đơn, mẫu tờ khai, mẫu văn bản hướng dẫn tại Thông tư này được BHXH Bộ Quốc phòng hoặc người sử dụng lao động nơi trực tiếp giải quyết hưởng các chế độ BHXH đối với người lao động, thân nhân người lao động cấp miễn phí hoặc do người lao động, thân nhân người lao động in, chụp, đánh máy, tự viết tay theo nội dung mẫu quy định;

Mẫu giấy ra viện, giấy chứng sinh, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH và giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai, giấy chứng nhận không đủ sức khỏe để chăm sóc con sau khi sinh, nhận con (đối với trường hợp người mẹ nhờ mang thai hộ), tóm tắt hồ sơ bệnh án do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành Luật BHXH, Luật An toàn, vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế.

Một số quy định trong giải quyết và chi trả các chế độ BHXH

Một là, căn cứ để giải quyết hưởng các chế độ BHXH là sổ BHXH thể hiện quá trình đóng BHXH đồng bộ với cơ sở dữ liệu thu, sổ BHXH đã được quản lý tập trung thống nhất tại BHXH Bộ Quốc phòng; mọi thông tin liên quan đến đóng, hưởng BHXH khi có thay đổi phải được cập nhật vào hệ thống theo đúng quy định.

Hai là, khi giải quyết hưởng các chế độ BHXH phải đối chiếu giữa sổ BHXH với cơ sở dữ liệu thu và hồ sơ hưởng BHXH. Trường hợp đã được giải quyết hưởng các chế độ BHXH mà việc điều chỉnh hưởng BHXH liên quan đến cơ sở dữ liệu thu, sổ BHXH thì phải điều chỉnh lại cơ sở dữ liệu trên hệ thống và sổ BHXH; căn cứ cơ sở dữ liệu và sổ BHXH đã được điều chỉnh để thực hiện việc điều chỉnh hưởng các chế độ BHXH theo quy định.

Ba là, trường hợp lập hồ sơ giải quyết hưởng các chế độ BHXH chậm hơn so với thời hạn quy định tại Thông tư này, Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ phải có văn bản giải trình nêu rõ lý do nộp chậm và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung giải trình.

Bốn là, hằng năm, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng lập hồ sơ giải quyết và chi trả chế độ xuất ngũ từ nguồn Quỹ BHXH đối với hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc quyền khi xuất ngũ, gửi quyết định, danh sách cùng dữ liệu hồ sơ hưởng về BHXH Bộ Quốc phòng để làm cơ sở quyết toán.

Năm là, cơ quan nhân sự đơn vị trực thuộc Bộ giới thiệu người lao động đến Hội đồng giám định y khoa các cấp trong Bộ Quốc phòng để giám định mức suy giảm khả năng lao động làm cơ sở giải quyết chế độ hưu trí.

Bên cạnh đó, Thông tư Hướng dẫn về Quy trình, trách nhiệm giải quyết hưởng các chế độ BHXH trong Bộ Quốc phòng còn hướng dẫn chi tiết về quy trình, trách nhiệm và thời gian giải quyết hưởng các chế độ BHXH: Ốm đau; Thai sản; Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Hưu trí; Tử tuất.

Dự thảo Thông tư Hướng dẫn về Quy trình, trách nhiệm giải quyết hưởng các chế độ BHXH trong Bộ Quốc phòng

Thành NS