Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu và các vấn đề cần quan tâm
04/11/2019 01:57 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Từ góc nhìn lý luận, bài viết dưới đây đề cập các vấn đề cần quan tâm khi xây dựng các chính sách, pháp luật liên quan đến tuổi nghỉ hưu. Đây cũng là vấn đề đang được đông đảo bạn đọc quan tâm, nhất là vào thời điểm các đại biểu Quốc hội thảo luận, xem xét sửa đổi quy định tuổi nghỉ hưu trong dự thảo Luật Lao động (sửa đổi).
Từ góc độ quản lý dân số và nguồn lao động, dân số thường được chia thành ba nhóm tuổi: (i) nhóm dân số trẻ (từ 0 đến 14 tuổi); (ii) nhóm dân số trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 60 tuổi) và (iii) nhóm dân số già (từ 60 tuổi trở lên). Cùng với cách phân chia nói trên, khi thiết kế, xây dựng và hoạch định các chính sách, pháp luật về kinh tế - xã hội, còn phải làm rõ một số khái niệm về tuổi thọ, tuổi nghỉ hưu, tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí và tuổi nghề của người lao động.
- Tuổi thọ (còn được gọi là tuổi già sinh học): về mặt thời gian, tuổi thọ của con người là độ tuổi được tính từ khi sinh ra cho đến khi chết đi. Tuổi thọ là cơ sở quan trọng, thậm chí là chủ yếu để xác định tuổi nghỉ hưu của người lao động. - - Tuổi nghề: là độ tuổi có liên quan đến nghề nghiệp của mỗi người. Về mặt thời gian, nó được tính từ khi con người bước vào làm nghề cho đến khi họ bước ra khỏi nghề nghiệp đó. Có những người, những nghề mà tuổi nghề của người lao động rất ngắn, như: những diễn viên xiếc, những phi công trong ngành hàng không... Ngược lại, có những người và những nghề có tuổi nghề cao, như: các nhà quản lý, những nhà nghiên cứu... Tuổi nghề của người lao động cũng ảnh hưởng đáng kể đến độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí của một bộ phận lao động theo quy định của pháp luật.
- Tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí: theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí là độ tuổi tối thiểu mà tại đó người lao động tham gia BHXH đã đạt được những điều kiện quy định để hưởng tiền lương hưu. Tuy khác nhau, song tuổi nghỉ hưu và tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí có quan hệ khá chặt chẽ. Cả hai khái niệm này đều liên quan đến việc thiết kế chính sách, chế độ BHXH hưu trí.
- Tuổi nghỉ hưu: là độ tuổi mà tại đó người lao động ngừng làm việc đầy đủ, đều đặn và cơ bản. Đứng trên góc độ quản lý dân số và lao động, tuổi nghỉ hưu là độ tuổi mà tại đó người lao động được quyền nghỉ ngơi và về cơ bản là không tham gia lao động. Còn đứng trên góc độ BHXH thì tuổi nghỉ hưu là độ tuổi mà sau đó người lao động đã bị giảm hoặc mất khả năng lao động do tuổi cao, không đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc và được phép hưởng tiền trợ cấp hưu trí theo quy định của pháp luật.
Trong số 04 loại tuổi trên, tuổi nghỉ hưu chịu sự tác động rất lớn của các yếu tố chủ quan ở từng nước. Nó có thể được điều chỉnh tăng lên hay giảm đi, song điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu vẫn là xu hướng mang tính tất yếu trong điều kiện ngày nay. Xét về mặt lý thuyết cũng như thực tế, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ duy trì được một lực lượng lao động đủ để bù đắp sự giảm sút dân số trong độ tuổi lao động, cũng như duy trì được tính bền vững về mặt tài chính của quỹ BHXH, nhất là trong điều kiện già hóa dân số diễn ra nhanh, tỷ suất sinh giảm và tuổi thọ tăng. Từ thực tiễn của nhiều nước trên thế giới, tăng tuổi nghỉ hưu có nhiều tác động tích cực đến các vấn đề kinh tế - xã hội, đặc biệt là vấn đề bình đẳng giới và mối liên hệ rút ngắn khoảng thời gian hưởng lương hưu, mở rộng diện bao phủ trợ cấp xã hội cho người già. Ngoài ra, việc kéo dài thời gian làm việc của người lao động cũng có những tác động tâm lý tích cực cho một bộ phận lao động khi tham gia thị trường lao động như tăng thu nhập, giảm sự lệ thuộc vào gia đình và xã hội, từ đó góp phần giảm gánh nặng tài chính cho xã hội và ngân sách nhà nước.
Thế nhưng, tăng tuổi nghỉ hưu cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường lao động; kéo dài thời gian làm việc của từng cá nhân người lao động và hệ quả là rủi ro thất nghiệp, thiếu việc làm sẽ gia tăng, nhất là khi nền kinh tế còn khó khăn, thị trường lao động chưa thực sự phát triển. Ngoài ra, tăng tuổi nghỉ hưu có tác động đáng kể đến chính sách tuyển dụng, thay thế lao động của doanh nghiệp. Nó làm mất đi cơ hội lựa chọn linh hoạt trong quá trình tuyển dụng lao động mới của doanh nghiệp...
Tăng tuổi nghỉ hưu cần phải dựa trên những cơ sở chủ yếu sau:
Thứ nhất là, cơ cấu dân số và và sự biến động về cơ cấu dân số của quốc gia theo thời gian. Nếu tỷ lệ dân số thuộc nhóm dưới 15 thấp, nhóm trên 60 cao và xu hướng này diễn ra có tính quy luật theo thời gian thì việc tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động là có cơ sở.
Thứ hai là, tốc độ tăng trưởng dân số. Do tỷ suất sinh và tỷ suất chết cùng giảm, nhưng tốc độ giảm của tỷ suất sinh nhanh hơn cho nên tốc độ tăng trưởng dân số trung bình sẽ giảm đi hàng năm. Đây cũng là nhân tố có tác động lớn đến việc tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động.
Thứ ba là, lực lượng lao động và việc làm trong nền kinh tế. Tỷ lệ lao động có việc làm là một chỉ tiêu thống kê được đo bằng số lao động có việc làm so với lực lượng lao động có khả năng lao động. Tỷ lệ dân số có việc làm cũng là một chỉ tiêu thống kê nhưng được đo bằng số người có việc làm so với nhóm dân số từ 15 tuổi trở lên. Cả hai chỉ tiêu này có thể khác nhau giữa thành thị và nông thôn, giữa nam và nữ. Khi nền kinh tế tăng trưởng và cơ cấu kinh tế ổn định thì cả hai chỉ tiêu này cũng ổn định theo chiều hướng ngày càng gia tăng. Đây cũng là cơ sở, là điều kiện tích cực để quyết định việc tăng tuổi nghỉ hưu.
Thứ tư là, tình hình thất nghiệp. Thất nghiệp và tình hình thất nghiệp là vấn đề nan giải khó giải quyết; chịu sự tác động của nhiều nhân tố như: tốc độ gia tăng dân số và nguồn lao động; công nghệ; chính sách tạo việc làm và xóa đói giảm nghèo; xuất khẩu lao động; các chính sách kinh tế - xã hội vĩ mô... Cơ cấu lao động bị thất nghiệp có thể khác nhau giữa nam và nữ; giữa thành thị và nông thôn, giữa các nhóm tuổi. Tỷ lệ lao động bị thất nghiệp thường được xác định bằng cách lấy số người lao động bị thất nghiệp trong kỳ chia cho tổng số lao động tính đến cuối kỳ. Một khi tỷ lệ lao động bị thất nghiệp thấp và tương đối ổn định theo thời gian, nó cũng là cơ sở để đi đến quyết định có tăng tuổi nghỉ hưu hay không?
Thứ năm là, kinh tế vĩ mô. Kinh tế vĩ mô và sự ổn định của kinh tế vĩ mô thể hiện chủ yếu ở các chỉ tiêu:
+ Quy mô GDP và tốc độ tăng trưởng GDP;
+ Tỷ lệ lạm phát trong nền kinh tế;
+ Cán cân tài khoản vãng lai...
Quy mô GDP và tốc độ tăng trưởng GDP cao và ổn định phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng và phát triển của tất cả các ngành kinh tế và các lĩnh vực kinh tế và các vùng kinh tế. Trong xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ngày nay thì GDP của các ngành công nghiệp và xây dựng cơ bản, ngành dịch vụ thường chiếm tỷ trọng ngày càng cao và tốc độ tăng trưởng cũng cao hơn so với ngành nông nghiệp. Một khi GDP có tốc độ tăng trưởng cao, ổn định và bền vững thì tỷ lệ lạm phát trong nền kinh tế cũng có xu hướng giảm; cán cân tài khoản vãng lai cũng sẽ được duy trì ở mức thấp và giảm đi theo thời gian... Tất cả những yếu tố trên đều là cơ sở cần phải tính đến khi quyết định tăng tuổi nghỉ hưu./.
PGS.TS Nguyễn Văn Định
Trường Đại học Kinh tế quốc dân
Theo Tapchibaohiemxahoi.gov.vn
Quản lý, đầu tư Quỹ BHXH an toàn, hiệu quả, đảm ...
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM 30 NĂM HÀNH TRÌNH AN ...
Mức đóng BHYT hộ gia đình từ 1.7.2025 thay đổi ...