Tăng cường đối thoại trực tiếp chính sách bảo hiểm xã hội với người dân

02/11/2018 08:21 AM


Trong khoa học giao tiếp, đối thoại là nói chuyện qua lại giữa hai hay nhiều người với nhau, người nghe không còn thụ động mà phát huy được tính chủ động, đưa ra ý kiến của riêng mình.

Trong khoa học giao tiếp, đối thoại là nói chuyện qua lại giữa hai hay nhiều người với nhau, người nghe không còn thụ động mà phát huy được tính chủ động, đưa ra ý kiến của riêng mình. Việc trao đổi thông tin và giải quyết thông tin giữa hai hay nhiều người với nhau là biện pháp hữu hiệu nhất để một vấn đề nào đó thực sự sáng tỏ, thực sự đi vào thực tiễn, nhằm đạt được mục tiêu xác định. Ðối thoại là một tiến trình gồm có ba phần: nói, nghe và thông cảm. Các phần này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và hỗ trợ cho nhau. Người truyền đạt thông tin chỉ có thể đạt được mục đích khi có người muốn được nhận thông tin, muốn tiếp cận thông tin, hiểu được thông tin, thông cảm và chia sẻ thì đó mới thực sự hiệu quả và là thành công của một cuộc đối thoại.

Để tăng cường công tác tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), trong những năm qua ngành BHXH tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, hội, đoàn thể từ tỉnh tới cấp xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các đơn vị, doanh nghiệp, người lao động và nhân dân. Trong đó, hình thức đối thoại trực tiếp với người lao động, hội viên các hội, đoàn thể, người dân ở khu dân cư mang lại hiệu quả nhất. Bên cạnh việc nhận thức được ý nghĩa, vai trò của các chính sách, quy định của pháp luật về BHXH, BHYT và các vấn đề có liên quan, người lao động, người dân được trực tiếp trao đổi, được tư vấn những quy định của chính sách, trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia BHXH, BHYT, đồng thời được giải đáp những vướng mắc, những khó khăn khi tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT. Có khá nhiều ý kiến phản ánh liên quan đến vấn đề quyền lợi, trách nhiệm và một số tồn tại trong công tác khám bệnh, chữa bệnh BHYT cũng như những băn khoăn khi tham gia BHYT như mức đóng BHYT, thời điểm đóng, thời điểm bắt đầu được hưởng quyền lợi, chế độ BHYT khi khám và điều trị bệnh, thông tuyến, chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh và một số vấn đề khác liên quan đến chính sách BHYT, cho thấy chính sách BHYT đã được người dân đang rất quan tâm.

Tuy nhiên, số người tham gia BHXH nói chung, tham gia BHXH tự nguyện nói riêng trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện nay là rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của tỉnh. Theo dự báo của Cục Thống kê tỉnh, dân số trung bình của Gia Lai năm 2018 khoảng 1,47 triệu người, trong đó lực lượng lao động khoảng trên 885 ngàn người, trong khi số người tham gia BHXH khoảng gần 80 ngàn người, trong đó số người tham gia BHXH tự nguyện dự kiến năm 2018 chiếm khoảng 0,23% lực lượng lao động khu vực nông nghiệp, nông thôn và khu vực phi chính thức, tương đương khoảng 1,38 ngàn người.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, để người dân tích cực tham gia, trách nhiệm không chỉ ngành BHXH mà các cơ quan, đơn vị, hội đoàn thể, các doanh nghiệp và cả Hệ thống chính trị phải vào cuộc, triển khai một cách đồng bộ các giải pháp gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, trong đó, cần thực hiện nhiều hơn các cuộc đối thoại trực tiếp với nhân dân để nghe dân nói, nói cho dân hiểu chính sách, chế độ BHXH, BHYT; sự ưu việt, tính nhân văn sâu sắc của chính sách mang đậm bản sắc, truyền thống tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam, nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc “đóng – hưởng” và chia sẻ giữa những đang tham gia BHXH và giữa người đang tham gia BHXH với những người nghỉ việc hưởng chế độ BHXH, đặc biệt chính sách BHYT thể hiện rất rõ nguyên tắc “đóng – hưởng” và chia sẻ, thực tế đã có nhiều trường hợp, khi đau, ốm phải đi khám chữa bệnh với khoản chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng, có trường hợp ngay ở tỉnh Gia Lai, một học sinh bị tai nạn bỏng, chi phí y tế từ khi bị bỏng đến khi chữa khỏi bệnh số tiền quỹ BHYT thanh toán lên đến gần một tỷ đồng, trong khi số tiền đóng BHYT trong một năm đối với học sinh này chưa đến một triệu đồng.

Bên cạnh đó, chính sách BHXH tự nguyện và chính sách BHYT hộ gia đình, BHYT học sinh, sinh viên đang được nhà nước đóng, hỗ trợ đóng. Nếu người dân hiểu được chính sách, biết được quyền lợi trước mắt cũng như lâu dài khi tham gia BHXH, BHYT, biết được sự quan tâm của Đảng, nhà nước, chắc chắn một điều họ sẽ tích cực tham gia, thậm chí người thân, con cháu có khả năng về kinh tế có thể hỗ trợ cho cha mẹ, cô, gì, chú bác, anh, chị, em của mình một khoản tiền nhất định để tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình…

Nhưng để dân biết, dân hiểu và chia sẻ, nếu chỉ thực hiện tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, pa – nô, áp – phích là chưa đủ, bởi có những nội dung người dân không hiểu, có những nội dung hiểu chưa đúng, thậm chí có thể còn nhầm lẫn với các loại hình bảo hiểm thương mại, hoặc những vấn đề người dân quan tâm, thắc mắc, muốn được tư vấn, nhưng không biết chia sẻ với ai, cũng bởi ban ngày phải đi làm việc, tối về xum họp gia đình thì thời gian đâu để đi đến các cơ quan công quyền mà hỏi!

Nên chăng, cần đổi mới mạnh mẽ phương pháp, hình thức tuyên truyền theo kiểu đối thoại trực tiếp với người dân vào các buổi tối tại thôn, làng, tổ dân phố, chỉ cần một thời gian ngắn, có thể chỉ một vài tiếng đồng hồ, nhưng hiệu quả sẽ gấp nhiều lần tổ chức hội nghị tuyên tuyền mà trong đó người nói cứ nói, không biết người nghe có nghe hay có muốn nghe hay không! Cơ quan BHXH sẽ là người tư vấn chính sách, chính quyền cơ sở (cấp xã, thôn, làng, tổ dân phố) là đơn vị tổ chức đối thoại, kết hợp với một vài chương trình vui chơi, giải trí có thưởng xen kẽ để thu hút người dân tham gia, chắc chắn mang lại hiệu quả thiết thực, nhất là trong giai đoạn từ nay đến năm 2021, năm 2025 và năm 2030, ngành BHXH đang quyết liệt tham mưu cho cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH, trong đó nhấn mạnh người lao động, người dân khu vực nông thôn, khu vực phi chính thức đang là tiềm năng rất lớn để phát triển đối tượng tham gia BHXH, để đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra, tiến tới BHXH, BHYT toàn dân./.

Lê Hoàng